Cụ thể, tại 3 tỉnh thành ở Campuchia giáp biên giới với Việt Nam là Tbong Khmum, Ta Keo và Kampot đã xuất hiện những ca bệnh đầu tiên do virus Chikungunya gây ra. Đây là loại virus lây truyền từ muỗi Aedes aegypti, có nguồn gốc từ Campuchia.
Trao đổi với phóng viên tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật, bác sĩ Ngô Việt Hùng (chuyên gia độc lập về các bệnh nhiễm trùng và nhiệt đới; nguyên Trưởng khoa Truyền nhiễm, bệnh viện Hữu nghị Việt-Tiệp Hải Phòng) cho biết: “Bệnh do virus Chikungunya đã có từ rất lâu, người ta tìm ra virus này năm 1952. Khoảng năm 1976 nó quay lại Châu Á làm người ta lầm tưởng là virus gây bệnh sốt xuất huyết vì bệnh cảnh rất giống sốt xuất huyết Dengue. Virus Chikungunya lây từ người sang người qua trung gian truyền bệnh giống Dengue virus, đó là Aedes aegypti - một loại muỗi nhà thường đốt người vào ban ngày. Muỗi này thường đẻ ở nước trong như trong các dụng cụ chứa nước, bình hoa,…”.
Trước hoang mang và lo ngại độ nguy hiểm của loại virus này có thể tạo ra đại dịch thứ 2 giống virus SARS-COV-2, bác sĩ Hùng thông tin: “Chưa có tài liệu khoa học nào chứng minh virus này đồng nhiễm với virus SARS-CoV-2”.
Với các triệu trứng phổ biến là: Sốt, đau khớp, đau cơ, nhức đầu, buồn nôn, mệt mỏi và phát ban, nhiều người dân đang nhầm lẫn bệnh do virus Chikungunya với sốt xuất huyết. Lý giải về vấn đề này, bác sĩ Hùng khuyên người dân cần thực hiện vệ sinh, khử trùng nhà cửa sạch sẽ, tránh tồn đọng nước tạo môi trường sinh sôi của muỗi Aedes aegypti tại các vật dụng trong gia đình: “Phòng bệnh do virus Chikungunya gây ra giống với phòng sốt xuất huyết Dengue. Nếu diệt muỗi, bọ gậy tốt thì không có dịch. Khu vực lưu hành muỗi Aedes aegypti như ở miền Tây Nam bộ, giáp Campuchia, miền tây hay trữ nước bằng lu nên nhiều muỗi”.
Bác sĩ Hùng khuyên người dân cần tìm hiểu kỹ các thông tin về bệnh, tránh tình trạng hoang mang và lo lắng thái quá: “Bệnh do virus Chikungunya gây ra ít biến chứng và tự khỏi. Bệnh sẽ nguy hiểm khi người mắc có bệnh tim mạch, hô hấp, thần kinh, trẻ sơ sinh và người bị suy giảm miễn dịch. Tỉ lệ tử vong tuỳ theo vụ dịch và địa phương có dịch. Có vụ dịch tỉ lệ tử vong tới hơn 10%. Chẩn đoán xác định dựa vào RT-PCR phát hiện RNA của virus hoặc phát hiện kháng thể đặc hiệu của nó. Bệnh do virus này gây ra không có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ điều trị triệu chứng”.
Hải Yến