Vinh danh tố cáo đúng, xử nghiêm người ‘vu oan giá họa’

Vinh danh tố cáo đúng, xử nghiêm người ‘vu oan giá họa’

Dương Thị Thu

Dương Thị Thu

Thứ 6, 21/04/2017 09:29

“Tôi đề nghị trừng trị nghiêm khắc người tố cáo kiểu “vu oan giá họa”, vinh danh, ghi công trạng người tố cáo đúng như việc ban sắc phong để con cháu tự hào”, Chủ tịch Hội Luật gia quận Ba Đình nói.

Ngày 20/4 tại Hà Nội, Hội Luật gia Việt Nam phối hợp với phòng Phát triển Kinh tế và Quản trị Nhà nước, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tổ chức Hội thảo tham vấn dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi). Chủ trì hội thảo về phía Hội Luật gia Việt Nam có Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền; Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam Lê Minh Tâm.

Xã hội - Vinh danh tố cáo đúng, xử nghiêm người ‘vu oan giá họa’

 Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền phát biểu khai mạc.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam khẳng định, luật Tố cáo đã được Quốc hội khóa XIII thông qua năm 2011 và có hiệu lực từ tháng 7/2012, là đạo luật đưa hoạt động tố cáo, giải quyết tố cáo đã có những kết quả nhất định, triển khai có hiệu quả trên thực tế. Tuy nhiên sau 4 năm, thực tiễn đòi hỏi có những điều cần sự thay đổi.

Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam bày tỏ mong muốn, hội thảo sẽ có nhiều ý kiến đóng góp vào dự thảo luật sửa đổi, tập trung làm rõ một số vấn đề quan trọng như: Làm thế nào để vấn đề tố cáo có hiệu quả, người dân mạnh dạn đưa ra những tố cáo đúng? Cần có những cơ chế gì tạo điều kiện cho mọi người mạnh dạn tố cáo sai phạm?

Xã hội - Vinh danh tố cáo đúng, xử nghiêm người ‘vu oan giá họa’ (Hình 2).

 GS.TS Lê Minh Tâm chủ trì hội thảo.

“Đây là điều rất cần được quan tâm, Hội Luật gia Việt Nam cũng quan tâm đặc biệt đến vấn đề này. Thêm nữa, cần làm rõ cơ chế nào bảo vệ cho người tố cáo, hỗ trợ tốt hơn cho người tố cáo đúng? Đối với người cố tình tố cáo sai, bịa đặt sự việc gây xáo trộn trong quản lý Nhà nước phải chịu trách nhiệm như thế nào? Vì thực tế có những người lợi dụng tố cáo nêu ra vấn đề không có, vu khống cơ quan, tổ chức, cá nhân. Do đó, trong điều luật cần làm rõ cơ chế để hạn chế vấn đề này và xử lý ra sao”, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam nhấn mạnh.

Tham luận tại hội thảo, Tiến sĩ Đỗ Gia Thư, nguyên Vụ trưởng vụ Pháp chế - Thanh tra Chính phủ đặc biệt lưu ý đến việc bảo vệ người tố cáo, quyền tố cáo của công dân và sự cần thiết bảo vệ người tố cáo.

Xã hội - Vinh danh tố cáo đúng, xử nghiêm người ‘vu oan giá họa’ (Hình 3).

 TS. Đỗ Gia Thư.

“Có trường hợp tố cáo xong không biết đưa gia đình trốn đi đâu. Có người đi vận động tố cáo bị ăn đòn. Có trường hợp tố cáo hiệu trưởng thu chi sai bị điều chuyển đến vùng sâu vùng xa một cách vô lý... Đa số các vụ việc cho thấy hậu quả tố cáo là khôn lường. Càng nỗ lực tố cáo càng bị thua thiệt, bị trả thù, trù dập, mất việc làm nhưng không được bảo vệ”, TS. Đỗ Gia Thư nói.

“Người tố cáo có tâm lý lo sợ liên lụy đến bản thân nên đành “mũ ni che tai” không tố cáo những vi phạm pháp luật khi nó không ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của mình”, ông Thư nói.

TS. Thư còn chỉ ra rằng, sự lộng quyền của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và vai trò mờ nhạt của các tổ chức, đoàn thể trong các cơ quan, đơn vị là một trong những nguyên nhân, điều kiện dẫn đến tình trạng kẻ mạnh thì bưng bít thông tin, người tố cáo bị trù dập, trù úm kéo dài, bị đơn độc, không ai bảo vệ.

TS. Phạm Gia Yên, nguyên Chánh thanh tra bộ Xây dựng đề cập đến một số hạn chế trong dự thảo luật, đặc biệt là vấn đề tố cáo nặc danh, mạo danh. “Tố cáo oan, tố cáo bậy phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Đây là điều rất cần thiết trong luật”, TS. Yên nói.

