Theo quy hoạch khu bãi rác của tỉnh Vĩnh Long là 47 ha, ở địa bàn huyện Long Hồ. Hiện, tỉnh có 4 bãi rác và các công trình phụ trợ khác như đường dẫn, đê bao, hồ chứa nước rỉ...
Mỗi ngày, bãi rác tiếp nhận khoảng 350 tấn rác thải, nhưng chủ yếu dùng biện pháp chôn lấp, cứ đầy là đào ô phủ bạc chống thấm rồi chôn lấp tiếp.
Ngày 15/6, trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Khắc Yên Đan, trưởng Phòng kế hoạch - Công ty cổ phần Công trình công cộng tỉnh Vĩnh Long cho biết, thời điểm hiện tại, bãi rác số 3 (với thiết kế sức chứa là 200.000 tấn) đang tiếp nhận rác từ tháng 5/2020.
Dự kiến đến tháng 6/2024, bãi rác số 3 sẽ đầy, sau đó tiếp tục đưa rác thải sang bãi rác số 4 liền kề.
Riêng bãi rác số 1 và số 2 đã phủ đỉnh, “đóng cửa” và trùm bạc khoảng 10 năm nay và có phương án xử lý rác.
Tuy nhiên, Tỉnh hiện còn đang chờ nhà đầu tư xử lý rác để bốc lên xử lý. Đối với những chất hữu cơ thì lấy làm phân bón, những chất không sử dụng được sẽ tiến hành chôn lấp trở lại.
Theo ông Đan, với thiết kế sức chứa mỗi bãi rác là 200.000 tấn, mỗi bãi rác tiếp nhận rác và sẽ phủ đỉnh sau khoảng 2 năm. Tuy nhiên, nếu các khâu xử lý túi nilon, vỏ chai nhựa càng kỹ thì thời gian tiếp nhận rác thải của bãi rác sẽ kéo dài thêm.
Trước tình trạng rác thải như hiện nay, khoảng 3 năm nữa là hết chỗ chôn lấp rác trên diện tích quy hoạch. Do vậy, tỉnh cần đầu tư nhà máy xử lý rác công nghệ hiện đại nhằm xử lý rác triệt để.
“Hiện, các sở, ban ngành liên quan đã tiến hành tham mưu cho Tỉnh về tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư nhà máy xử lý rác thải. Tuy nhiên, trong thời gian kêu gọi đầu tư, tỉnh vẫn phải cần có một bãi rác dự phòng để tiếp nhận rác thải, phòng khi dự án triển khai chậm, hoặc những lý do khác”, ông Đan nói.
Trước đó, đầu năm 2013, có nhà đầu tư đến xây dựng nhà máy xử lý rác ở Vĩnh Long là Công ty Phương Thảo, với công suất thiết kế xử lý 300 tấn rác/ngày, kinh phí xây dựng hơn 250 tỷ đồng. Thế nhưng, nhà máy chỉ hoạt động 9 tháng thì dừng vào cuối năm 2013 do chưa đạt các thông số kỹ thuật...
Đến tháng 9/2016, nhà máy hoạt động trở lại và chuyển sang phương pháp đốt nhưng rác không được xử lý hết, chất đống ùn ứ, gây ô nhiễm môi trường. Do vậy, nhà máy này buộc phải ngưng hoạt động cho đến nay.
Thanh Lâm