Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (HoSE: CTG, Vietinbank) vừa công bố báo cáo tình hình sử dụng vốn từ đợt chào bán trái phiếu ra công chúng năm 2017 (đã kiểm toán).
Theo đó, cuối năm 2017, ngân hàng đã phát hành 2 đợt chào bán tổng số 420.000 trái phiếu loại mệnh giá 10 triệu đồng/trái phiếu, huy động được 4.200 tỷ đồng. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi trong vòng 10 năm và không có bảo đảm bằng tài sản.
Với số tiền thu về, Vietinbank đã sử dụng giải ngân cho vay trung và dài hạn, đồng thời cơ cấu lại nguồn vốn ngắn hạn tài trợ cho các dự án.
Lĩnh vực được Vietinbank cho vay lớn nhất là dự án thép với 1.345 tỷ đồng giải ngân từ tháng 12/2017 đến tháng 5/2018. Xếp thứ 2 là lĩnh vực giao thông vận tải 1.047 tỷ đồng, được giải ngân vào tháng 11/2017.
Ngoài ra là các lĩnh vực điện (được vay với giá trị 500 tỷ đồng), dự án nước (370 tỷ đồng), cà phê (210 tỷ đồng), vận tải kho bãi (105 tỷ đồng), vật liệu xây dựng (171 tỷ đồng), y tế (59 tỷ đồng)….
Vietinbank cũng vừa có thông báo sẽ phát hành 4.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng với kỳ hạn 10 năm. Sau 5 năm, ngân hàng có thể thực hiện quyền mua lại, tuy nhiên chỉ có thể mua lại toàn bộ mà không được mua một phần.
Lãi suất trái phiếu được thả nổi và xác định bằng lãi suất tham chiếu (lãi suất tiền gửi tiết kiệm 12 tháng của 4 ngân hàng có vốn Nhà nước) cộng thêm 0,8%. So với đợt trái phiếu phát hành hai tháng cuối năm ngoái (+1,2%), mức biên độ lãi suất cộng thêm mà trái chủ được hưởng chỉ bằng 2/3.
Số tiền huy động được trong đợt phát hành trái phiếu sắp tới dự kiến sẽ sử dụng để cho vay vào các lĩnh vực như điện (1.232 tỷ đồng), xây dựng (893 tỷ đồng), nước (591 tỷ đồng),...
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, thời gian gần đây, nhiều ngân hàng tăng cường phát hành trái phiếu, cũng như các loại giấy tờ có giá khác để huy động vốn, nhằm cải thiện hệ số CAR (tỷ lệ an toàn vốn).
Trong bối cảnh hoạt động ngành ngân hàng còn nhiều rủi ro, các ngân hàng đang phải vật lộn với nợ xấu thì việc thu hút thêm cổ đông mới bỏ vốn đầu tư hoặc các cổ đông hiện hữu góp thêm vốn là rất khó.
Đặc biệt là trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước thời gian qua tăng cường giám sát tình trạng sở hữu chéo của các ngân hàng, làn sóng thoái vốn đã khiến nhiều nhà băng rơi vào tình trạng hao hụt vốn huy động.
Trong hoàn cảnh đó thì phát hành trái phiếu là một trong những phương pháp giúp các ngân hàng có thể tăng nguồn vốn tự có, gọi vốn trong thời gian ngắn, với mức lãi suất được xác định trước.