Vinaconex hoạt động ra sao dưới các đời chủ tịch

Vinaconex hoạt động ra sao dưới các đời chủ tịch

Võ Tá Quỳnh

Võ Tá Quỳnh

Thứ 6, 02/06/2017 15:37

Vinaconex chứng kiến quá trình tăng trưởng “nóng” giai đoạn 2004-2011, trước khi chững lại đáng kể và phải tái cơ cấu toàn diện.

Tiêu dùng & Dư luận - Vinaconex hoạt động ra sao dưới các đời chủ tịch

 Trụ sở Công ty Vinaconex trên đường Láng Hạ (ảnh: Thành Long)

Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) tiền thân là Công ty dịch vụ và xây dựng nước ngoài, được thành lập vào tháng 9/1988. Vinaconex tiến hành cổ phần hóa vào năm 2006 và niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội vào cuối năm 2008.

Tính tới nay, doanh nghiệp “con cưng” của Bộ Xây dựng đã trải qua nhiều đời chủ tịch hội đồng quản trị. Từ ông Vũ Khoa, ông Phí Thái Bình (1998 - 2006), ông Nguyễn Văn Tuân (2006 – 2011), ông Nguyễn Thành Phương (2011-2015) và ông Vũ Quý Hà (2015-nay).

Theo số liệu PV thu thập được, quá trình phát triển của Vinaconex có thể chia làm hai giai đoạn: Thời kỳ phát triển “nóng” từ 2004-2011, dưới thời các ông Phí Thái Bình và ông Nguyễn Văn Tuân, trước khi chững lại và đi xuống đáng kể và phải tái cấu trúc toàn diện trong những năm gần đây.

Tăng trưởng “nóng” dưới thời các ông Phí Thái Bình – Nguyễn Văn Tuân

Số liệu tài chính của Vinaconex dưới thời ông Phí Thái Bình không còn lại nhiều. Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2005 cho thấy tổng tài sản của doanh nghiệp này tính tới cuối năm 2005 là 8.551 tỷ đồng, tăng mạnh so với 6.240 tỷ đồng một năm trước đó. Vốn chủ sở hữu được nâng từ 955 tỷ đồng lên 1.064 tỷ đồng. Doanh thu năm 2005 đạt 4.208 tỷ đồng, lãi sau thuế 201 tỷ đồng, tương đương tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ ở mức 19%. Các chỉ tiêu cho năm 2004 cũng tương đối khả quan, với doanh thu, lãi sau thuế và tỷ suất sinh lời trên vốn lần lượt là 3.673 tỷ đồng, 111 tỷ đồng và 12%.

Ông Nguyễn Văn Tuân được bầu làm chủ tịch HĐQT Vinaconex vào tháng 9/2006, thay cho ông Phí Thái Bình chuyển sang làm phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội. Trong 5 năm nắm quyền của ông Nguyễn Văn Tuân, Vinaconex còn chứng kiến những bước phát triển mạnh mẽ hơn. Tổng tài sản trong giai đoạn 2006-2011 tăng gấp 350% từ 8.551 tỷ đồng lên 30.125 tỷ đồng, vốn điều lệ cũng được nâng gấp 3 lần lên 3.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế các năm ổn định ở khoảng 300-400 tỷ đồng, cá biệt năm 2008 lãi 430 tỷ đồng hay năm 2010 lãi sau thuế 466 tỷ đồng. Doanh thu năm 2010 ở mức 15.140 tỷ đồng.

Tuy vậy, quá trình phát triển quá “nóng” của Vinaconex trong giai đoạn này khiến gánh nặng tài chính của doanh nghiệp liên tục tăng cao, gấp nhiều lần vốn điều lệ. Vay nợ tài chính tính tới cuối năm 2011 là 12.971 tỷ đồng, tăng 600% so với cuối năm 2004 (1.969 tỷ đồng) và gấp 4,3 lần vốn điều lệ (3.000 tỷ đồng).

Việc phụ thuộc vào đòn bẩy tài chính khiến Vinaconex hàng năm phải trả chi phí lãi vay rất lớn, trong đó đỉnh điểm là gần 1.000 tỷ đồng năm 2011, năm cuối cùng của ông Nguyễn Văn Tuân trên cương vị chủ tịch HĐQT. Bên cạnh đó, hàng tồn kho liên tục gia tăng cũng là một khó khăn nữa của Vinaconex, với số dư tới cuối năm 2011 lên tới 7.852 tỷ đồng, chiếm một nửa tài sản ngắn hạn và ¼ tổng tài sản của doanh nghiệp.

Đây là một số nguyên cơ quan trọng khiến Vinaconex sau đó rơi vào cảnh khó khăn và buộc phải tái cấu trúc toàn diện, giảm vay nợ, hàng tồn kho và đồng thời thoái vốn khỏi các doanh nghiệp ngoài ngành.

