Quá khứ vinh quang
Sinh năm 1939 tại xã Lũy Lộc, nay là xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế, ông Trần Xuân Giá được nhiều thế hệ học trò và đồng nghiệp đánh giá là người có "chất Huế" điển hình. Ông nhẹ nhàng, khéo léo những cũng vô cùng quyết đoán. Ông cũng rất nhiệt tình và niềm nở với hầu hết mọi người, ngay cả khi đang đảm nhiệm những chức vụ cao cấp trong Chính phủ.
Ông TRần Xuân Giá
Tốt nghiệp Cử nhân kinh tế năm 1966 ở Đại học Kinh tế Quốc dân Plekhanob (Moscow), ông Giá trở về Việt Nam và tham gia giảng dạy ở trường Đại học Kinh tế Quốc dân từ năm 1966. Đến năm 1977, sau hơn 10 năm giảng dạy và 2 năm hoàn thành luận án tiến sĩ (cũng tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân Plekhanob), ông được tiến cử vào vị trí chủ nhiệm khoa Vật giá của trường đại học này.
Gần 20 năm đứng lớp, ông Giá được nhiều thế hệ giáo viên và sinh viên nhà trường yêu mến bởi tình yêu và sự nhiệt huyết của mình với công việc. Ông cũng được đánh giá là người rất công bằng, tiên phong trong nhiều phương pháp giảng dạy. Đến năm 1989, vị tiến sĩ kinh tế giữ chức chủ nhiệm Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng. Năm 1993 ông làm phó chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, sau đó là thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ông giữ chức bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu từ năm 1996 đến năm 2001 và cũng là đại biểu Quốc hội khóa X (1997 - 2002) thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội Thừa Thiên - Huế. Ông Trần Xuân Giá có học hàm phó giáo sư.
"Sinh nghề tử nghiệp"
Với quá khứ đầy vinh quang như vậy, tuy nhiên, điều khiến vị cựu bộ trưởng "ghi điểm" trong lòng công luận chính là việc góp công lớn khởi thảo ra Luật Doanh nghiệp của Việt Nam, một Bộ luật được cho là đã đưa doanh nghiệp Việt Nam từng bước thâm nhập vào thị trường quốc tế.
Năm 1997, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á nổ ra đã có nhiều tác động đến nền kinh tế Việt Nam, tăng trưởng GDP giảm xuống mức dưới 5%. Chính trong giai đoạn này, nền kinh tế ghi nhận việc Bộ luật Doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung được triển khai quyết liệt và được đánh giá là chìa khóa vàng đưa doanh nghiệp Việt Nam từng bước tiến ra thị trường quốc tế.
Sau đó, nền kinh tế Việt Nam nhanh chóng thoát khỏi khủng hoảng. Dù những tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới thời điểm đó tới Việt Nam là không nhiều nhưng các chuyên gia tài chính hàng đầu thế giới vẫn đánh giá rất cao khả năng phản ứng và xử lý khủng hoảng của Việt Nam. Sự bứt phá có tính thần tốc của nền kinh tế Việt Nam những năm sau đó tiếp tục khẳng định sự đúng đắn trong việc thực hiện các chính sách kinh tế của Việt Nam, dấu ấn của Luật Doanh nghiệp càng ngày càng in đậm trong mọi hoạt động của nền kinh tế đất nước.
Sau khi hoàn thành xuất sắc vai trò bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư với nhiều dấu ấn quan trọng ghi dấu trong nền kinh tế, năm 2003, ông được bổ nhiệm vào cương vị trưởng ban Nghiên cứu của Thủ tướng, giúp việc cho Thủ tướng Phan Văn Khải. Trên cương vị này, ông cũng có nhiều đóng góp quan trọng trong việc xây dựng, ban hành các chính sách kinh tế và điều hành trực tiếp nền kinh tế có tốc độ thu hút đầu tư nước ngoài hàng đầu thế giới. Ban nghiên cứu do ông làm trưởng ban đã có nhiều đóng góp, nhận xét, thẩm định cho các chính sách kinh tế vĩ mô góp phần quan trọng tạo tiền đề đưa nền kinh tế đất nước bước vào giai đoạn phát triển kinh tế chưa từng thấy.
Sau khi về hưu, ông Giá gia nhập Ngân hàng Á Châu ACB vào tháng 11/2006 với tư cách cố vấn HĐQT. Hai năm sau, ông lên giữ chức chủ tịch HĐQT ngân hàng này cho đến ngày 19/9/2012, ông Trần Xuân Giá đã từ nhiệm chức vụ vì lý do sức khỏe, và vì liên quan tới vụ việc của nguyên tổng giám đốc Lý Xuân Hải. Trong thông tin của ngân hàng ABC, ông Giá nằm trong số các thành viên có liên quan đến việc phê chuẩn cho ông Lý Xuân Hải ủy thác 19 nhân viên ngân hàng nhận 718 tỷ đồng của ACB để gửi vào Ngân hàng Công Thương Việt Nam.
Ngày 27/9, ông Trần Xuân Giá bị khởi tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Tiểu Long