Triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số
Triển khai Kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, ngành Y tế Vĩnh Phúc bám sát chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để xác định cụ thể lộ trình thực hiện và trách nhiệm của các đơn vị y tế trong thực hiện chuyển đổi số.
Toàn ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo tập huấn chuyển đổi số để nâng cao nhận thức của công chức, viên chức và người lao động; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, quản trị y tế, khám chữa bệnh, y học dự phòng… nâng cao hiệu quả công việc, góp phần xây dựng, phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số tỉnh Vĩnh Phúc.
Song song đó, sẽ triển khai lập, sử dụng và quản lý hồ sơ bệnh án điện tử tại các cơ sở khám chữa bệnh đã được cấp phép hoạt động; quản lý các thiết bị công nghệ thông tin đã được trang bị phục vụ thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Trước mắt, năm 2022-2023, ngành Y tế đào tạo cán bộ y tế thành thạo các thiết bị công nghệ để ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện chuyển đổi số; tham mưu đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, kho dữ liệu dùng chung của ngành, đầu tư các phần mềm đối với khối quản lý nhà nước và các đơn vị y tế dự phòng, chuyên ngành.
Đối với các cơ sở khám chữa bệnh, triển khai bệnh án điện tử tại các bệnh viện hạng 1 và trung tâm y tế các huyện: Tam Dương, Yên Lạc, Vĩnh Tường; giai đoạn 2024 – 2025 sẽ triển khai ở các cơ sở khám chữa bệnh công lập và tư nhân còn lại.
Đồng thời, hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh dựa trên các công nghệ số; ứng dụng công nghệ số toàn diện tại các cơ sở khám, chữa bệnh; sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử tiến tới không sử dụng bệnh án giấy, hình thành các bệnh viện thông minh.
Qua đó đảm bảo hạ tầng, lưu trữ, đường truyền, kết nối mạng và cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ triển khai chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong quản trị và hoạt động nghiệp vụ về y tế.
Hiện nay, hầu hết các cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh đã đầu tư, nâng cấp hạ tầng CNTT cơ bản đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. 100% đơn vị y tế tuyến tỉnh và tuyến huyện đã triển khai phần mềm quản lý bệnh viện với nhiều tiện ích như đăng ký KCB bằng hệ thống máy lấy số tự động, gọi tên người bệnh theo thứ tự; quản lý đơn thuốc. 100% cơ sở y tế đã thực hiện kết nối dữ liệu phục vụ công tác thanh, quyết toán chi phí KCB BHYT; triển khai thanh toán chi phí dịch vụ y tế điện tử, không dùng tiền mặt.
Đồng thời, áp dụng triệt để việc chuyển đổi số trong kết nối trực tuyến để đào tạo nâng cao nghiệp vụ, chuyển giao kỹ thuật theo hình thức cầm tay chỉ việc, hội chẩn từ xa với các chuyên gia tuyến Trung ương để xử lý những ca bệnh khó, thay cho việc chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.
Nâng cấp hạ tầng CNTT, đẩy mạnh các ứng dụng hiện đại
Là đơn vị tiên phong trong chuyển đổi số của ngành Y tế tỉnh, thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã đầu tư, nâng cấp hạ tầng CNTT, đẩy mạnh các ứng dụng như phần mềm HIS, LIS, phần mềm giám định bảo hiểm y tế của BHXH Việt Nam, phần mềm bệnh án điện tử; ứng dụng CNTT trong công tác quản lý vật tư, trang thiết bị y tế, hệ thống vận chuyển mẫu xét nghiệm tự động…
Để tạo thuận lợi trong thanh toán viện phí, cuối năm 2020, bệnh viện liên kết với các ngân hàng thực hiện thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. Từ tháng 8/2022 triển khai đăng ký khám bệnh online và qua tổng đài 1800.969.626, với trung bình 400 lượt người gọi đăng ký khám bệnh/ngày, chiếm 40% tổng lượng bệnh nhân tới khám, điều trị, giúp giảm tải thời gian chờ đợi, tăng mức độ hài lòng của người bệnh.
Trao đổi với phóng viên, BS CK II Tô Quang Hưng, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Sự dịch chuyển mạnh mẽ từ mô hình Bệnh viện truyền thống sang mô hình bệnh viện Internet, bệnh viện tại nhà, bệnh viện số đang được bệnh viện triển khai mạnh mẽ và đồng bộ.
