Câu chuyện Vĩnh Phúc vừa có quyết định thanh tra việc chi 65 tỷ đồng để mua quà tặng nhân kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh đang có những ý kiến trái chiều. Nhiều câu hỏi được đặt ra xung quanh sự minh bạch cũng như mức độ cần thiết khi tỉnh này chi ra số tiền lớn mua quà tặng nhân lễ kỷ niệm như vậy. PV báo Người Đưa Tin đã có trao đổi với chuyên gia kinh tế Nguyễn Chí Hiếu về vấn đề này.
Theo ông đánh giá, việc chi 65 tỷ đồng từ ngân sách và từ nguồn xã hội hóa (đang được ngân sách tạm ứng) để chi cho một lễ kỷ niệm 20 năm thành lập tỉnh là có nên hay không?
Theo tôi thì việc chi tiền như vậy thực sự là rất lãng phí.
Hiện nay, chúng ta có hiện tượng nhiều tỉnh xây dựng trụ sở UBND hoàng tráng, lễ kỷ niệm lớn nhưng thực sự những điều này không đóng góp gì được cho sự phát triển kinh tế địa phương.
Khi ngân sách bỏ ra số tiền lớn để doanh nghiệp đấu thầu, cung cấp quà tặng là ấm chén cho người dân, quan khách thì những món quà này chỉ là sản phẩm tiêu dùng chứ không phục vụ cho sản xuất, không có giá trị phục vụ cho kinh tế. Nếu mục đích chỉ để có dòng chữ kỷ niệm trên bộ ấm chén thì có nhiều cách khác hiệu quả và tiết kiệm hơn, giá trị tinh thần hơn.
Theo ông quan sát, ở các nước khác, họ có tổ chức những lễ kỷ niệm đi kèm với quà tặng vật chất như vậy không?
Tôi chứng kiến ở Mỹ, nhiều địa phương cũng có lễ kỷ niệm thành lập nhưng họ tổ chức trong một khuôn khổ rất hạn chế.
Vấn đề quà tặng cho khách, chỉ là những món quà bình thường để những người tham dự mang về, chỉ mang ý nghĩa tưởng niệm chứ không có những món quà giá trị kinh tế như ấm chén như ở mình. Những món quà chỉ đơn giản như tấm thiệp, huy hiệu,…
Một vấn đè khác mà dư luận đang rất quan tâm là mặc dù các địa phương ở tỉnh Vĩnh Phúc đấu thầu các gói mua sắm quà tặng theo hình thực rộng rãi nhưng hai nhà thầu là Công ty TNHH Bảo Quang và Công ty TNHH Sản xuất và Dịch vụ thương mại Bảo Long - Bát Tràng (có cùng địa chỉ ở Xóm 1, thôn Bát Tràng, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) đã trúng thầu hầu hết các gói thầu với mức giá “sát sàn sạt” với giá mời thầu (đều dưới 0,5%). Theo ông, có vấn đề gì ở việc đấu thầu này không?
Chuyện giá trúng thầu cao hơn hay thấp hơn so với giá mời thầu là chuyện bình thường. Tuy nhiên, phải làm rõ quá trình đấu thầu có được công khai minh bạch hay không. Hai công ty này có thực sự đáp ứng được yêu cầu gọi thầu, được đấu thầu công khai và mở thầu một cách khách quan, xét thầu vô tư hay không. Nếu thực sự đáp ứng đủ thì tốt, nhưng liệu rằng tất cả những chỉ tiêu cho một cuộc đấu thầu khách quan, công bằng có được đáp ứng?
Vì vậy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cần sớm có kết luận thanh tra để rộng đường dư luận với những vấn đề mà dư luận đang hết sức quan tâm.
Xin cảm ơn ông
Người dân è lưng ra đóng thuế Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV công ty luật Basico, Trọng tài viên VIAC cho hay, câu chuyện chi tiền khủng cho các lễ kỷ niệm không chỉ là câu chuyện riêng của Vĩnh Phúc mà là câu chuyện đang phổ biến ở nhiều địa phương, cơ quan, tổ chức tại Việt Nam. Điều quan trọng nhất là việc chi này có đúng luật hay không. Ông Đức lấy ví dụ một ngân hàng lớn vừa qua, kỷ niệm 60 năm thành lập, chỉ riêng chi cho hội trường, ca hát, đón khách đã mất đến vài tỷ đồng. “Nhiều nơi người ta vô tội vạ đẻ ra những thứ phù phiếm, không vì lợi ích của người dân, chẳng vì sự phát triển chung, lợi ích chung, lãng phí kinh khủng, hàng nghìn tỷ đồng. Cuối cùng thì người dân lại è lưng ra để đóng thuế”, ông Đức cho hay. Luật sư này cũng cho biết thêm, nếu thực sự việc mua quà tặng cho người dân và quan khách ở đây được làm đúng, khách quan, minh bạch, các đối tượng được hưởng đúng thì lại là vấn đề khác. “Nếu không có xà xẻo, tham ô, không có vứt đi đâu thì không có gì là lãng phí. Ví dụ chuyện têt nhất cho người có công… số tiền chi ra cũng không ít nhưng tất cả đều thừa nhận là xứng đáng. Câu chuyện ở Vĩnh Phúc cũng vậy”, luật sư Trương Thanh Đức chia sẻ. |
Xem thêm:<<Chi 65 tỷ mua ấm chén làm quà: Liệu có việc 1 hạch toán thành 2?<<
Đ.Huệ