Trước đó, ngày 27/12/2012, VietinBank và BTMU đã ký hợp đồng đầu tư chiến lược và hợp đồng hợp tác toàn diện giữa VietinBank và BTMU sau gần một năm tích cực đàm phán. VietinBank cũng đã tổ chức ĐHĐCĐ bất thường vào ngày 26/2/2013 để chính thức phê duyệt việc lựa chọn BTMU làm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tại VietinBank.
Sự kiện một ngân hàng hàng đầu Nhật Bản và một ngân hàng chủ lực của nền kinh tế Việt Nam có mối quan hệ hợp tác chiến lược sẽ là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường đầu tư vào Việt Nam.
Sau khi hoàn tất việc chuyển tiền của BTMU để nắm giữ cổ phần và trở thành cổ đông chiến lược, VietinBank đã trở thành ngân hàng thương mại có vốn lớn nhất Việt Nam (vốn điều lệ đạt 32.661 tỷ VND, vốn chủ sở hữu đạt khoảng 45.000 tỷ VND) và cơ cấu cổ đông mạnh nhất ở Việt Nam, trong đó NHNN vẫn là cổ đông chiếm cổ phần chi phối, tiếp theo là hai cổ đông tổ chức nước ngoài: BTMU và IFC; và các bên có liên quan.
So sánh vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu của các ngân hàng lớn nhất tại Việt Nam
(tại thời điểm tháng 5/2013)
Ngân hàng |
Vốn điều lệ (tỷ đồng) |
Vốn chủ sở hữu (tỷ đồng) |
Ngân hàng TMCP Công thương VN |
32.661 |
~ 45.000 |
Ngân hàng TMCP Ngoại thương VN |
23.174 |
42.336 |
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển VN |
23.011 |
26.902 |
Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT Việt Nam |
29.154 |
~42.000 |
Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (EIB) |
12.355 |
15.832 |
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (STB) |
10.739 |
13.412 |
Ngân hàng TMCP Á châu (ACB) |
9.376 |
12.763 |
Thành công của VietinBank và BTMU trong giao dịch này cũng sẽ là động lực góp phần tăng cường sự gắn bó trong quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại, đầu tư trực tiếp giữa Việt Nam và Nhật Bản, đồng thời khẳng định uy tín và thương hiệu của ngân hàng Việt Nam trên thị trường khu vực và thế giới.
Cơ cấu cổ đông của VietinBank trước và sau khi BTMU trở thành đối tác chiến lược chính thức thứ hai
Bên cạnh đó, việc tăng vốn chủ sở hữu và số tiền thặng dư thu được từ đợt chào bán riêng lẻ cho BTMU sẽ tạo cơ sở cho VietinBank củng cố hoạt động, đồng thời tập trung tái cấu trúc bộ máy tổ chức để VietinBank hiện đại và cạnh tranh hơn là những mục tiêu đầu tiên của VietinBank trong tiến trình cổ phần hóa. Cụ thể, VietinBank sẽ dùng số tiền này để tăng cường tín dụng, mở rộng mạng lưới, đầu tư vào cơ sở vật chất và công nghệ, mở rộng hoạt động đầu tư góp vốn...
Được biết giữa tháng 4 vừa qua, đoàn lãnh đạo cấp cao do Chủ tịch VietinBank dẫn đầu đã sang làm việc với các lãnh đạo cấp cao của tập đoàn MUFG (tập đoàn mẹ của BTMU). Lãnh đạo hai bên gặp gỡ, trao đổi cấp cao về việc triển khai các thoả thuận hợp tác chiến lược và hỗ trợ kỹ thuật giữa hai bên cũng như tìm kiếm thêm cơ hội hợp tác tiềm năng nhằm mục tiêu giúp VietinBank giữ vững vị trí hàng đầu tại Việt Nam và vươn ra tầm khu vực đồng thời giúp BTMU phục vụ tốt hơn các khách hàng Nhật Bản của mình tại Việt Nam.
Hiện tại, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư vào Việt nam là khách hàng của BTMU và theo dự báo, số doanh nghiệp Nhật Bản là khách hàng của BTMU muốn đầu tư vào Việt Nam đang có xu hướng tăng nhanh.
Với việc ký kết các hợp đồng vừa qua, VietinBank và BTMU sẽ có cơ hội chuẩn bị và phục vụ tốt hơn cho các khách hàng tiềm năng này.
P.V