Vinasun khởi kiện Grab: Mèo nào cắn mỉu nào?

Vinasun khởi kiện Grab: Mèo nào cắn mỉu nào?

Dương Thanh Tùng

Dương Thanh Tùng

Thứ 7, 03/02/2018 13:01

Dự kiến ngày 6/2 tới đây, TAND TP.HCM sẽ xét xử vụ kiện tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là Vinasun và bị đơn là Grab. Xung quanh vụ việc này đang có nhiều luồng ý kiến trái chiều, tuy nhiên đứng ở góc độ người tiêu dùng, họ không ủng hộ việc này.

Kiện cái gì?

Theo thông tin mà PV có được, công ty CP Ánh Dương (gọi tắt là Vinasun) khởi kiện Grab dựa trên quy định của pháp luật về luật Cạnh tranh. Để có cơ sở cho TAND TP.HCM xem xét và xét xử vụ việc, Vinasun đã cung cấp nhiều bằng chứng, bao gồm các văn bản, hình ảnh, video... để chứng minh Grab vi phạm cạnh tranh thương mại bằng hình thức phá giá.

Theo Vinasun, một số vi phạm của Grab thường thấy là khuyến mại hơn 90 ngày trong một năm. Điều này vi phạm Nghị định số 37/2006, quy định việc khuyến mãi không quá 90 ngày/năm và một chương trình không quá 40 ngày. Đồng thời, doanh nghiệp muốn thực hiện khuyến mãi phải đăng ký với cơ quan chức năng (cụ thể là sở Công Thương), trong khi đó Grab tổ chức khuyến mãi tràn lan, vượt quá quy định.

Theo ông Tạ Long Hỷ, Phó Tổng Giám đốc thường trực Vinasun thì: “Việc khởi kiện Grab sẽ được doanh nghiệp thực hiện tới cùng”. Theo ông Hỷ, hiện việc khởi kiện Grab đã gửi hồ sơ hơn một năm qua, đồng thời phải bổ sung rất nhiều hồ sơ, tài liệu, chứng cứ liên quan theo yêu cầu của TAND TP.HCM. Những thông tin, hình ảnh, tư liệu... đã được phía Vinasun thu thập trong thời gian dài, kể cả vào thời điểm cuối năm 2017.

Tiêu dùng & Dư luận - Vinasun khởi kiện Grab: Mèo nào cắn mỉu nào?

Việc khởi kiện Grab sẽ được doanh nghiệp thực hiện tới cùng.

Về việc kinh doanh của các hãng taxi công nghệ hay taxi mới, ông Hỷ còn cho biết thêm, không chỉ tại Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới đã có luật Chống phá giá để ngăn chặn các hình thức kinh doanh kiểu này. Do vậy, tại Việt Nam các hãng này đưa ra mức giá thất thường mà không có động thái gì để điều chỉnh là bất hợp lý. Bên cạnh đó, phía Vinasun cũng kiến nghị cơ quan chức năng xem xét vấn đề quản lý giá.

“Cần phải làm rõ cơ sở nào để Grab đưa ra giá cước như hiện nay. Nếu họ cho giá cước như vậy là hợp lý thì cam kết mức giá này trong bao lâu hay họ chỉ dùng mức giá này để giết chết các hãng taxi khác”, ông Hỷ cho biết thêm.

Cũng dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Hùng, đoàn Luật sư TP.HCM cho biết: “Theo như thông tin mà các cơ quan báo chí cung cấp thì Vinasun đã nộp hồ sơ lên TAND TP.HCM để khởi kiện tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa công ty này và bị đơn là Grab. Việc họ khởi kiện Grab vi phạm cạnh tranh thương mại bằng hình thức phá giá và đặc biệt là việc khuyến mại hơn 90 ngày/năm là có cơ sở”.

“Theo quy định tại khoản 7, Điều 39, luật Cạnh tranh (2004) thì khuyến mãi nhằm cạnh tranh không lành mạnh là hành vi vi phạm. Đồng thời, luật Thương mại (2005) cũng quy định về các hành vi bị cấm trong hoạt động khuyến mãi có điều khoản: “Thực hiện khuyến mãi mà giá trị hàng hóa dịch vụ dùng để khuyến mãi vượt quá hạn mức tối đa hoặc giảm giá hàng hóa dịch vụ được khuyến mãi quá mức tối đa””, luật sư Hùng cho biết.

Tuy nhiên, luật sư Hùng cho rằng, phải chờ kết quả phán xét của tòa mới có cơ sở để phân tích và bình luận. Khả năng thắng kiện của Vinasun là 50 – 50, bởi Grab đã hoạt động một thời gian dài và được sự cho phép của các cơ quan chức năng - những đơn vị thực thi pháp luật. Đồng thời, sau một thời gian thí điểm, đến nay Grab vẫn tiếp tục được hoạt động, chứng tỏ họ đã chấp hành đúng các quy định pháp luật.

