Vietnam Airlines vừa ra mắt sàn thương mại điện tử (TMĐT) VNAMALL với hơn 300 sản phẩm nhập khẩu từ các quốc gia mà hãng có đường bay.
Với ưu thế là sàn TMĐT của một hãng bay, VNAMALL sẽ mang đến những sản phẩm mang đậm dấu ấn hàng không, cũng như tận dụng được khả năng kết nối của mạng bay rộng khắp gần 100 đường bay trong và ngoài nước của Vietnam Airlines.
Danh sách mặt hàng của sàn TMĐT này hiện trải dài hơn 300 sản phẩm từ thực phẩm, nông sản, đồ uống đến quà tặng, vật phẩm đồng thương hiệu Vietnam Airlines. Hãng cũng cho biết khách hàng có thể đặt mua rượu vang hạng thương gia hay món tráng miệng, món ăn nhẹ của tương tự như trên các chuyến bay.
Vietnam Airlines khẳng định sàn TMĐT VNAMALL là một trong những bước đi nhằm đa dạng hóa ngành hàng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, bắt nhịp xu thế chuyển đổi số và sự tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực TMĐT. Đây được xem là nỗ lực của hãng nhằm đa dạng hóa nguồn thu trong bối cảnh Covid-19 đã tác động nghiêm trọng tới doanh thu vận tải hành khách của Vietnam Airlines.
Một trong những sản phẩm đáng chú ý nhất trên VNAMALL là VNA Gift Card – thẻ quà tặng dịch vụ hàng không đầu tiên tại Việt Nam. Thẻ quà tặng Vietnam Airlines Gift Card có thể sử dụng để đổi sang vé máy bay hoặc quyền lợi nâng hạng Thương gia trên các chuyến bay của VNA, Pacific Airlines và VASCO.
Trước đó vào năm 2019, Vietjet Air đã chia sẻ về kế hoạch ra mắt một nền tảng thương mại điện tử bán tất cả mọi thứ, từ dịch vụ tài chính đến hàng tiêu dùng, theo mô hình của AirAsia.
Vietjet đặt mục tiêu triển khai dịch vụ nói trên trong vòng 2 năm, bằng cách hợp tác với các ngân hàng, khách sạn và các công ty khác. Đây là điểm khác biệt so với AirAsia vì hãng này thiết lập một nền tảng cung cấp dịch vụ du lịch và tài chính trực tuyến chủ yếu thông qua các công ty con.
Trong khi AirAsia cho biết họ đang đầu tư 20 triệu USD/năm cho nỗ lực đa dạng hóa của mình, thì Vietjet từ chối tiết lộ số tiền sẽ chi cho kế hoạch mới này.
Theo Phó chủ tịch Vietjet Nguyễn Thị Thúy Bình, các hãng hàng không giá rẻ đang tìm cách tận dụng dữ liệu phong phú của họ về chi tiêu của khách hàng để mở rộng phạm vi kinh doanh.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất gần đây, Vietnam Airlines (HVN) đã ghi nhận lỗ lũy kế lên đến 17.772 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ và lần đầu tiên âm vốn chủ sở hữu hơn 2.750 tỷ đồng. Mặc dù doanh thu thuần quý II vẫn tăng 9% lên gần 6.537 tỷ đồng, các chi phí cố định lớn khiến doanh nghiệp bị lỗ gộp hơn 3.497 tỷ, cao hơn mức lỗ 2.865 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, nguồn thu tài chính cũng sụt giảm 84% do giảm lãi chênh lệch tỷ giá. Lãi tiền gửi, tiền cho vay bằng 1/5 cùng kỳ. Tổng công ty cũng không còn ghi nhận nguồn thu từ khoản thanh lý, nhượng bán tài sản cố định như cùng kỳ. Điểm sáng hiếm hoi là tiết giảm đáng kể chi phí bán hàng và chi phí tài chính.
Kết quả, hãng hàng không quốc gia tiếp tục báo lỗ sau thuế cổ đông công ty mẹ hơn 4.449 tỷ đồng trong quý II, xấp xỉ mức thua lỗ kỷ lục trong quý đầu năm.
Vietnam Airlines lý giải dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng và trực tiếp đến ngành hàng không toàn cầu. Tổng doanh thu của công ty mẹ giảm 26,5% so với cùng kỳ quý II/2020. Ngoài công ty mẹ bị ảnh hưởng, lợi nhuận của các công ty con có liên quan đến dịch vụ cung cấp hàng không cũng giảm mạnh như Veaco, Nasco…
Đào Vũ (Tổng hợp từ Zing, Vietnam Finance, VTC, Nhà đầu tư)