Nền tảng đám mây là yếu tố cốt lõi
Chiều 16/11, Ban Kinh tế Trung ương đã tổ chức và chủ trì Hội thảo chuyên đề số 7 trong chuỗi sự kiện thuộc Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về công nghiệp 4.0, với chủ đề “Phát triển hạ tầng số và thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, nền tảng số trong quá trình xây dựng và quản lý hạ tầng kinh tế, xã hội trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Tại hội thảo, ông Phạm Anh Đức - Phó Tổng Giám đốc Viettel Solutions chia sẻ, hạ tầng số là một những giải pháp quan trọng tạo nền móng cho chuyển đổi số. Trong hệ sinh thái hạ tầng số phục vụ chuyển đổi số của Viettel thì có 5 hạ tầng cơ bản, gồm: hạ tầng trung tâm dữ liệu, hạ tầng kế nối, hạ tầng thiết bị IoT, hạ tầng an toàn thông tin và hạ tầng bưu chính, chuyển phát.
Để tiếp cận và phát triển hạ tầng số, Viettel sẽ có 4 phương pháp cơ bản. Thứ nhất là phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về hạ tầng.
“Việt Nam chúng ta luôn tự hào là có nguồn lực, chúng ta thông minh nhưng vấn đề cốt lõi khi phát triển hạ tầng số là chúng ta phải tham gia vào cộng đồng thế giới. Bởi, các tiêu chuẩn quốc tế về hạ tầng số không phải do một nước nào đặt ra mà do cộng đồng các nước cùng xây dựng nên. Vì vậy, việc đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về hạ tầng là một nhiệm vụ rất quan trọng”, ông Đức nói.
Thứ hai là xây dựng và làm chủ bởi người Việt Nam. Các nền tảng chúng ta xây dựng như nền tảng đám mây, hay định danh điện tử thì những nền tảng đó người Việt Nam cần làm chủ.
Thứ ba là xây dựng mô hình điện toán đám mây. Để có thể thúc đẩy được kinh tế số thì trước mắt cần thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước gia tăng sản xuất và mô hình điện toán đám mây là một trong những tiêu chuẩn mà Viettel đang hướng tới.
Thứ tư, luôn phải gắn với an toàn thông tin. Ông Đức cho biết, đây là một tiêu chuẩn bắt buộc phải có khi phát triển hạ tầng số.
Trong chia sẻ của mình, Phó Tổng Giám đốc Viettel Solutions nhấn mạnh việc Chính phủ đã có một định hướng rất rõ ràng về công nghệ 4.0, vì vậy, nếu muốn đi nhanh hơn thì phải có thêm chính sách, không có công nghệ nào có thể thay đổi được chính sách và phải cần có chính sách để thúc đẩy phát triển công nghệ.
“Viettel hay các doanh nghiệp như FPT, VNPT thì với công nghệ, chúng tôi tự tin không thua kém thế giới. Nhưng để công nghệ đấy có thể hỗ trợ, thúc đẩy nhanh việc xây dựng các nền tảng vào quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước thì bài toán đưa ra lại liên quan đến vấn đề chính sách”, ông Đức chia sẻ.
Tại hội thảo lần này, phía Viettel đã đưa ra 4 đề xuất giải pháp để phát triển hạ tầng số. Thứ nhất, điện toán đám mây phải là tiêu chuẩn. Thứ hai, là khuyến khích đầu tư hạ tầng số (ưu tiên sử dụng giải pháp hạ tầng số trong nước, làm chủ hạ tầng số được coi là tiêu chuẩn đánh giá khi lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ). Thứ ba là lựa chọn doanh nghiệp triển khai hạ tầng số quan trọng. Thứ tư là xây dựng chiến lược quốc gia về hạ tầng số tường minh.
Cũng chia sẻ về việc phát triển hạ tầng số trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, tại hội thảo, ông Phan Hồng Tâm – Giám đốc hạ tầng FPT Smart Cloud nói rằng, sẽ là thách thức lớn khi mục tiêu của Chính phủ, kinh tế số sẽ đóng góp 20% GDP của cả nước trong năm 2025 và chiếm 30% GDP trong năm 2030.
