Vietnam Airlines lỗ âm vốn chủ, SCIC "rót" thêm 7.000 tỷ đồng

Vietnam Airlines lỗ âm vốn chủ, SCIC "rót" thêm 7.000 tỷ đồng

Trịnh Thị Phương Ly

Trịnh Thị Phương Ly

Thứ 3, 14/09/2021 07:30

SCIC đã giải ngân gần 7.000 tỷ đồng mua cổ phiếu Vietnam Airlines nhằm tháo gỡ khó khăn cho hãng bay.

Gói giải cứu 12.000 tỷ đồng Vietnam Airlines

Hôm nay (14/9) là ngày cuối cùng để cổ đông của Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (Mã: HVN) nộp tiền nhằm thực hiện quyền mua cổ phần.

Trong đợt tăng vốn đang thực hiện, Vietnam Airlines chào bán 800 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỉ lệ 56,4%, giá phát hành là 10.000 đồng/CP. Nguồn vốn huy động được chi 2.050 tỷ đồng để trả nợ đến hạn tổ chức tín dụng, 3.950 tỷ đồng thanh toán nợ quá hạn cho các đối tác/nhà cung cấp, 2.000 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động để đảm bảo khả năng thanh toán.

Cập nhật mới nhất, ngày 13/9, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) - cổ đông lớn nhất của HVN đã chi 6.894,9 tỷ mua cổ phiếu thuộc quyền mua cổ phần trong đợt phát hành tăng vốn để nắm giữ tối thiểu 31,08% vốn điều lệ Vietnam Airlines.

Theo SCIC, việc đầu tư mua cổ phiếu tại Vietnam Airlines góp phần bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và cải thiện khả năng thanh toán trong ngắn hạn của doanh nghiệp này, hạn chế các tác động, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Trong thời gian tới, Vietnam Airlines sẽ sớm hoàn tất Đề án tái cơ cấu tổng thể để đảm bảo thích nghi với tình hình mới, vượt qua khó khăn, sớm phục hồi và phát triển bền vững.

Theo chiến lược phát triển của SCIC giai đoạn 2020-2030 và tầm nhìn đến năm 2035, SCIC xác định tập trung đẩy mạnh hoạt động đầu tư vào các ngành nghề, lĩnh vực Nhà nước cần nắm giữ có tác động lan tỏa đến nền kinh tế, thực hiện tốt vai trò là "nhà đầu tư của Chính phủ" theo định hướng chiến lược của Đảng và Chính phủ.

Năm 2020, Quốc hội đã thông qua gói giải pháp hỗ trợ 12.000 tỷ đồng để bù đắp thanh khoản và tăng vốn chủ sở hữu cho Vietnam Airlines. Trong đó, 4.000 tỷ là cho vay tái cấp vốn lãi suất 0% từ các tổ chức tín dụng, 8.000 tỷ còn lại để tăng vốn điều lệ đến từ phương án phát hành cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu.

Trước khi SCIC giải ngân 7.000 tỷ đồng mua cổ phiếu HVN đợt tăng vốn này, Vietnam Airlines đã được 3 nhà băng là Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Ngân hàng Hàng Hải (MSB) và Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) cấp gói tín dụng tổng trị giá 4.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi. 

SCIC hiện là cổ đông lớn nhất của Vietnam Airlines, nắm 86,19% vốn. ANA Holdings đang sở hữu 124,44 triệu cổ phần, tương ứng 8,77% vốn điều lệ.

Trong đợt phát hành cổ phiếu lần này, hãng hàng không Nhật Bản đã chuyển nhượng toàn bộ quyền mua cổ phiếu của mình cho người lao động Vietnam Airlines Group, không đi kèm bất kỳ nghĩa vụ tài chính nào.

Hơn 70 triệu cổ phiếu thuộc quyền mua của ANA Holdings sẽ được Công đoàn Vietnam Airlines đại diện phân phối cho 15.100 người lao động tại cả công ty mẹ và 4 công ty con. 

Kỳ vọng phục hồi đẩy giá cổ phiếu tăng kịch trần

Thực tế cho thấy, tình hình kinh doanh của Vietnam Airlines vẫn chồng chất khó khăn khi trải qua 6 quý thua lỗ liên tiếp. Cụ thể, doanh thu 6 tháng đầu năm 2021 của hãng bay giảm gần 44% so với cùng kỳ về mức gần 14.000 tỷ đồng; lỗ sau thuế lên đến 8.585 tỷ đồng, tăng mạnh so với khoản lỗ 5.262 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2020.

Đáng chú ý, hãng bay này đang âm vốn chủ sở hữu 2.750 tỷ đồng, lỗ lũy kế hơn 17.700 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 6, tài sản ngắn hạn chỉ bằng chưa đầy 1/5 nợ ngắn hạn, lưu chuyển tiền thuần âm trong nửa đầu năm dẫn đến lượng tiền và tương đương tiền của hãng còn 1.289 tỷ đồng, giảm 23% so với đầu năm. Tổng vay nợ tài chính tăng lên 34.462 tỷ đồng, chiếm hơn 56% tổng nguồn vốn.

Theo đó, các chỉ tiêu về thanh khoản, cơ cấu vốn và khả năng hoạt động đều giảm xuống mức thấp. Trước những khó khăn mà hãng bay phải đối mặt, từ giữa tháng 6, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra nhận định Vietnam Airlines đang ở bên bờ vực phá sản.

Tuy tình hình kinh doanh thua lỗ nặng nề, song ở một diễn biến khác, cổ phiếu Vietnam Airlines đang khiến nhiều nhà đầu tư bất ngờ khi liên tục bứt phá và lập đỉnh. Cụ thể, chốt phiên giao dịch 13/9, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines tăng hết biên độ lên 26.800 đồng/CP.

Hồ sơ doanh nghiệp - Vietnam Airlines lỗ âm vốn chủ, SCIC 'rót' thêm 7.000 tỷ đồng

Đây là phiên thứ 6 liên tiếp mã chứng khoán này đi lên, tăng hơn 40% so với đầu tháng 8 và cũng là mức giá đóng cửa cao nhất kể từ đầu năm 2020 đến nay.

Đáng chú ý, thanh khoản cũng đồng thời tăng vọt lên hơn 3,7 triệu cổ phiếu trong phiên gần nhất, cùng dư mua trần hàng trăm nghìn đơn vị. Trong khi đó, thanh khoản bình quân trong một năm qua chưa đến 1 triệu cổ phiếu/phiên.

Nhiều nhà đầu tư nhận định, việc nâng giá sàn vé máy bay để giúp Vietnam Airlines cạnh tranh tốt hơn với các hãng tư nhân như Vietjet Air, Bamboo Airways cùng với thông tin Cục Hàng không Việt Nam đang có kế hoạch khai thác các đường bay nội địa trong thời gian sắp tới đã phần nào tác động tích cực, giúp cổ phiếu này tăng mạnh.

Nhận định về triển vọng của ngành hàng không, Công ty Chứng khoán Rồng Việt ước tính trong nửa cuối năm nay, hàng không là nhóm doanh nghiệp duy nhất ghi nhận lỗ với khoảng 450 tỷ đồng và tăng trưởng âm 192% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, khi các biện pháp chống dịch được nới lỏng, nhóm nay sẽ có doanh thu khoảng 9.000 tỷ đồng năm 2022, đứng đầu về mức tăng trưởng doanh thu trong tất cả nhóm ngành với 110% và có lãi khoảng 2.140 tỷ đồng.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.