Người tám lạng, kẻ nửa cân

Nhìn nhận về vụ việc khiếu kiện này, ông Nguyễn Hùng Cường, Giám đốc một công ty về vận tải tại TP.HCM nêu quan điểm: “Việc Vinasun hay các đơn vị taxi truyền thống khởi kiện Grab, Uber là chuyện của đơn vị họ. Tôi cho rằng, việc này là Grab và Uber đang hoạt động tại Việt Nam và được các cơ quan chức năng cấp phép thì có nghĩa, họ đã tuân thủ các quy định pháp luật. Trường hợp nếu họ vi phạm thì cơ quan chức năng đã tiến hành xử phạt hoặc buộc chấm dứt hoạt động”.

“Tuy nhiên sau thời gian thí điểm, đến nay họ vẫn được hoạt động, có nghĩa rằng họ không vi phạm pháp luật. Nếu có thể phía doanh nghiệp kinh doanh taxi truyền thống nên phản ánh, khiếu nại hay khởi kiện cơ quan chức năng, chứ không phải đi khởi kiện Grab hay Uber”, ông Cường nói thêm.

Ở góc độ người dân, bà Nguyễn Thị Lệ Huyền (trú tại quận 3, TP.HCM) chia sẻ: “Grab, Uber đã mang lại nhiều sự tiện lợi cho khách hàng, đặc biệt là mức giá khá rẻ. Tôi nghĩ, nếu họ vẫn đưa ra mức giá phù hợp, thực hiện đúng các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật thì không có vấn đề gì”.

Tiêu dùng & Dư luận - Vinasun khởi kiện Grab: Mèo nào cắn mỉu nào? (Hình 2).

Hiện nay, Grab tham gia hoạt động kinh doanh taxi tại Việt Nam nhưng bị ràng buộc ít điều kiện hơn so với các hãng taxi truyền thống.

Phân tích thêm, TS. Nguyễn Trọng Hà, một chuyên gia kinh tế cho rằng: “Hiện nay Grab và Uber tham gia hoạt động kinh doanh taxi tại Việt Nam nhưng bị ràng buộc ít điều kiện hơn so với các hãng taxi truyền thống. Chính vì thế, những đơn vị kinh doanh taxi truyền thống cảm thấy bất công là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, nhìn nhận sâu hơn về bản chất của vấn đề thì phải thấy rằng, Việt Nam chưa có luật điều chỉnh hoạt động của loại hình taxi công nghệ, chứ không phải họ vi phạm pháp luật”.

Nói thêm về tình trạng cạnh tranh không lành mạnh ở Việt Nam, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, Giám đốc Trung tâm Trọng tài thương mại luật gia Việt Nam cho rằng: “Ở thị trường Việt Nam hiện nay, các hành vi hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh để ngăn cản doanh nghiệp khác cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh xuất hiện ngày càng nhiều. Đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh, pháp luật đã dành riêng chương III của luật Cạnh trạnh để điều chỉnh. Tại đây, quy định cụ thể các hành vi bị xem là cạnh tranh không lành mạnh và bị pháp luật cấm. Bên cạnh đó, các hành vi cạnh tranh không lành mạnh sẽ bị xử lý theo Nghị định số 71/2014/NĐ-CP ngày 21/7/2014 quy định chi tiết luật Cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh, tùy vào từng trường hợp cụ thể mà hình thức và mức xử lý sẽ tương ứng theo quy định của pháp luật”.

Để hạn chế tình trạng này, luật sư Hậu cho hay, Nhà nước đã và đang xây dựng gần như hoàn thiện các văn bản điều chỉnh về lĩnh vực cạnh tranh cũng như xử lý vi phạm trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, để việc quản lý trong lĩnh vực cạnh tranh đạt kết quả tốt hơn cần phối hợp giữa xây dựng văn bản điều chỉnh với việc nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn của các thành viên trong cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2017, doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ trong quý 4 của công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun, mã chứng khoán: VNS) đạt 486,3 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 41,3 tỷ, lần lượt sụt giảm 55% và 41% so với cùng kỳ. Tính chung cả năm 2017, Vinasun chỉ đạt doanh thu gần 3.000 tỷ đồng, lợi nhuận 245 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh lao dốc mạnh, thấp nhất kể từ 2013, Vinasun đang lâm vào suy thoái. Đặc biệt, trong năm Vinasun sa thải lượng lớn nhân viên, thay đổi chiến lược kinh doanh. Cụ thể, Vinasun chuyển đổi từ mô hình phân chia phí taxi sang mô hình cho thuê xe, nhượng quyền thương hiệu. Do đó, số lượng nhân viên của công ty đã giảm từ 17.160 người hồi đầu năm xuống còn 7.292 người. Chi phí nhân công năm 2017 của “ông lớn” ngành taxi cũng cắt giảm tới 1.000 tỷ đồng.
Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.