Tòa án London (Anh) không phải mở phiên tòa xét xử liên quan đến món nợ này.
Theo một nguồn tin, hơn 10 ngân hàng và ba quỹ đầu tư là các chủ nợ của Vinashin đã mở Hội nghị chủ nợ tại Singapore để xem xét phương án tái cơ cấu khoản nợ 600 triệu USD mà tập đoàn này đã vay từ tháng 5/2007 qua đầu mối thu xếp là ngân hàng Credit Suisse.
Do khoản vay đã quá hạn gần 3 năm mà Vinashin không thể trả được, hai quỹ đầu tư Hà Lan là Elliott Advisor và Bluecrest Mercantile đã khởi kiện Vinashin ra tòa án London để đòi nợ từ tháng 11/2011. Nhằm tránh hậu quả xấu về hình ảnh đổ vỡ của các tập đoàn kinh tế Nhà nước trên thị trường vốn quốc tế, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính đứng ra phát hành trái phiếu đảo nợ cho Vinashin, kéo dài thời hạn đế năm 2025, với lãi suất trái phiếu là 1%/năm. Nếu Vinashin không trả được, Chính phủ sẽ đứng ra trả thay.
Trước đó, theo ông Nguyễn Ngọc Sự, chủ tịch Hội đồng thành viên tập đoàn Vinashin, hồi giữa tháng 6/2013, tòa án Anh đã tuyên bố về vụ kiện của hai chủ nợ trên liên quan đến các khoản vay của Vinashin. Ban đầu, tòa án đã chấp thuận hướng tái cơ cấu mà tập đoàn này đề xuất, với kết quả đạt được là 77% sự đồng ý của các chủ nợ. Để đi đến quyết định cuối cùng, tòa án Anh quyết định sẽ tổ chức hội nghị các chủ nợ của Vinashin để giải quyết vấn đề này. Kết quả bỏ phiếu tại hội nghị cho thấy 64,7% số chủ nợ hiện đang nắm giữ 79,3% giá trị nợ, đã chấp thuận phương án tái cơ cấu nợ của Vinashin, do Chính phủ bảo lãnh và ngân hàng CitiGroup đứng ra thu xếp vốn.
Cũng theo thông tin từ Vinashin, hiện tập đoàn đã ký được hợp đồng đảo nợ với 20 ngân hàng trong nước, nhờ đó giảm được khoảng 70% giá trị nợ. Các khoản nợ nước ngoài nói chung cũng đã giảm được gần 40% tính theo giá trị hiện tại. Ngoài ra, tập đoàn đã cố gắng mua lại các khoản nợ lẻ trên dưới 200 triệu USD.
Theo Ngọc Lan (Thời báo Kinh tế Sài Gòn)