Xã hội - Vinh danh tố cáo đúng, xử nghiêm người ‘vu oan giá họa’ (Hình 4).

 Hội thảo có sự tham dự của đông đảo đại biểu quan tâm.

Thảo luận về vấn đề này, ông Phan Văn Tân, nguyên Giám đốc trung tâm Tư vấn Pháp luật Tân Việt phản đối quy định không thừa nhận tố cáo bằng email, điện thoại và cho rằng như vậy là không phù hợp. “Chúng ta đang thực hiện Chính phủ điện tử tại sao lại không thừa nhận những tố cáo đó. Do đó, tôi đề nghị xem xét lại”, ông Tân thẳng thắn nêu quan điểm.

Đưa ý kiến thảo luận, TS. Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng cục Kiểm tra văn bản pháp luật - bộ Tư pháp nêu quan điểm, cần ghi nhận cố gắng của cơ quan soạn thảo dự án luật vì đã có nhiều thành công, tiến bộ, tạo điều kiện cho người tố cáo.

Tuy nhiên, TS. Lê Hồng Sơn cũng thẳng thắn cho rằng, đầu vào tiếp nhận thông tin tố cáo có hạn chế: “Cần mở rộng đầu vào để thu nhận mọi nguồn thông tin, không nên đặt cơ chế hành chính, tư duy bó phần tiếp nhận thông tin tố cáo. Nếu cứ “bó” phía đưa thông tin là không hay, cần mở tối đa. Thêm nữa, dự thảo luật bảo vệ rất quyết liệt người tố cáo nhưng bảo vệ cho người bị vu cáo, tố cáo sai lại chỉ lướt qua, chỉ có điểm d, Điều 10, như thế là điểm yếu”.

Xã hội - Vinh danh tố cáo đúng, xử nghiêm người ‘vu oan giá họa’ (Hình 5).

 TS. Lê Hồng Sơn góp ý kiến tại hội thảo.

“Người bị vu cáo, bị đánh đòn tập thể, vùi dập bằng đủ phương thức, sẽ được bảo vệ như thế nào? Tôi biết nhiều trường hợp đáng thương, đang sáng ngời mà bị tố cáo vài cuộc là rất khổ... Do đó, cần nghiên cứu thêm. Bảo vệ người tố cáo tôi đồng ý, còn bảo vệ người bị tố cáo sai, người bị vu cáo cần xem xét bổ sung thêm”, TS. Lê Hồng Sơn nói.

Ông Chu Văn Thịnh, Chủ tịch Hội Luật gia quận Ba Đình nêu quan điểm: “Luật chưa hiểu dân nên khó đi vào cuộc sống. Tôi đề nghị phải hiểu người tố cáo theo một quan điểm là cảm ơn họ, dần nâng lên cả sự biết ơn người tố cáo. Ai dám tố cáo? Ai cũng sợ liên lụy bản thân, gia đình, gia tộc, địa phương... Vì thế phải cảm ơn, biết ơn người tố cáo. Luật hiểu dân thì luật sẽ có tuổi thọ cao hơn”.

Xã hội - Vinh danh tố cáo đúng, xử nghiêm người ‘vu oan giá họa’ (Hình 6).

 Chủ tịch Hội Luật gia quận Ba Đình Chu Văn Thịnh.

“Tôi đề nghị cần vinh danh và ghi công trạng người tố cáo nếu như tố cáo đúng, như thời xưa vua ban sắc phong để cho họ, con cháu họ có quyền tự hào nếu tố cáo đúng. Nếu chỉ khen thưởng sơ sơ thôi là không được. Do đó, tôi đề nghị điều chỉnh luật trên tinh thần phát huy toàn dân, không nói chung chung. Luật cần lấy ý kiến nhân dân, đề nghị ban soạn thảo cho các cơ quan có thẩm quyền lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân.

Bên cạnh đó, tôi đề nghị phải trừng trị nghiêm khắc với người “vu oan giá họa”. Trong luật Hồng Đức, tôi có đọc thấy 12 điều quy định xử lý người “vu oan giá họa”, chúng ta nên trở lại các luật của ông cha, tiếp thu điều chỉnh và nâng tầm lên.

Bảo vệ người tố cáo ít, "chờ được vạ thì má đã sưng". Bảo vệ người tố cáo tối đa mà bảo vệ người bị tố cáo oan lại tối thiểu là không được, quyền lợi và nghĩa vụ phải ngang nhau”, ông Chu Văn Thịnh thẳng thắn nói.

Dự kiến, luật Tố cáo (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào Kỳ họp thứ 3 diễn ra vào tháng Năm tới đây và thông qua vào Kỳ họp thứ 4 cuối năm 2017.

Dương Thu (ghi)

Ảnh: Thành Long

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.