Liên tục những ngày qua, trên một số cánh đồng thuộc các xã Phú Đức, Long An (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) xuất hiện tình trạng nông dân bán lớp đất mặt ruộng cho thương lái và người có nhu cầu.
Việc bán lớp đất mặt ruộng bắt đầu sau khi hoạch lúa vụ Đông – Xuân. Một số người dân cho biết, chỉ bán tại một số thửa ruộng gò (đất nhô cao), mục đích để hạ độ cao của mặt ruộng cho nước dễ vào và kiếm thêm thu nhập.
Theo tìm hiểu của PV Người Đưa Tin, hiện giá bán lớp đất mặt ruộng mỗi công ruộng (1 công = 1.000m2) dao động từ 1,2 – 1,5 triệu đồng. Khi bán, chủ đất khoán trắng cho người mua đất. Sau đó, người mua đất sẽ đem máy đến xới đất lên rồi cho nhân công xúc đất vào bao đem về.
Bà Trần Thị Thu Hà ở xã Phú Đức cho biết, gia đình có khoảng 10 công ruộng có phần đất nhô cao. Mùa vụ này, bà đã cho máy xới đât lên rồi thuê nhân công xúc lớp đất mặt ruộng cho sẵn vào bao chờ người đến mua. Giá bán tại chỗ, mỗi bao đất khoảng 15.000 đồng, nhưng nếu vận chuyển thì giá còn có thể cao hơn.
Việc nông dân ồ ạt bán lớp đất mặt ruộng cũng thu hút một lượng nhân công xúc đất đến tìm việc. Nếu có người thuê xúc đất, một người mỗi ngày có thể xúc được từ 120 – 180 bao với tiền công 2.000 đồng/bao. Tính ra mỗi người tham gia xúc đất thu nhập khoảng trên dưới 300.000 đồng/ngày.
Một thương lái chuyên mua lớp đất mặt ruộng cho biết, thường thương lái tìm những ruộng có gò cao để mua đất, bởi những ruộng trũng, thấp thì nông dân không bán. Khi mua được đất, họ sẽ bán lại cho những nông dân khác và người có nhu cầu để kiếm lời.
Theo một cán bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Hồ, tầng đất canh tác của đất lúa dày khoảng 3–4cm. Nếu nông dân bán đi lớp đất mặt ruộng, thì việc bón phần ở các mùa vụ sau sẽ không giữ được dinh dưỡng trong đất và nước cho cây. Do vậy, những vụ lúa kế tiếp sẽ không đạt năng suất như mong muốn.