Ngày 21/6, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines; HoSE: HVN) tổ chức Đại hội đồng cổ đông năm 2024. Một trong những vấn đề được cổ đông quan tâm, chất vấn tại đại hội là việc giá vé máy bay tăng cao trong thời gian gần đây.
Giải trình về vấn đề này, ông Đặng Anh Tuấn - Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines khẳng định đúng là có chuyện tăng giá vé máy bay. Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm nay, giá vé máy bay ở nước ta tăng 15- 17%, tuỳ thuộc chặng bay, ngày bay, giờ bay. Tuy vậy, ông Tuấn cũng nhấn mạnh, giá vé "Vietnam Airlines không bay một mình để có thể tự quyết định giá vé"
“Cách đây khoảng một tháng, số liệu chúng tôi tính toán cho thấy, giá vé tính trung bình ở tất cả đường bay chỉ ở mức khoảng bằng 76% so với giá trần, trong đó có những đường bay chỉ bằng khoảng 43% so với giá trần. Trong một tháng trở lại đây giá vé máy bay trung bình còn giảm nhiều hơn do chúng tôi khai thác các giờ bay sớm và tối muộn với giá vé thấp hơn”, ông Tuấn nói.
Lý giải về nguyên, lãnh đạo hãng bay này cho rằng, Vietnam Airlines không bay một mình để có thể tự quyết định giá vé. Ở thị trường nội địa, vẫn còn sự tham gia các một số hãng hàng không khác. Ở thị trường quốc tế, Vietnam Airlines đang phải cạnh tranh trực tiếp với trên 50 hãng bay có đường bay đi/đến Việt Nam và với khoảng 150 đơn vị nếu tính cả liên doanh, liên kết, đặt chỗ.
Bên cạnh đó, giá vé được quyết định bởi sức mua thị trường và các hãng hàng không sẽ tính toán giá vé để đạt được hiệu quả tối ưu nhất. "Các hãng bay không thể bán đắt nhất để chỉ bán được một vài khách nhưng cũng không thể bán rẻ để đạt được mục tiêu 100% chỗ lấp đầy", ông Tuấn nói minh họa.
Một điểm quan trọng được lãnh đạo Hãng hàng không quốc gia nhấn mạnh đó là việc tăng giá máy bay không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà ở mức độ toàn cầu.
Theo ông Tuấn, trên thế giới giá vé máy bay đã tăng từ cuối năm 2022 nhưng Việt Nam đến đầu năm 2024 mới bắt đầu tăng. Mức tăng trên thế giới còn lớn hơn Việt Nam, lên đến 30% trong giai đoạn 2022.
“Việc tăng giá này không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà diễn ra trên phạm vi toàn cầu, nhưng thời gian, mức tăng khác nhau. Trên thế giới, giá vé máy bay đã bắt đầu tăng từ năm 2022 còn ở Việt Nam mới có dấu hiệu tăng gia từ đầu 2024. Mức độ tăng giá cũng khác nhau, chúng ta mới chỉ tăng tầm 15-17%, nhưng có những thị trường giá vé đã tăng 30 - 40% từ năm 2022. Giá vé sẽ giảm khi cung cầu bằng nhau”, ông Tuấn nói.
Theo lãnh đạo, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc giá vé may bay tăng như chi phí trả cho nguyên vật liệu và chênh lệch tỉ giá. Trong đó, chỉ riêng năm 2023 chi phí đầu vào tăng cao, bao gồm chi phí đầu vào nhiên liệu tăng thêm 5.500 tỷ đồng so với năm 2019. Việc tỉ giá đồng USD tăng khiến doanh nghiệp mất thêm khoảng 4.700 tỷ đồng. Hai chi phí này cộng lại khoảng 10.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó còn có một số yếu tố khác như đứt gãy chuỗi cung ứng, vấn đề địa chính trị.
“Thống kê cho thấy, trên bình diện toàn thế giới, cứ một hành khách đi máy bay thì các hãng hàng không lãi 15 USD. Tuy nhiên ở châu Á - Thái Bình Dương trong đó có Việt Nam, các hãng bay chỉ lãi 1,2 USD/khách. Điều đó cho thấy, việc tăng giá vừa rồi có thể bù đắp 1 phần chi phí nhưng chưa đủ để tích lũy sẵn sàng cho các biến cố, rủi ro tương lai.
Các hãng bay nước ngoài họ "tích cóp" rất nhanh do không vướng phải các quy định về giá. Chúng ta không thể tăng giá hơn nữa vì có quy định về giá trần, thứ hai là sức mua ở Việt Nam vẫn còn yếu. Thứ ba, Vietnam Airlines là doanh nghiệp Nhà nước phải làm hài hoà lợi ích giữa các bên ", ông Tuấn chia sẻ.