Tháng 7/2022 bệnh viện bắt đầu triển khai đăng ký khám bệnh online trên webside và qua tổng đài miễn phí, có khoảng hơn 5.000 lượt gọi điện đăng ký khám bệnh online. Đa số người bệnh đều tỏ ra hài lòng về dịch vụ này, tuy nhiên số lượng người bệnh đăng kí khám online mới chỉ chiếm 15% so với lượt người bệnh đến khám mỗi ngày.
Hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PCAS) cũng là một trong những ứng dụng thông minh mà bệnh viện triển khai, cho phép lưu trữ trực tuyến toàn bộ dữ liệu chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ, người bệnh có thể xem trực tiếp ở bất cứ đâu.
Với mục tiêu đẩy mạnh chuyển đổi số, bệnh án điện tử và thực hiện ký số được bệnh viện áp dụng triển khai nhằm tích hợp tiện ích cho cán bộ y tế, người quản lý, tăng hiệu quả điều trị và an toàn cho người bệnh.
Bên cạnh đó, bệnh viện còn đầu tư máy xét nghiệm tự động, hệ thống trả kết quả xét nghiệm tự động, giúp giảm thời gian, cũng như các tài liệu này được lưu trữ tập trung và có hệ thống trong một tài khoản truy cập online được sở hữu và quản lý bởi người bệnh. Nhờ vậy, người bệnh có thể dễ dàng theo dõi các dữ liệu bệnh sử cá nhân qua các lần khám.
Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tam Dương Hà Minh Giám cho biết: "Thời gian vừa qua Bệnh viện đã triển khai rất nhiều nội dung liên quan đến chuyển đổi số. Bệnh viện đã đầu tư về cơ sở vật chất, đường truyền, nhân lực… tất cả đều đảm bảo tốt nhất cho công tác chuyển đổi số.
Hiện, trung tâm đang đẩy mạnh việc sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử, ứng dụng VNeID khi người dân đến làm thủ tục KCB BHYT thay cho thẻ BHYT giấy. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, trung tâm đã triển khai nâng cấp đường truyền, mạng máy tính; trang bị phần mềm, thiết bị đầu đọc thẻ căn cước công dân gắn chíp.
Mọi thủ tục đều được nhân viên y tế thao tác trên máy tính một cách nhanh chóng và chính xác, rút ngắn thời gian chờ đợi cho người dân, tạo thuận lợi cho các y bác sĩ, hạn chế tình trạng sai sót trong việc thăm khám, trả kết quả cho bệnh nhân".
Bằng việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý, khám, chữa bệnh, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh không chỉ giúp người bệnh giảm thời gian chờ đợi làm thủ tục, giấy tờ mà còn được hưởng các dịch vụ với chất lượng tốt.
Bên cạnh những ghi nhận tích cực trong chuyển đổi số, ngành y tế Vĩnh Phúc trong quá trình thực hiện cũng gặp phải không ít thách thức như: thiếu nguồn lực về tài chính, nhân lực cũng như hạ tầng công nghệ thông tin; thiếu sự đồng bộ về hạ tầng công nghệ thông tin, thiếu sự đồng bộ trong cả quy trình, quy định chung; Một số người dân vẫn chưa thực sự quan tâm tới các dịch vụ y tế số bởi họ chưa quen với cách thức vận hành mới; Hiện nay nhiều bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh vẫn chưa tìm được phần mềm giúp số hóa hiệu quả lượng giấy tờ, hóa đơn, chứng nhận xét nghiệm cũng như hồ sơ, bệnh án.
Dù vẫn còn nhiều thách thức trên chặng đường dài nhưng để thúc đẩy chuyển đổi số trong công tác khám, chữa bệnh, thời gian tới ngành Y tế Vĩnh phúc sẽ tăng cường đào tạo cho đội ngũ chuyên trách công nghệ thông tin tại các đơn vị y tế; đầu tư nâng cấp phần mềm quản lý khám chữa bệnh, hệ thống thông tin xét nghiệm và hệ thống phần mềm quản lý hình ảnh tập trung. Yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện đăng ký và tư vấn, khám chữa bệnh từ xa; thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, hướng tới bệnh viện không giấy tờ, bệnh viện thông minh.
Hà Anh