VinCommerce, công ty vận hành sàn thương mại điện tử Adayroi vừa gửi một văn bản tới các nhà cung cấp thông báo về việc dừng bán hàng trên Adayroi.
Theo văn bản này, Vincommerce cho biết, để đánh giá và tái cấu trúc hoạt động của công ty trong giai đoạn phát triển mới, ban lãnh đạo công ty đã quyết định tạm dừng toàn bộ hoạt động bán hàng trên website Adayroi.
Kể từ thời điểm 18h ngày 17/12, ngày ra thông báo, toàn bộ sản phẩm hàng hoá dịch vụ của các nhà cung cấp hiện kinh doanh trên website Adayroi theo các hợp đồng đã ký kết giữa công ty và các nhà cung cấp sẽ được dừng bán và phân phối đến khách hàng.
Với các hàng hoá dịch vụ đã được khách hàng đặt mua thành công trên Adayroi trước thời điểm 18h ngày 17/12 vẫn sẽ được giao hàng và áp dụng chính sách hoàn huỷ, đổi trả theo đúng thoả thuận, cam kết với nhà cung cấp.
Muộn nhất là ngày 25/12/2019, các nhà cung cấp cần xuất hoá đơn tài chính hợp lệ đã bán cho Adayroi để công ty hoàn thành việc quyết toán các khoản công nợ với nhà cung cấp.
"Tại thời điểm công ty hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ thanh toán cho quý nhà cung cấp theo hợp đồng hoặc vào ngày 15/1/2020, tùy thời điểm nào xảy ra sau, hợp đồng giữa công ty và quý nhà cung cấp sẽ tự động được chấm dứt và thanh lý mà không phát sinh bất cứ tranh chấp khiếu nại nào liên quan", văn bản của VinCommerce nêu.
Vậy nhưng tại thời điểm 10h sáng 18/12, khi PV Người Đưa Tin truy cập và đặt hàng trên Adayroi thì giao dịch vẫn được xử lý bình thường.
Ngày 15/8/2015, Vingroup chính thức ra mắt sàn giao dịch điện tử Adayroi với mục tiêu đưa VinEcom trở thành đối thủ mạnh của Lazada. Vậy nhưng trong suốt 4 năm qua, mặc cho Shopee, Tiki, Sendo, Thegioididong, Lazada làm mưa làm gió trên thị trường thương mại điện tử được kỳ vọng sẽ đạt 13 tỷ USD vào năm 2023, Adayroi vẫn khá im ắng và lẳng lặng trong hệ sinh thái của Vingroup.
Theo số liệu của iPrice, lượng truy cập của Adayroi đạt khoảng 6-7 triệu lượt/quý, không phải là quá thấp, nhưng đã bị các đối thủ khác bỏ xa.
Thông tin về việc Adayroi thay đổi mô hình hoạt động xuất hiện chỉ 2 tuần sau khi Vingroup tuyên bố nhượng lại hệ thống siêu thị Vinmart, Vinmart+ và nông trại VinEco cho Masan Group.
Theo đó, để tập trung vào mảng ô tô và công nghệ, Vingroup quyết định sáp nhập Vincommerce, Vinmart và VinEco vào MasanConsumer để lập nên một tập đoàn bán lẻ có tên là Masan Blue.
Quyết định này được cho là “có lợi cho đôi bên” khi tỷ phú Nguyễn Đăng Quang có thể làm chủ chuỗi bán lẻ, phục vụ cho các tham vọng của thị trường thịt và hàng tiêu dùng nhanh còn tỷ phú Phạm Nhật Vượng thì có nhiều nguồn lực để đẩy mạnh mảng ô tô và công nghệ tại thị trường Việt Nam.
Trong tình hình thị trường bán lẻ Việt Nam bị nhiều ông lớn nước ngoài thâu tóm thì cái bắt tay này của Vingroup và Masan vẫn đảm bảo thị trường bán lẻ Việt Nam do người Việt Nam làm chủ.
Hiếu Nguyễn