Năm 2012, công ty mẹ Vinaconex lỗ sau thuế 646 tỷ đồng, lãi hợp nhất chỉ đạt 80 tỷ đồng, bằng non nửa năm 2011. Vinaconex trong năm đã trích lập tới gần 1.100 tỷ đồng dự phòng mất vốn cho các khoản đầu tư tài chính dài hạn, chiếm 40% giá trị đầu tư vào công ty con, công ty liên kết.

Trong 4 năm (2012 - 2016) dưới thời các ông Nguyễn Thành Phương và ông Vũ Quý Hà làm chủ tịch HĐQT, Vinaconex phải thực hiện tái cấu trúc toàn diện, số dư các khoản đầu tư vào công ty con, công ty liên kết giảm từ 4.030 tỷ đồng xuống còn 2.824 tỷ đồng, vay nợ tài chính tính tới cuối năm 2016 là 4.869 tỷ đồng, bằng 1/3 mức đỉnh năm 2011. Vốn điều lệ được tăng gấp rưỡi lên 4.417 tỷ đồng.

Tổng tài sản mặc dù theo đó giảm mạnh về còn 22.800 tỷ đồng (so với 30.000 tỷ đồng những năm 2011), song các chỉ tiêu tài chính của Vinaconex dần được đưa về mức an toàn. Ba tháng đầu năm 2017, Vinaconex đạt doanh thu 2.041 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ năm 2016, lãi sau thuế tăng 38% lên 148 tỷ đồng.

Dự án Nước sạch Sông Đà có hiệu quả?

Dự nước Nước sạch Sông Đà do Vinaconex khởi  công vào năm 2004 và khánh thành, đưa vào sử dụng năm 2009. Để vận hành dự án, Vinaconex vào tháng 3/2009 đã thành lập Công ty TNHH MTV nước sạch Vinaconex với vốn điều lệ 500 tỷ đồng, sau đó ký hợp đồng chuyển giao dự án cho công ty con với giá trị 1.554 tỷ đồng, so với giá trị quyết toán, Vinaconex lãi 193,4 tỷ đồng.

Cuối năm 2009, Công ty TNHH MTV Nước sạch Vinaconex được chuyển đổi mô hình hoạt động thành Công ty CP Nước sạch Vinaconex (Viwasupco). Năm 2010, công ty Acuatico Pte Ltd của Singapore đã mua 21,8 triệu cổ phần Viwasupco (43,6% vốn điều lệ) từ tay Vinaconex và trở thành cổ đông lớn của doanh nghiệp này (Vinaconex vẫn là công ty mẹ của Viwasupco, sở hữu 51% vốn cổ phần).

Báo cáo tài chính kiểm toán cho thấy Viwasupco năm 2016 lãi sau thuế 161,2 tỷ đồng, tăng 9,4% so với năm 2015 (147,3 tỷ đồng). Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) ở mức 3.224 đồng, tương đương tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ 32,24%, con số rất khả quan khi mà lãi tiền gửi ngân hàng cao nhất hiện nay chỉ khoảng 8%/ năm. Đây đã là năm lãi thứ 5 liên tiếp của Viwasupco sau 3 năm đầu lỗ do bán dưới giá vốn.

Tình hình kinh doanh của Viwasupco  đang dần đi vào ổn định, với doanh thu tăng liên tục qua các năm, từ 52,4 tỷ đồng trong năm đầu hoạt động (2009) lên 407,2 tỷ đồng năm 2016. Lỗ lũy kế được xóa từ năm 2014, số dư vay nợ tài chính (cả ngắn và dài hạn) được giảm từ 1.074 tỷ đồng về 301 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tính tới cuối năm 2016 là 765,5 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ là 500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 263 tỷ đồng.

Đầu năm ngoái, cổ đông lớn Acuatico Pte Ltd đã thoái hết phần vốn góp trong Viwasupco cho CTCP Đầu tư và Phát triển Sinh Thái. Mức giá không được tiết lộ song nhiều khả năng công ty Singapore đã nhận về một khoản lợi nhuận không nhỏ, bởi thời điểm Acuatico Pte Ltd đầu tư vào Viwasupco là cuối năm 2010 – thời điểm công ty con của Vinaconex vẫn còn chìm trong thua lỗ.

Đơn vị thế chỗ Acuatico Pte Ltd nắm giữ 21,8 triệu cổ phần của Viwasupco – CTCP Đầu tư và Phát triển Sinh Thái không phải là cái tên quá xa lạ. Doanh nghiệp này là một trong những thành viên của Tập đoàn Vingroup. Hiện nhiều cái tên của Vingroup đang nắm giữ các chức vụ chủ chốt tại Viwasupco.

Uy tín và nguồn lực dồi dào từ Vingroup có thể là tấm “lệnh bài” đảm bảo cho tương lai của Viwasupco, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp này đang rất “khát” vốn để triển khai Dự án nước sạch Sông Đà giai đoạn 2, nâng tổng công suất gấp đôi lên 600.000 m3 nước/ ngày.

Nghi Điền

 

 

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.