Ngày 9/5, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố báo cáo PCI và PGI 2023, trong đó ghi nhận những chuyển động tích cực trong môi trường kinh doanh Việt Nam từ góc nhìn của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Theo đó, các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đang trên đà phục hồi ổn định sau đại dịch Covid-19. Tỉ lệ doanh nghiệp FDI tuyển thêm lao động tăng từ 55,8% năm 2022 lên 59,9% năm 2023. Tình hình kinh doanh của doanh nghiệp FDI có sự cải thiện khá khả quan: Tỉ lệ doanh nghiệp FDI báo lãi trong năm 2023 tăng nhẹ lên mức 46,5%; tỉ lệ doanh nghiệp báo lỗ giảm xuống 42,3%.
Cùng với đó, gánh nặng thực thi quy định của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đã giảm bớt theo thời gian, với tỉ lệ doanh nghiệp gặp phiền hà trong việc thực hiện thủ tục hành chính tiếp tục xu hướng giảm của các năm trước. Cụ thể, tỉ lệ doanh nghiệp FDI gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục thuế giảm xuống 16% so với mức 27% năm 2022. Thủ tục về bảo hiểm xã hội đã giảm từ 15% năm 2022 xuống còn 8% năm 2023.
Cơ cấu ngành sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp FDI cũng có sự dịch chuyển tích cực sang các ngành công nghệ và dịch vụ chuyên sâu của kinh tế tri thức. Nhiều doanh nghiệp FDI hơn đã sử dụng hàng hóa, dịch vụ đầu vào từ doanh nghiệp trong nước. Tỉ lệ doanh nghiệp FDI sử dụng nhà cung cấp là các doanh nghiệp tư nhân trong nước đã tăng dần qua các năm, đáng chú ý là mức từ 63,3% năm 2022 lên 75% năm 2023.
Xu hướng đáng khích lệ này một phần đến từ nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp FDI kết nối với ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước, đồng thời là một chỉ báo quan trọng về khả năng hội nhập chuỗi cung ứng toàn cầu của doanh nghiệp trong nước đã có sự cải thiện.
Tuy nhiên, trong năm 2023, mức độ lạc quan của nhóm doanh nghiệp FDI bị giảm sút. Nguyên nhân được chỉ ra là có thể đến từ bối cảnh thế giới cộng hưởng với các lực thị trường giảm sút. Xung đột quân sự Ukraine và căng thẳng leo thang tại Trung Đông đã tạo ra những đứt gãy thương mại toàn cầu, gây bất ổn lớn trên thị trường quốc tế, những yếu tố có thể tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp xuất khẩu bởi chúng làm thay đổi các chuỗi cung ứng và tăng chi phí.
Năm 2023 Vĩnh Phúc là địa phương có tỉ lệ doanh nghiệp lạc quan về triển vọng mở rộng kinh doanh năm 2023 cao nhất, với 47,6%. Tuy nhiên, ngay cả ở địa phương dẫn đầu này, mức độ lạc quan cũng thấp hơn năm trước.
Mức độ lạc quan của doanh nghiệp FDI tại các địa phương lâu nay luôn là trung tâm công nghiệp như Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh lần lượt ở mức khiêm tốn 20,3 và 19,6%.
“Những con số thấp này có thể phản ánh tình trạng bão hòa thị trường hoặc sự dịch chuyển sản xuất tới nơi khác”, báo cáo của VCCI đánh giá.
Đáng chú ý, VCCI đánh giá, môi trường đầu tư Việt Nam từ sau năm 2023 nổi lên ba xu hướng quan trọng. Thứ nhất, chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ đã chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, mở ra cơ hội tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực kinh tế, đặc biệt các lĩnh vực công nghệ cao như bán dẫn và năng lượng tái tạo.
Thứ hai, dòng vốn FDI từ Trung Quốc đổ vào các tỉnh và khu kinh tế tại miền Bắc ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ. Xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung vẫn tiếp diễn, nhu cầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng ngày càng tăng và chi phí lao động ngày càng cao tại Trung Quốc, công xưởng lớn nhất thế giới.
Thứ ba, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Nhật Bản và Việt Nam đã ra Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ Việt-Nhật lên “Đối tác chiến lược toàn diện vì Hòa bình và Thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới”, đánh dấu cam kết hợp tác mạnh mẽ hơn nữa giữa hai nước trên các lĩnh vực khác nhau trong tương lai.