Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, HOSE: VCB) và Ngân hàng TMCP Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV, HOSE: BID) vừa công bố báo cáo tài chính quý III và 9 tháng đầu năm 2021.
Theo Báo cáo tài chính quý III/2021 của Vietcombank, ngân hàng trải qua quý kinh doanh tích cực với tăng trưởng dương ở hầu hết chỉ tiêu.
Cụ thể, trong quý III, ngân hàng ghi nhận hơn 10.427 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 5.738 tỷ đồng, tăng 15,2% so với cùng kỳ, bất chấp việc ngân hàng phải chi hơn 2.500 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Số trích lập dự phòng trong quý III của ngân hàng này cao hơn gần 25% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, thu nhập lãi thuần của Vietcombank đạt 31.605 tỷ đồng, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận của ngân hàng đạt 19.311 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái và dẫn đầu toàn ngành ngân hàng.
Vietcombank cũng là đơn vị dẫn đầu bảng xếp hạng top 10 Ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín năm 2021 theo công bố mới đây của Vietnam Report.
Về tình hình tài chính, tính đến ngày 30/9/2021, ngân hàng này có tổng tài sản vào khoảng 1,38 triệu tỷ đồng, tăng hơn 4%; số dư tiền gửi khách hàng đạt gần 1,11 triệu tỷ, tăng hơn 7% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi có kỳ hạn chiếm 66% và tiền gửi không kỳ hạn chiếm 31%.
Tổng nợ phải trả của Vietcombank là 1,27 triệu tỷ đồng, tăng 3.3% so với hồi đầu năm. Đáng chú ý, nợ xấu tại ngân hàng này tăng mạnh so với hồi đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 3 là 1.483 tỷ đồng, tăng 55%; nợ nhóm 4 là 3.121 tỷ đồng, tăng 93%; nợ nhóm 5 là 6.278 tỷ đông, tăng 31% so với đầu năm.
Còn theo Báo cáo tài chính công bố mới đây của BIDV, lợi nhuận quý III của ngân hàng này ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 12.204 tỷ đồng, tăng 33,5% so với cùng kỳ năm trước. Các khoản lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 1.594 tỷ đồng, tăng 16,6%; lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối đạt 457 tỷ đồng, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Một số hoạt động kinh doanh giảm sút so với kỳ trước. Cụ thể, mua bán chứng khoán kinh doanh lỗ 2,4 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm 2020 lãi 58 tỷ đồng; lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư chỉ đạt 151 tỷ đồng, bằng 50%; lãi thuần từ hoạt động khác đạt 794 tỷ đồng, giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong kỳ, chi phí hoạt động của ngân hàng đạt hơn 5.000 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước dự phòng quý III/2021 đạt 10.175 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2020.
Tuy nhiên, dự phòng rủi ro tăng lên 7.502 tỷ đồng, tương ứng 30% so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung, lợi nhuận trước thuế quý III của BIDV chỉ còn 2.673 tỷ đồng, giảm 1,1%; lợi nhuận sau thuế đạt 2.122 tỷ đồng, đi ngang so với mức 2174 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Nhờ kết quả kinh doanh khả quan nửa đầu năm, BIDV vẫn có kết quả kinh doanh tích cực, cụ thể, lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, thu nhập lãi thuần của BIDV đạt 35.964 tỷ đồng, tăng 42%; lợi nhuận trước thuế của BIDV đạt 10.733 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2020.
Về tình hình tài chính, tính đến ngày 30/9/2021 tổng tài sản của BIDV đạt lên hơn 1,68 triệu tỷ đồng, tăng 11,2%. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 9,4%, lên gần 1,33 triệu tỷ đồng. Huy động tiền gửi tăng 6,8%, đạt 1,3 triệu tỷ đồng.
Tổng nợ phải trả của BIDV là 1,68 triệu tỷ đồng, tăng 10% so với hồi đầu năm. Trong đó, nợ xấu chiếm 21.431 tỷ đồng, tăng không đáng kể so với mức 21.369 tỷ đồng hồi đầu năm.