Vinaconex - Cuộc chơi kín tiếng của Nội thất Hùng Tuý

Vinaconex - Cuộc chơi kín tiếng của Nội thất Hùng Tuý

Bùi Thị Lan Anh

Bùi Thị Lan Anh

Chủ nhật, 28/06/2020 11:00

Nổi danh với thương hiệu nội thất hạng sang, song cặp đôi doanh nhân Nguyễn Văn Hùng - Cao Văn Tuý như nhiều đại gia Hà thành khác, cũng bày tỏ mối quan tâm đặc biệt với bất động sản, một trong số đó là Tổng công ty Vinaconex.

Thương vụ Vinaconex

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 vào mai (29/6), HĐQT Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) dự kiến trình thông qua đơn từ chức của Thành viên Ban kiểm soát Trần Trung Dũng, đồng thời bầu bổ sung một kiểm soát viên nhiệm kỳ 2017-2022.

Với phần đa nhà đầu tư, nội dung này không quá nổi bật đặt cạnh các tờ trình khác, tuy nhiên với những người trong cuộc lại là một câu chuyện khác.

Bất động sản - Vinaconex - Cuộc chơi kín tiếng của Nội thất Hùng Tuý

Ngày mai (29/6), HĐQT Vinaconex dự kiến trình thông qua đơn từ chức của ông Trần Trung Dũng

Tại phiên Đại hội bất thường ngày 11/1/2019, ông Trần Trung Dũng nằm trong danh sách Ban kiểm soát và Hội đồng quản trị được bầu mới hoàn toàn, sau khi hai cổ đông nhà nước SCIC và Viettel thoái hết vốn ít tháng trước đó.

Với việc chi 7.400 tỷ mua trọn lô 57,71% cổ phần từ SCIC, Công ty TNHH An Quý Hưng trở thành cổ đông lớn nhất, dễ dàng nắm đa số ghế trong HĐQT và BKS của Vinaconex. Khi đó, ông Trần Trung Dũng được giới thiệu là Trưởng bộ phận kế toán xây dựng cơ bản của CTCP Tập đoàn Picenza Việt Nam, dẫn tới không ít đồn đoán rằng doanh nghiệp này cũng "có phần" trong thương vụ thâu tóm Vinaconex.

Và bởi vậy, diễn biến ông Trần Trung Dũng từ nhiệm BKS cũng đặt ra vấn đề Picenza rút khỏi Vinaconex. Tuy nhiên lưu ý là đơn xin từ nhiệm của ông Dũng được viết ngày 2/3/2020, trong khi ít ngày sau đó, tài liệu của Người Đưa Tin Pháp luật cho thấy Picenza và Chủ tịch Nguyễn Văn Hùng vẫn sở hữu gần 8% cổ phần Vinaconex. Nếu cộng với 57,71% cổ phần của An Quý Hưng, thì có thể thấy nhóm An Quý Hưng - Picenza đã nắm quá 65% vốn - tức là mức chi phối cũng như phủ quyết tại Vinaconex.

Tất nhiên Picenza và ông Nguyễn Văn Hùng chia nhau vừa đủ tỷ lệ sở hữu để không ai trở thành cổ đông lớn đi kèm với nghĩa vụ công bố thông tin. Nếu duy trì tỷ lệ đó cho đến nay, số cổ phiếu của nhóm Picenza có giá trị ngót nghét cả nghìn tỷ đồng, phần nào cho thấy mức độ giàu có một trong những tập đoàn bí ẩn và kín tiếng nhất Thủ đô.

"Hệ sinh thái" Hùng Tuý

CTCP Tập đoàn Picenza Việt Nam tiền thân là Công ty TNHH Picenza được thành lập tại Vĩnh Phúc năm 2004 với các cổ đông sáng lập là Công ty TNHH Hoàng Tử, ông Cao Văn Tuý, ông Nguyễn Văn Hùng và một cá nhân cùng hộ khẩu ông Hùng là bà Đặng Thị Lợi. Cập nhật theo Giấy đăng ký doanh nghiệp mới nhất vào cuối năm 2016, Picenza Việt Nam có vốn điều lệ 650 tỷ đồng, trong đó ông Nguyễn Văn Hùng nắm 64%, ông Cao Văn Tuý có 11%.

