Đến chợ Kiệu (Chấn Hưng, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) ngay sau khi sự việc một người phụ nữ bị nghi ngờ thôi miên cướp tài sản và trói vào gốc cây. Nhiều người dân tại Chấn Hưng vẫn hoang mang không biết vì sao người phụ nữ kia lại bị bắt trói.
Anh V. (một tài xế taxi tại chợ Kiệu) kể lại: “Sáng ngày 7/10, tôi thấy những người bán hàng tại chợ Kiệu quây xung quanh một người phụ nữ.
Nghe mọi người kháo nhau người phụ nữ này đã lừa tiền của một người trong chợ, chính vì thế mới bị bắt và trói vào gốc cây để giao cho công an xử lý. Người thì nói chị ta thôi miên cướp tài sản, nhưng có người lại bảo do xích mích làm ăn buôn bán với nhau. Người phụ nữ kia không phải là người dân ở đây”.
Chị T. bán hàng tại đây cũng cho hay, những người buôn bán tại chợ phát hiện ra một người phụ nữ có hành vi gian dối. Vì thế đã hô hoán nhau bắt lại. Sau đó, công an xã, công an huyện xuống và đưa người phụ nữ này đi điều tra. “Chúng tôi cũng không rõ nguyên nhân là gì. Phải chờ cơ quan công an xác minh rõ. Họ toàn là dân buôn bán với nhau”.
Để biết thêm thông tin, PV đã có cuộc nói chuyện với ông Nguyễn Xuân Phiến (Chủ tịch UBND xã Chấn Hưng, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc). Ông Phiến cho hay: “Sáng ngày 7/10 tôi cũng có nhận được tin báo về trường hợp một người phụ nữ bị bắt trói vào gốc cây vì nghi ngờ có thôi miên cướp tài sản. Ngay lập tức, tổ trực của Công an xã Chấn Hưng đã xuống hiện trường.
Được biết, người phụ nữ bị trói không phải người dân tại xã Chấn Hưng, đã có mâu thuẫn ở chợ Kiệu khoảng 2, 3 tháng trước. Bị bắt trói là do có mẫu thuẫn buôn bán với nhau chứ không phải thôi miên cướp tài sản như thông tin trên mạng xã hội đăng tải. Ngay sau đó, Công an huyện Vĩnh Tường đã đưa người phụ nữ kia về làm việc. Từ sự việc này, tôi mong người dân hết sức cảnh giác với những thông tin không được kiểm chứng”.
Trao đổi với PV báo điện tử Người Đưa Tin, Đại tá Ngô Dương Toàn, trưởng Công an huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết: “Sự việc người phụ nữ bị bắt trói vào gốc cây sáng ngày 7/10 tại xã Chấn Hưng không phải do thôi miên cướp tài sản. Còn người phụ nữ vì sao bị trói thì chúng tôi đang điều tra làm rõ, tạm thời chưa cung cấp được thông tin”.
Trước đó, ngày 7/10 mạng xã hội xôn xao clip cũng như hình ảnh về một người phụ nữ bị trói vào gốc cây tại xã Chấn Hưng (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc). Theo thông tin chia sẻ, người phụ nữ trung tuổi được cho là đã dùng thủ thuật thôi miên cướp tài sản trên địa bàn xã Chấn Hưng nên đã bị trói lại ở gốc cây ven đường.
Hiện vụ việc đang được Công an huyện Vĩnh Tường điều tra làm rõ.
Tự ý bắt, trói người là hành vi vi phạm pháp luật
Trước sự việc người phụ nữ bị bắt giữ và trói vào gốc cây tại Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, luật sư Phạm Văn Phất (Văn phòng luật sư An phát Phạm) cho rằng, trường hợp duy nhất mọi người được phép bắt trói người khác là khi người đó bị truy nã hoặc bắt người phạm tội quả tang theo quy định của luật tố tụng.
Ngoài ra, nếu không phải trường hợp đặc biệt mà tự ý bắt giữ thì được coi là bắt giữ người trái pháp luật. Hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền tự do, dân chủ của công dân. Quyền bất khả xâm phạm về thân thể là một trong những quyền tự do cá nhân rất quan trọng của công dân, đã được quy định trong Hiến pháp 2013.
Theo quy định tại điều 123 Bộ Luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung ngày 19/06/2009 thì Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật được quy định như sau:
- Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm: Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Đối với người thi hành công vụ; Phạm tội nhiều lần; Đối với nhiều người.
- Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.
- Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.