Tờ Người đồng hành dẫn thông tin mới nhất cho hay, mức giá trúng của VOF thấp hơn giá bình quân của thương vụ IPO Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn là 23.000 đồng/cp (1,01USD). Theo đó, quỹ chủ lực của VinaCapital đã đầu tư mua khoảng 10% cổ phần của BSR với tổng giá trị khoản đầu tư khoảng 25 triệu USD.
Vẫn theo tờ này, bên cạnh đó, VOF cũng đã đầu tư hơn 20 triệu USD vào PV Power, công ty điện lớn thứ hai tại Việt Nam, với tổng công suất 4,2 GW thuộc thị trường điện tiềm năng giá trị 1,5 tỷ USD.
Theo quỹ VOF, khoản đầu tư vào PV Power cũng rất hấp dẫn với P/E ước tính là 11,5x ở mức giá khởi điểm là 14.400 đồng (0,63 USD).
Trước đó, vào tháng 1 đã diễn ra đợt IPO của PV Power và BSR. Đợt IPO này đã mang về lần lượt 308 triệu USD và 245 triệu USD, cao hơn kỳ vọng. Điều này đánh dấu bước tiến quan trọng trong quá trình cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam.
Quỹ VOF được thành lập từ năm 2003 và niêm yết trên sàn giao dịch chính của TTCK London vào quý III/2016.
VOF chủ yếu đầu tư vào các cơ hội từ công ty cổ phần hóa và công ty tư nhân ở lĩnh vực tiêu dùng, xây dựng, cơ sở hạ tầng và bất động sản.
Trong năm tài chính 2016-2017 (kết thúc ngày 30/06/2017), VOF đã thu về 100 triệu USD từ việc thoái vốn các công ty chưa và đã niêm yết cùng các tài sản ở nước ngoài và 126 triệu USD từ thoái vốn dự án bất động sản. Tính đến 30/09/2017, VOF còn 8 khoản đầu tư bất động sản trong danh mục, chiếm dưới 5% NAV.
Đến cuối tháng 9/2017, giá trị tài sản ròng của VOF ở mức 967,74 triệu USD, NAV/cổ phiếu quỹ đạt 4,87 USD/cp, tăng 2,53% so với thời điểm cuối tháng 8/2017.
Giám đốc đầu tư của VinaCapital - Andy Ho cho biết quỹ sẽ dành 200 triệu USD cho kế hoạch đầu tư vào các doanh nghiệp tư nhân hóa và hiện đã có 120 triệu USD tiền mặt. VOF sẽ tiếp tục tìm kiếm các công ty có giá trị từ 100 triệu đến 500 triệu USD, để đầu tư vào từ 10 đến 50 triệu USD.
Trương Hương (t/h)