Picenza Việt Nam là một thành viên của Công ty TNHH Hoàng Tử - chủ sở hữu showroom nội thất hạng sang Hùng Tuý tại 20 Cát Linh, Đống Đa, Hà Nội. Hoàng Tử được thành lập năm 1996, có thể coi là pháp nhân khởi thuỷ của hệ sinh thái Hùng Tuý. Cái tên Hùng Tuý ắt hẳn được đặt theo hai nhà sáng lập: Nguyễn Văn Hùng và Cao Văn Tuý.

Cập nhật tới tháng 9/2016, vốn điều lệ của Hoàng Tử là 200 tỷ đồng, trong đó ông Nguyễn Văn Hùng đóng góp 90 tỷ đồng (45%), ông Cao Văn Túy góp 22 tỷ đồng (11%) và bà Nguyễn Kim Hoa góp 88 tỷ đồng (44%); ông Hùng đảm trách Chủ tịch HĐTV, còn ông Tuý là Tổng giám đốc. Còn ở Picenza Việt Nam, Nguyễn Văn Hùng là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, còn ông Cao Văn Túy là Phó Tổng Giám đốc.

Không chỉ nội thất, Hùng Tuý còn là tay chơi có tiếng trong thị trường bình nước nóng với sản phẩm bình nước Picenza nổi tiếng một thời.

Dù vậy, nhiều năm trở lại, cuộc chơi của bộ đôi doanh nhân Nguyễn Văn Hùng - Cao Văn Tuý đã không còn dừng lại ở nội thất, mà có sự chuyển hướng rõ nét qua bất động sản.

Có thể kể đến như dự án King Palace số 108 Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội). Thị trường đa phần chỉ biết chủ đầu tư dự án này là CTCP Bất động sản Hoa Anh Đào - một thành viên của Alphanam Group. Tuy nhiên Công ty TNHH Hoàng Tử chính là một cổ đông sáng lập, nắm tới 45% cổ phần Hoa Anh Đào. Không chỉ sở hữu non nửa lợi tức từ dự án nằm cạnh tổ hợp Royal City, Tập đoàn Picenza cũng kiêm luôn vai trò nhà thầu, gói thầu “cung cấp vật tư và thi công cảnh quan, hoàn thiện nội thất – khối tháp A” cho dự án King Palace.

Ở một kịch bản tương tự, tại dự án Hà Nội Aqua Central số 44 Yên Phụ (Tây Hồ, Hà Nội) do CTCP Tháp Nước Hà Nội làm chủ đầu tư, Picenza là cổ đông lớn với 11,5% cổ phần. Tại dự án này, Công ty TNHH Hoàng Tử đầu năm 2018 đã ký hợp đồng với Tháp nước Hà Nội để cung cấp gạch ốp nhà WC, gạch lát nhà WC, gạch ốp lát căn hộ và cả cung cấp tủ bếp cho dự án Hà Nội Aqua Central.

Đây chỉ là hai dự án đã thành hình mà Hùng Tuý tham gia với vai trò liên doanh, góp vốn. Tham vọng của tập đoàn này, tất nhiên còn lớn hơn nhiều.

Theo như giới thiệu trên website www.picenza.com.vn (đơn vị đăng ký tên miền: Công ty TNHH Hoàng Tử), Picenza còn sắm vai chủ đầu tư, tham gia đầu tư tại hàng loạt dự án tại Hà Nội như: Dự án toà tháp đôi An Khánh (Khu đô thị An Khánh – Hoài Đức); Khu đô thị Minh Khai (Xã Minh Khai – Từ Liêm); Khu nhà ở Diamond Flower Việt Hưng (Khu đô thị Việt Hưng – Long Biên); Khu liên hợp cao cấp và chăm sóc sức khỏe cộng đồng (Xã Phú Diễn – Từ Liêm).

Không chỉ đầu tư ở vùng đô thị Hà Nội, Hùng Túy còn mở rộng hoạt động ra nhiều địa phương khác, có thể kể đến như dự án Picenza Mỹ Hưng quy mô hơn 34ha ở Sơn Tây (Hà Nội); Khu đô thị Picenza Plaza Thái Nguyên quy mô hơn 40ha (Đồng Bẩm, Thái Nguyên); Khu đô thị tại phường Chiềng Lề và phường Chiềng An, TP. Sơn La…

Hiểu Minh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.