“Để làm được mục tiêu trên thì chắc chắn chỉ có con đường chuyển đổi số. Chuyển đổi số của doanh nghiệp, chuyển đổi số trong cả xã hội thì mới đáp ứng được mục tiêu này”, ông Tâm cho hay.
Theo ông, dịch Covid-19 làm thay đổi phương thức kinh doanh của các doanh nghiệp, từ mô hình kinh doanh truyền thống, doanh nghiệp phải tìm những cái mô hình kinh doanh mới hơn, trong đó có việc chuyển đổi số.
“Việt Nam đến năm 2025 có thể sẽ có 1,3 triệu doanh nghiệp. Để giải quyết câu chuyện phát triển nền kinh tế số thì gần như tất cả các doanh nghiệp này phải tập trung chuyển đổi số. Vì vậy, bài toán đặt ra hiện nay là phải nhanh chóng chuyển đổi số cho doanh nghiệp”, ông Tâm nhìn nhận.
Trong mục tiêu chuyển đổi số thì hạ tầng số là thành phần rất quan trọng để có thể giải quyết được việc chuyển đổi số cho doanh nghiệp, cho các tổ chức xã hội. Theo ông Tâm, Tập đoàn FPT sẽ tập trung vào vấn đề mục tiêu phát triển trên nền tảng điện toán đám mây, với nhận thức rằng “nền tảng đám mây là cơ sở, là nền tảng cốt lõi để tập trung cho cái quá trình phát triển kinh tế số của đất nước”.
Cần thay đổi, cải cách các chính sách
Ông Andrew Jeffries - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng, để hiện thực hóa tiềm năng từ số hóa, Việt Nam sẽ cần tập trung vào các chính sách và cải cách trên nhiều phương diện.
Việt Nam cần có những bước đi nhằm mở rộng kết nối bằng cách cải thiện vùng phủ sóng điện thoại di động và truy cập internet băng thông rộng. Đồng thời, nâng cấp việc cung cấp các dịch vụ di động và Internet băng thông rộng với giá phải chăng.
Theo đại diện ADB, tỉ lệ sử dụng Internet năm 2021 ở Việt Nam đạt 73%, gần ngang với Indonesia (73,7%) và cao hơn Thái Lan (69,5%) và Philippines (68%). “Mặc dù những con số này nói lên nhiều điều về những cơ hội ở phía trước, nhưng chúng cũng chỉ ra rằng vẫn cần phải xem xét kỹ lưỡng tốc độ tiếp nhận và sử dụng Internet”, ông Andrew Jeffries nói.
Theo ước tính của ADB, các khoản đầu tư vào lĩnh vực kỹ thuật số sẽ đạt khoảng khoảng 182 tỷ USD hàng năm, hoặc 910 tỷ USD sẽ được cần đến tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong khoảng thời gian 5 năm. Khoản đầu tư này sẽ dùng để cung cấp các dịch vụ di động và băng thông rộng với giá phải chăng, cũng như mở rộng phạm vi tiếp cận và phủ sóng Internet.
Bên cạnh đó, việc hợp tác khu vực sẽ giúp Việt Nam xây dựng khả năng chống chịu trước những cú sốc kinh tế cũng như rủi ro an ninh y tế. Các quốc gia, trong đó có Việt Nam nên nắm bắt các cơ hội do làn sóng toàn cầu hóa mới mang lại trong điều kiện bình thường mới sau đại dịch, để tăng cường hợp tác khu vực trong quá trình hội nhập và các cơ hội số liên quan.
Cùng với môi trường pháp lý phù hợp và năng lực thể chế cũng cần được nâng cao. Vị Giám đốc ngân hàng ADB đánh giá, đây là yếu tố quan trọng, không chỉ để huy động các nguồn lực để cải thiện cơ sở hạ tầng số mà còn quản lý những lợi thế và rủi ro liên quan đến công nghệ mới và chuyển đổi số.