Bên cạnh không khí tươi vui, phấn khởi với rất nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao... diễn ra vào cuối năm ngoái, mỗi hộ gia đình trong tỉnh Vĩnh Phúc còn được tặng một bộ ấm chén men màu trắng, sản xuất trong nước, có in dòng chữ "Kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh Vĩnh Phúc".
Riêng các đại biểu đến dự lễ kỷ niệm (được tổ chức vào ngày 28/12/2016) được ban tổ chức tặng 1 bộ ấm chén màu trắng có in dòng chữ trên. Khác với bộ tặng người dân, món quà này được đặt trong các hộp đỏ cứng bọc nhiễu với logo tỉnh Vĩnh Phúc và dòng chữ “Tỉnh Vĩnh Phúc kính tặng” mạ vàng. Không quá khó hiểu khi những chi tiết “cộng thêm” vừa nhắc tới đã nâng cao giá trị của bộ ấm chén tặng cho đại biểu (theo báo Thanh Niên, chính xác là đắt hơn 150.000 đồng so với bộ thường). Chỉ cần làm một phép tính cơ học, ta có thể dễ dàng biết được tỉnh Vĩnh Phúc đã chi bao nhiêu tiền quà tặng cho 3.000 đại biểu được đón tiếp trong buổi lễ.
Tạm gác chi phí tổ chức lễ kỷ niệm (bao gồm cả tiệc chiêu đãi cho 1.000 đại biểu) qua một bên, chuyện Vĩnh Phúc tặng quà nhân dịp này sẽ chẳng xôn xao đến thế nếu tổng giá trị các gói thầu mua sắm quà tặng tại 9 đơn vị thuộc tỉnh này không nhích lên con số 65 tỷ đồng. Theo ông Bùi Minh Hồng - Chánh văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Phúc, số tiền này được lấy từ ngân sách nhà nước và vốn xã hội hóa. Đến nay chưa rõ các gói thầu sẽ sử dụng bao nhiêu phần trăm vốn Ngân sách Nhà nước, bao nhiêu phần trăm vốn xã hội hóa, chỉ biết rằng tiền “tạm ứng” để các huyện, thị xã, thành phố mua sắm ấm, chén được lấy từ ngân sách.
Theo kết quả điều tra của bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều năm 2016 tại Vĩnh Phúc là 4,96%. Quả thực, con số này “chẳng là gì” so với tỉ lệ hộ nghèo của các tỉnh Điện Biên (48,14%), Hà Giang (43,65%), Cao Bằng (42,53%)... Nhưng liệu việc phát "đồng phục" ấm chén có đi ngược với Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2016? Liệu 14 ngàn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh có cảm thấy ấm lòng hơn khi nhận được món quà như bao nhà khác? Những người chưa lo nổi bữa cơm hôm nay có qua được cơn đói nhờ ngồi ngắm ấm, chén? Những trăn trở đó dường như nằm ngoài suy tính của người nghĩ ra kế hoạch độc và lạ này.
Trộm nghĩ, nếu 62 tỉnh, thành còn lại cũng “học tập” cách làm của Vĩnh Phúc mỗi lần kỷ niệm thì người dân khắp cả nước đều được ấm, đều được chén y như nhau.
Trương Chi
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả