Theo thông tin từ Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc, tính đến giữa tháng 12/2022, toàn tỉnh có hơn 100 doanh nghiệp báo cáo kế hoạch thưởng Tết Nguyên đán Quý Mão.
Tết năm nay, mức thưởng tết bình quân ở các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc là hơn 4,6 triệu đồng/người, trong đó một doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có mức thưởng cao nhất lên tới 260 triệu đồng/người.
Cũng trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, phần lớn các doanh nghiệp dự kiến tặng quà Tết cho người lao động có giá trị 200.000 - 1.000.000 đồng/suất và tổ chức tiệc tất niên vào ngày thích hợp ở dịp cuối năm.
Một số doanh nghiệp dự kiến tổ chức khen thưởng lao động có nhiều thành tích trong lao động sản xuất, hỗ trợ một phần kinh phí hoặc bố trí ô tô đưa lao động ở xa về quê đón Tết.
Theo báo cáo của các doanh nghiệp, tiền lương doanh nghiệp thực trả năm 2022 trung bình đạt hơn 10,2 triệu đồng/người/tháng; thấp nhất là hơn 3,6 triệu đồng/người/tháng.
Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp nỗ lực tạo việc làm, trả lương đầy đủ cho người lao động, hiện vẫn còn một số doanh nghiệp khó khăn trong sản xuất, thậm chí trả lương lao động thấp và nợ lương.
Mức thưởng cho người lao động bình quân Tết Nhâm Dần của các doanh nghiệp trên địa bàn Vĩnh Phúc là trên 6,2 triệu đồng/người, tăng 300.000 đồng so với năm 2020. Doanh nghiệp FDI có mức thưởng tết cao nhất dịp Tết Nhâm Dần lên đến 342 triệu đồng/người. Cũng trong dịp Tết Nhâm Dần mức thưởng cao nhất của doanh nghiệp dân doanh là 140 triệu đồng/người; công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước 50 triệu đồng/người và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là 41,2 triệu đồng/người.
Báo cáo tình hình tiền lương và thưởng Tết Nguyên đán Quý Mão trước ngày 25/12
Trước đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vừa có văn bản yêu cầu lãnh đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội các tỉnh phải báo cáo tình hình tiền lương và thưởng Tết của doanh nghiệp đối với người lao động trước ngày 25/12.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội giao lãnh đạo các Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chủ động phối hợp với ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, Liên đoàn Lao động cấp tỉnh và các đơn vị liên quan, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp gặp khó khăn khi bị cắt đơn hàng, giảm việc làm của người lao động.
Từ tình hình thực tế, các đơn vị có giải pháp phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phục hồi, phát triển thị trường lao động.
Các Sở Lao động-Thương binh và Xã hội có trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, người sử dụng lao động trên địa bàn rà soát, thực hiện đúng chế độ, chính sách đối với người lao động như tiền lương, tiền thưởng và các chế độ phúc lợi khác đối với người lao động theo quy định.
Bên cạnh đó, các địa phương phải tăng cường thực hiện các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong các doanh nghiệp.
Đồng thời phải có các biện pháp thích hợp để ngăn ngừa, giảm thiểu các tranh chấp lao động, đình công phát sinh trên địa bàn.
Trường hợp có tranh chấp lao động, đình công phát sinh, các địa phương cần nhanh chóng nắm bắt tình hình, hỗ trợ các bên tiến hành đối thoại, thương lượng để giải quyết bất đồng.
Các địa phương không để đình công xảy ra kéo dài, lan truyền giữa các doanh nghiệp, gây ra tình trạng mất trật tự, an toàn xã hội, nhất là vào dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2023.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội yêu cầu các tỉnh khảo sát, nắm tình hình thực hiện quy định về lương tối thiểu, trả lương, tiền thưởng, nợ lương và kế hoạch thưởng Tết theo kết quả sản xuất, kinh doanh cho người lao động ở các doanh nghiệp… Báo cáo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trước ngày 25/12.
Hà Nội: Thưởng Tết nhiều ngành giảm sâu
Vừa qua, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội đã có thông tin về dự báo tình hình tiền lương, thưởng Tết trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2022.
Theo đó, trong bối cảnh dịch bệnh cơ bản được kiểm soát cùng với việc triển khai các giải pháp thích ứng an toàn trong tình hình mới, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp những tháng đầu năm 2022 đã có nhiều khởi sắc.
Với việc, Chính phủ ban hành Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022 quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, trong đó quy định mức lương tối thiểu tháng trả cho người lao động tăng bình quân xấp xỉ là 6%, do vậy, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội dự báo tiền lương bình quân chung của người lao động năm 2022 tăng khoảng từ 6 – 7% so với năm 2021.
Theo quy định của pháp luật, người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
Tuy nhiên, do tình hình kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp đã tác động trực tiếp đến tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp thiếu hoặc không có đơn hàng trong những tháng cuối năm phải cắt giảm giờ làm, giảm chỗ làm việc.
Do vậy, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội dự báo tiền thưởng Tết của người lao động trong một số ngành nghề bị tác động sẽ giảm hơn so với năm 2021. Trong đó, mức giảm sâu thuộc về các ngành nghề may, da giày, điện tử, chế biến gỗ.
T.M (tổng hợp)