Ngày 6/5, tin từ Văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết, ông Nguyễn Văn Liệt - Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long vừa ký ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch bảo vệ, nâng cấp, mở rộng vườn chim vạc của ông Lê Văn Chìa ở xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn.
Vườn chim vạc của Chìa có diện tích đất khoảng 1,8 ha. Năm 2006, ông Chìa phát hiện có đàn chim đến cư trú với khoảng vài chục cá thể chim vạc, cao điểm lên đến hơn 2.000 cá thể (năm 2018). Xuất phát từ niềm tình yêu thiên nhiên, mong muốn bảo vệ các loài chim, ông Chìa quyết định không làm xáo trộn khu đất này mà tạo thêm sinh cảnh tự nhiên cho chim cư trú.
Từ đó, các loài chim khác như cò trắng, cò ốc, cồng cộc cũng bắt đầu kéo về càng nhiều và hình thành quần thể chim cho đến nay.
Năm 2021, tỉnh Vĩnh Long ghi nhận tại vườn chim này có 33 loài thuộc 20 họ, 12 bộ. Trong đó, có ít nhất 13 cá thể cò ốc, 6 cá thể quắm đen, khoảng 130-135 cá thể cò ruồi, khoảng 80-120 cá thể cò trắng, khoảng 190-260 cá thể cốc đen, khoảng 600-625 cá thể vạc...
Nhằm duy trì và phát triển quần thể vạc cũng như một số loài chim nước khác, UBND tỉnh Vĩnh Long sẽ mở rộng quy mô diện tích vườn chim vạc từ khoảng 1,8ha như hiện nay lên 4-5ha.
Đồng thời, sẽ xây dựng tháp canh để thực hiện quan sát cũng như phục vụ hoạt động du lịch nông thôn; xây dựng hàng rào bảo vệ chắc chắn, kiên cố phục vụ bảo vệ lâu dài; xây dựng hệ thống camera giám sát, cảnh báo bảo vệ vườn chim vạc...
Theo UBND tỉnh Vĩnh Long, việc bảo vệ, nâng cấp, mở rộng vườn chim vạc nhằm phát triển, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; bảo vệ nghiêm ngặt các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm. Đồng thời, hướng tới phục vụ tham quan du lịch và giáo dục môi trường cho học sinh…
Qua đó, từng bước nâng cao ý thức trong cộng đồng nhằm chung tay bảo tồn, phục hồi, bảo vệ đa dạng sinh học; chia sẻ và lan tỏa thông điệp, tạo nên trào lưu và chuẩn mực xã hội tốt đẹp về lối tiêu dùng văn minh và hành vi thân thiện với môi trường thiên nhiên…
Thanh Lâm