Bình luận về sự kiện này, một chuyên gia kinh tế đã ví, Vinashin như là nhân vật chính của một chương đặc biệt trong cuốn tiểu thuyết của nền kinh tế, mà rộng hơn là của xã hội Việt Nam trong hơn một thập kỷ qua.
Bởi, sự ra đời mau mắn, phát triển rầm rộ rồi chóng vánh sụp đổ của “nhân vật” này không chỉ có mối liên hệ sâu sắc với những thăng trầm của nền kinh tế mà còn làm “dậy sóng” cả nghị trường và châm ngòi cho những tranh luận nhiều chiều, chưa rõ khi nào mới đến hồi kết.
Nhắc lại các cảnh báo liên quan đến việc quản lý các “ông lớn” của kinh tế nhà nước mà Vinashin là một ví dụ điển hình, liên hệ với tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trong yêu cầu bức thiết của công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế hiện nay, vị chuyên gia nói trên cho rằng, nhiều chương hồi của cuốn tiểu thuyết này vẫn còn nguyên giá trị thời sự.
Một chiếc tàu chở ôtô mang tên Victory Leader do Vinashin hạ thủy ngày 21/7/2009 - Ảnh: VGP
Tháng 11/2009, Quốc hội khóa 12 tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Trưởng đoàn giám sát khi đó là chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa 12, ông Hà Văn Hiền kể, khi trực tiếp đến giám sát, ông đã không giấu được lo ngại về khả năng trả nợ của Vinashin trước sự phát triển quá nóng với dấu ấn khắp cả Bắc - Trung - Nam và không chỉ là đóng tàu.
Báo cáo giám sát khi đó cũng đã cảnh báo về số nợ của Vinashin với 19.885 tỷ đồng, chiếm 15,44% tổng nợ của 7 tập đoàn tại các tổ chức tín dụng. Trong đó nợ quá hạn là 3.812 tỷ đồng, chiếm 91,4% tổng số nợ quá hạn của cả 7 tập đoàn. Tổng nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của Vinashin là 10,9 lần.
Cũng theo tài liệu mà đến hôm nay ông Hiền vẫn còn lưu giữ, thì khi đó Vinashin đã có đến 157 doanh nghiệp thành viên, đầu tư vào ba tổ chức tín dụng, mang 144 tỷ đồng ném vào chứng khoán nhưng không sinh được đồng lợi nhuận nào.
Bởi vậy, một số vị đại biểu, tại phiên giám sát đã rất có lý khi đưa ra câu hỏi Vinashin sẽ lấy tiền đâu để trả số nợ nhiều nghìn tỷ đồng, trong đó có hàng tỷ Đô la nợ nước ngoài mà Nhà nước bảo lãnh và sắp sửa đến thời hạn phải trả cả nợ gốc và lãi.
Thực ra, những yếu kém của Vinashin đã bộc lộ khá rõ ngay từ trước thời điểm diễn ra cuộc giám sát đó. Về sau này, tài liệu được Chính phủ báo cáo Quốc hội cho thấy năm 2008, nhiều đơn vị thành viên của Vinashin đã ngừng hoạt động, nhiều ngàn người mất việc.
Và, từ đây, Vinashin thực sự đã trở thành nỗi ám ảnh khi các con số thực cứ dần dần lộ diện với tổng nợ phải trả gần tương đương lượng trái phiếu Kho bạc Nhà nước phát hành được trong năm nay. Rồi không chỉ chủ tịch Hội đồng Quản trị vướng vào vòng lao lý.
Kỳ họp cuối năm 2010 của Quốc hội khóa 12 có lẽ là hồi gay cấn nhất khi GS. Nguyễn Minh Thuyết, phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã đề nghị thành lập một ủy ban lâm thời, để xem xét trách nhiệm của các thành viên Chính phủ trong sự sụp đổ của tập đoàn này.
Và sau câu trả lời “chưa cần thiết” của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Vinashin cứ trở đi trở lại ở hầu hết các phiên thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn tại nghị trường, bởi vô số các câu hỏi không thể có câu trả lời thấu đáo.
Hy vọng từng lóe lên khi tại kỳ họp cuối 2010, người đứng đầu Chính phủ nói trước Quốc hội, Chính phủ sẽ tập trung sức thực hiện thành công đề án tái cơ cấu Vinashin, “không để xảy ra vụ việc tương tự”.
Đại diện Ban Chỉ đạo tái cơ cấu tập đoàn cũng đánh giá, nếu quản trị và quản lý tốt thì đến năm 2012, Vinashin có thể sẽ đứng vững và giảm lỗ, từ năm 2013-2014 sẽ có lãi trở lại. Lúc này, một số doanh nghiệp thuộc tập đoàn đã được chuyển giao về Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petro Vietnam) và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) trong bối cảnh Vinalines cũng đang bê bối.
Tuy nhiên, trong hai năm 2011 và 2012 nợ phải trả của tập đoàn đã tăng thêm hàng chục nghìn tỷ đồng, và lỗ cũng không ít hơn nợ. Đến giữa năm 2013, Vinashin vẫn lỗ rất nặng, theo thông tin từ đại diện Chính phủ. Rồi sai phạm của Vinalines bung ra, cựu chủ tịch bị truy nã đặc biệt.
Vinalines ốm yếu rồi còn gánh thêm Vinashin nữa, sụp đổ là đương nhiên. Cùng với nhận xét này, nhiều vị đại biểu cho rằng, những sai phạm liên tục bị phát hiện, lặp đi lặp lại ở nhiều doanh nghiệp nhà nước như vậy có nguyên nhân quan trọng là trách nhiệm đã không được mổ xẻ rõ ràng. Và câu hỏi không thể không đặt ra với nỗi lo thắt lòng là sẽ còn có thêm bao nhiêu Vinashin, Vinalines nữa đi theo vết xe đổ?
Không gây “ấn tượng mạnh” như hai chàng Vina nói trên, song trong suốt thời gian đằng đẵng của nửa thập kỷ nay, chuyện lỗ cao lương khủng của Petrolimex, tổng giám đốc EVN cũng bị kỷ luật vì kinh doanh thua lỗ gây hậu quả nghiêm trọng, rồi hàng loạt sai phạm của không ít doanh nghiệp nhà nước khác đã làm cho niềm tin vào vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước ngày càng vơi cạn.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga khi đăng đàn thảo luận về đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế vào giữa năm 2012 đã từng đưa ra đề nghị Quốc hội đặt các tập đoàn kinh tế nhà nước dưới sự giám sát đặc biệt của Quốc hội.
Sau đó, có hay không hiến định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước vẫn là vấn đề không ngừng gây tranh cãi khi bàn thảo về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Và, trong rất nhiều cuộc tranh luận, Vinashin lại có cơ hội trở thành "nhân vật điển hình".
Theo VnEconomy