Do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh phức tạp và kéo dài, hoạt động sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines bị đình trệ và rơi vào trạng thái khó khăn, kéo theo hệ lụy tất yếu là thâm hụt dòng tiền và suy giảm vốn chủ sở hữu.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2021 của Vietnam Airlines, lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, Vietnam Airlines lỗ 8.585 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số lỗ 5.262 tỷ đồng 6 tháng năm 2020. Như vậy, lỗ lũy kế của Vietnam Airlines đến thời điểm cuối tháng 6/2021 là 17.771 tỷ đồng, dẫn tới âm vốn chủ sở hữu 2.750 tỷ đồng.
Tính đến cuối tháng 6, tài sản ngắn hạn của Vietnam Airlines chỉ bằng chưa đầy 1/5 nợ ngắn hạn, lưu chuyển tiền thuần âm trong nửa đầu năm dẫn đến lượng tiền và tương đương tiền của hãng còn 1.289 tỷ đồng, giảm 23% so với đầu năm. Tổng vay nợ tài chính tăng lên 34.462 tỷ đồng, chiếm hơn 56% tổng nguồn vốn.
Trước tình hình khó khăn đó, Vietnam Airlines đã thực hiện nhiều giải pháp tài chính và tái cơ cấu để cân đối dòng tiền, nguồn vốn và duy trì sản xuất kinh doanh. Mới đây nhất, Vietnam Airlines đã triển khai thành công phương án phát hành thêm cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ.
Cụ thể, đợt phát hành đã chào bán 800 triệu cổ phiếu từ ngày 05/8 đến 14/9/2021 và kết thúc với 796,1 triệu cổ phiếu được phân phối cho 27.627 cổ đông, tương ứng 99,51% tổng số cổ phiếu chào bán với số tiền thu được là hơn 7.961 tỷ đồng.
Với kết quả đợt phát hành cổ phiếu này, Vietnam Airlines đã được bổ sung đáng kể nguồn vốn và dòng tiền, các chỉ số tài chính được cải thiện đảm bảo đáp ứng các điều kiện niêm yết trên sàn chứng khoán HOSE.
Tuy nhiên, tình hình này mới là tạm thời, trước khi Vietnam Airlines công bố báo cáo tài chính quý III/2021 và cả năm 2021.
Mới đây, ngày 26/9, Vietnam Airlines đã vừa gửi kiến nghị đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp ngày 26/9 để đề xuất hàng loạt ưu đãi có phần đặc biệt đối với doanh nghiệp này. Đáng chú ý là đề xuất cho doanh nghiệp này là trường hợp đặc biệt được duy trì niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán HOSE trong giai đoạn ngắn có thể âm vốn chủ sở hữu.
Trước đó, vào tháng 7 vừa qua, Đại hội cổ đông thường niên năm 2021 của Vietnam Airlines đã thông qua phương án phát hành thêm cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ với quy mô 8.000 tỷ đồng. Trong đó, Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn Nhà nước đã đầu tư 6.894,9 tỷ đồng để mua cổ phiếu thuộc quyền mua của cổ đông Nhà nước tại Vietnam Airlines.
Bên cạnh đó, Tập đoàn ANA - cổ đông chiến lược của Vietnam Airlines - đã chuyển nhượng quyền mua 70 triệu cổ phiếu cho cán bộ, nhân viên Vietnam Airlines mà không yêu cầu bất kỳ nghĩa vụ tài chính nào cho việc chuyển nhượng quyền mua. Quyền mua cổ phiếu của ANA đã được phân bổ đều cho hơn 13.000 người lao động để mỗi người có quyền sở hữu cổ phiếu như nhau, không phân biệt thâm niên công tác hay vị trí làm việc.
Hiện tại, các cổ đông lớn nhất của Vietnam Airlines với tỷ lệ sở hữu tương ứng là Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (55,20%), Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn Nhà nước (31,14%) và Tập đoàn ANA (5,62%).
Dự kiến, Vietnam Airlines sẽ sử dụng số tiền thu được từ đợt phát hành cổ phiếu để bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và bù đắp thâm hụt dòng tiền, hỗ trợ thanh khoản qua đó giúp cải thiện năng lực tài chính vốn đang chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh.