Ảnh: Tư liệu. |
Lâu rồi tôi bỏ mất một thói quen học được của một ông bạn viết đã cao niên là chia dọc các trang của cuốn sổ công tác (ông kêu bằng cuốn sổ biên chép việc công) làm hai phần không đều nhau.
Cột nhỏ ông biên chép những thứ chả dính dáng chi đến chuyện công tác, tỷ như ngày tháng, thời tiết nhiệt độ mưa nắng, không khí của những buổi họp hành hội nghị (nếu có), cả hình dong của diễn giả lẫn đặc điểm dễ nhận cũng như khó nhận của người mà mình gặp.
Còn cột lớn hơn để biên chép những tài liệu để chế ra tin ra bài!
Ông cho biết những dòng trong cột nhỏ là quan trọng lắm đâu như nó quyết định chất lượng viết lách sau này?
Ông nói vậy thì tôi biết vậy, chả biết vận dụng được sự tiện ích ấy vào những đâu, chứ lâu rồi cũng quên bẵng đi thói quen ấy.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở lại thăm Điện Biên Phủ tháng 4/1994. |
Nhưng bây giờ tỷ mẩn giở lại những cuốn sổ hồi đang còn giữ thói quen ấy mới chợt giật mình về lời khuyên của người đã quá cố. Trong một trang đã xuộm vàng, cột nhỏ nguệch ngoạc những dòng tôi lia rất tháu: Chiều 7/5/1984, Hội trường Ba Đình. Lễ kỷ niệm 30 chiến thắng Điện Biên Phủ. Hội trường chật ních nhưng có máy điều hòa mát lạnh. Nhiệt độ bên ngoài 36 độ. Trong hành lang nhà báo Tây đến không hiểu sao rất nhiều. Chưa từng thấy. 3 giờ 5 phút, ông Trường Chinh đọc diễn văn khai mạc...
Tỷ mẩn lẫn bồi bồi, chiểu theo những dòng lia rất tháu non ba chục năm trước, tôi vừa dịch vừa nhớ lại lúc nhìn trên Đoàn chủ tịch cuộc mít tinh, Tổng Bí thư Lê Duẩn ngồi giữa, bên trái TBT có Thủ tướng Phạm Văn Đồng, ông Phạm Hùng, hai vị nữa tôi quên tên rồi đến ông Tố Hữu.
Người ngồi cuối cùng hàng trên là Vị Tổng chỉ huy Mặt trận Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Một việc có thể nói là đã bất ngờ diễn ra khi Chủ tịch HĐBT Phạm Văn Đồng đang đọc diễn văn. Ấy là khi báo chí được phép vào hội trường hành nghề (Chao ôi, hàng chục nhà báo ngoại quốc chứ không ít và cả ký giả ta nữa), họ đã ùa về phía cái góc ngoài cùng bên tay trái Đoàn chủ tịch, nơi có Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang ngồi!
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó chủ tịch HĐBT, khi ấy mới ngoại thất tuần. Đại tướng trông rất phong độ, mắt nhìn thẳng nghiêm ngắn, chĩnh chiện trong bộ quân phục màu cỏ úa, lon cầu vai Đại tướng lấp lánh trong quầng sáng bất ngờ bật lên của những dàn đèn ghi hình.
Âm thanh cùng bấm một lúc của nhiều chiếc máy quay phim hiệu Convat cỡ phim 35mm thông dụng vang sè sè khắp Hội trường Ba Đình.
Mà cái đám ký giả ngoại quốc này hành nghề đến là dai hơi. Ba, năm rồi mươi phút trôi qua chả thấy họ chịu tắt đèn. Hai anh bảo vệ sơ mi trắng xuất hiện lịch sự lẫn khéo léo hướng dẫn họ chuyển dịch sang phía giữa Hội trường mà họ chả chịu di chuyển cho.
Khi ấy với sự bấy bớt của một anh lính mới được phân công theo dõi mảng thời sự chính trị, tôi thầm trách những đồng nghiệp đang hành nghề một cách hăng hái lẫn táo tợn kia, ống kính của họ phải hướng lâu hơn về khoảng giữa của Hội trường Ba Đình kia mới phải? Để đến nỗi những người dự ở phía dưới, nếu bây giờ thử đôi hồi lại có cảm giác, buổi chiều năm ấy Hội trường Ba Đình đang có một lúc nghiêng và lệch đi? Nhưng biết làm sao được, đấy là việc của họ!
Mẫn cán hay sự tham lam của mấy ông làm báo nước ngoài chả biết nữa khi họ đang cật vấn một ông bạn bên Thông tấn xã rằng chốc nữa cuộc mít tinh có giải lao không? Khi được trả lời rằng không có giải lao thì họ có vẻ thất vọng ra mặt.
Chầu rìa bên sự trao đổi giữa ông bạn và mấy ông ký giả trong đó có một tay rất thạo tiếng Việt nọ, tôi láng máng được biết rằng họ muốn phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp, có ai biết và có cách nào để giúp họ được không? Khi được trả lời rằng cứ làm giấy yêu cầu theo quy định gửi đến những cơ quan có trách nhiệm theo thông lệ thì họ lắc đầu nhún vai vẻ như càng thất vọng hơn! Tò mò, ông bạn tôi hỏi phỏng vấn điều chi vậy thì tay này thò ra một tờ giấy pơluya đánh máy dạng bản sao.
Bây giờ chép ra đây những dòng này là sau bữa đó về tra cái số công văn. Lần thêm trong Công báo, tôi tìm được một văn bản.
QĐ HĐBT số 58/ HĐBT. Ngày 11 tháng 4 năm 1984. Về việc thành lập Ủy ban Quốc gia Dân số và Sinh đẻ có kế hoạch/ Hội đồng Bộ trưởng/ Căn cứ Luật tổ chức HĐBT ngày 4 tháng 7 năm 1981. Căn cứ.... Quyết định/ Điều 1. Thành lập Ủy ban Quốc gia dân số và sinh đẻ có kế hoạch gồm có. 1. Đồng chí Võ Nguyên Giáp- Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban...
Ủy ban gồm 5 Phó chủ tịch là các ông Đặng Hồi Xuân, Bộ trưởng Bộ Y tế; Đào Thiện Thi, Bộ trưởng Bộ Lao động ... Ủy ban có nhiều thành viên, trong đó Đoàn Thanh niên có ông Vũ Mão, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn.
Ông bạn tôi coi lướt rồi phấy tờ giấy cười, nói ngay đại ý, văn bản này thuộc loại hành chính công khai không đóng dấu MAT thì cứ đăng thoải mái... Nhưng ông này cười, mặt mày nhăn nhúm có vẻ đau khổ vì bạn tôi đã không hiểu ý ông.
Rằng ông muốn trực tiếp phỏng vấn Đại tướng để giải đáp sự băn khoăn, cận ngày kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Đại tướng có cảm tưởng gì khi được giao một nhiệm vụ mà rất nhiều người, trong đó có cá nhân ông thấy không tương xứng lẫn khó hiểu?
Bây giờ vẫn in đậm trong tôi những lời khúc chiết lẫn dõng dạc của ông bạn như một sứ thần ngoại giao chiều hôm đó: Không có gì khó hiểu hết, sinh đẻ có kế hoạch là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng và cấp bách của chúng tôi.
... Âm thanh rộn rã Như có Bác Hồ... kết thúc buổi mít tinh. Một tốp người quần áo dân tộc đã nhanh chân hơn mấy ông nhà báo nước ngoài khi họ ào lên vây lấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Sau mới biết đó là đoàn đại biểu Quân dân Điện Biên Phủ được mời về dự mít tinh. Đám ký giả nước ngoài cũng ào lên theo. Micro tua tủa giơ ra làm gián đoạn câu chuyện chắc là vui vẻ giữa Đại tướng và bà con vì thấy ai cũng cười. Đại tướng cười nhã nhặn đại ý, đang có việc bận hẹn lúc khác rồi nhanh nhẹn rẽ đám đông đi xuống... Những cái nhìn tiếc nuối ngoái theo.
Dịp khác ấy là dịp nào? Không biết Đại tướng hẹn với bà con hay đám ký giả? Và bây giờ đã gần 30 năm, không biết từng ngần ấy năm đã có một dịp khác ấy diễn ra không nhỉ?
Mãi sau này, có dịp ngồi với ông Vũ Mão, tôi hỏi ông có kỷ niệm gì với vị Chủ tịch UBDS&SĐCKH mà ông là một thành viên của Ủy ban ấy? Gương mặt đầy đặn của vị quan chức từng lãnh nhiều trọng trách ấy như hồng lên vì xúc động...
Câu chuyện của ông đưa tôi về những kỳ giao ban đều đặn của Ủy ban, lúc quý, lúc tháng. Nhưng với tư cách Chủ tịch Ủy ban dân số và Sinh đẻ có kế hoạch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tham dự rất đều...
Đại tướng còn thường xuyên dành thời gian làm việc với các Tiểu ban của Ủy ban rất tỉ mỉ chu tất. Có một lần trong buổi giao ban, chất giọng Đại tướng như tha thiết lẫn bức xúc về tỷ lệ (khi ấy trên 2%) sinh quá cao ở xứ mình. Tỷ lệ ấy đặt trong tổng thể chiến lược kinh tế xã hội của đất nước với biết bao vấn đề nan giải. Cần nhìn nhận tháo gỡ với các binh chủng hợp thành như gia đình, văn hóa giáo dục, y tế...
Ngồi trong phòng họp, mình có cảm tưởng vị Đại tướng của chúng ta không chỉ khoát hoạt tung hoành trong thời trận mạc mà ông đích thực là một Thống chế cầm quân trong lĩnh vực quan trọng này, cao hơn thế là một nhà văn hóa lớn với những quyết định ý tưởng rất nhân văn.
Câu chuyện qua lại cả về những băn khoăn của dân khi gắn tên Đại tướng với tên cơ quan có cụm từ “nhạy cảm” Chính vì vậy mà ông Vũ Mão rất tâm đắc khi Đại tướng đưa ra một dự báo, có thể tên gọi mai kia của Ủy ban sẽ khác, sẽ thâu tóm và chiến lược hơn?
Điều Đại tướng tiên liệu ấy sau này đã trở thành sự thật, Ủy ban Dân số và kế hoạch hóa gia đình đã thay cho tên gọi đồng thời cũng là chức năng nhiệm vụ quan trọng của Ủy ban. (Mà thái độ của Đại tướng đối với nhiệm vụ này cũng không như nhiều người tưởng.
Một lần, bà Đặng Bích Hà - phu nhân đại tướng có kể cho nhà văn Sơn Tùng chuyện này: Bữa họp Hội đồng Bộ trưởng quyết định trao việc mới cho Đại tướng là Chủ tịch Ủy ban Dân số và Sinh đẻ có kế hoạch, người giúp việc của Đại tướng ý chừng bức xúc về nói lại với phu nhân Đại tướng. Bà Hà cũng mang tâm trạng ấy.
Chỉ có hai vợ chồng với nhau, ông ung dung treo mũ áo rửa mặt rồi bình thản cười: Chuyện chi mà nghiêm trọng thế? Thế tôi với bà ở đâu ra? Các con mình ở đâu ra? Sinh, dưỡng là việc lớn... Việc chi mà lợi cho dân cũng phải hết sức làm!)
... Rồi dịp cụ Mai Kỷ, nguyên Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân số & KHHGĐ được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, tôi có nán lại với người con cả của một gia đình danh giá nước Việt: một nhà mà có 3 anh em đều là quan to của chính thể: sau cụ Mai Kỷ là ông Mai Liêm Trực – Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông, sau nữa là ông Mai Ái Trực- Bộ trưởng Bộ TN & MT.
Cả 3 anh em trong nhiệm kỳ của mình đều để lại những dấu ấn tốt đẹp với dân. Riêng cụ Mai Kỷ đã góp công sức rất lớn để tháo gỡ vấn nạn của công tác KHHGĐ. Năm 1992, khi cụ bất đắc dĩ phải đảm trách công tác này, tỷ lệ sinh nước mình là 2,5%. Khi cụ rời chức thì tỷ lệ còn 1,7%.
Tôi hỏi cụ trong nhiệm kỳ của mình có thường xuyên tham khảo ý kiến của người tiền nhiệm trước đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong công tác này không? Cụ cười hiền hậu, đại ý, tham khảo những chuyên gia trong lĩnh vực này để thực hiện mục tiêu chiến lược thì có nhiều nhưng với người đức độ tài năng như cụ Giáp thì không dám!
Trong Lễ mít tinh trọng thể kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ ấy (năm 1984), cánh báo chí quay phim ngoại quốc cứ tập trung ở phía trước Đoàn Chủ tịch bên cánh Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngồi. Để đến nỗi những người dự ở phía dưới, nếu bây giờ thử đôi hồi lại có cảm giác, buổi chiều năm ấy Hội trường Ba Đình đang có một lúc nghiêng và lệch đi.
|
Theo Tiền phong