Ngày 13/2, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, bệnh do virus Marburg có tỷ lệ tử vong lên tới 88%, hiện chưa có vaccine hoặc phương pháp điều trị nào được phê duyệt. Bộ trưởng Y tế Guinea Xích đạo, ông Mitoha Ondo'o Ayekaba, nói các ca tử vong có liên quan đến một lễ tang ở quận Nsok Nsomo, tỉnh Kie-Ntem.
Cơ quan y tế địa phương ban đầu báo cáo về một căn bệnh không xác định, gây các ca sốt xuất huyết ngày 7/2. Giới chức gửi các mẫu xét nghiệm đến một phòng thí nghiệm ở Senegal. Tại đây, các nhà khoa học xác nhận virus Marburg là nguyên nhân đợt bùng phát.
Giới chức đang truy vết tiếp xúc và cách ly điều trị các trường hợp nghi nhiễm. Tiến sĩ Matshidiso Moeti, giám đốc khu vực châu Phi của WHO, cho biết: "Nhờ các hành động nhanh chóng và quyết đoán của chính quyền Guinea Xích đạo, các phản ứng khẩn cấp đã phát huy hiệu quả tối đa".
Đến nay, quốc gia châu Phi đã cách ly hơn 200 người, áp đặt hạn chế di chuyển đối với tỉnh Kie-Ntem. Nước láng giềng Cameroon cũng hạn chế di chuyển dọc biên giới vì lo ngại virus sẽ lây lan.
Ngoài 9 trường hợp tử vong, Guinea Xích đạo đã báo cáo 16 trường hợp nghi nhiễm virus Marburg. Các triệu chứng bao gồm sốt, mệt mỏi, nôn mửa và tiêu chảy, WHO cho biết.
Hầu hết vụ bùng phát virus Marburg và Ebola trước đây đều có nguồn gốc từ vùng cận Sahara ở Trung và Tây Phi. Chúng hiếm gặp, rải rác và được ngăn chặn phần vì xảy ra ở các khu vực biệt lập.
Virus Marburg là gì và lây nhiễm như thế nào?
Giống như Ebola, virus Marburg bắt nguồn từ loài dơi và lây lan giữa người với người qua tiếp xúc với máu hoặc chất dịch cơ thể người bệnh (nước tiểu, nước bọt, mồ hôi, phân, chất nôn, sữa mẹ, nước ối, tinh dịch) hoặc bề mặt nhiễm virus (quần áo, khăn trải giường, kim tiêm, thiết bị y tế).
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, virus Marburg gây ra một loại sốt xuất huyết có thể ảnh hưởng đến các cơ quan của cơ thể và làm chảy máu.
Loại virus hiếm gặp này được xác định lần đầu tiên vào năm 1967 sau khi gây ra các đợt bùng phát dịch bệnh đồng thời tại các phòng thí nghiệm ở Marburg, Đức và Belgrade. 31 người đã phơi nhiễm trong khi tiến hành nghiên cứu khỉ bị bệnh và 7 người đã chết.
Triệu chứng của Virus Marburg
Theo WHO, thời gian ủ bệnh từ 2 ngày đến 3 tuần. Các triệu chứng bắt đầu đột ngột với sốt dữ dội và đau đầu. Vài ngày sau khi khởi phát, nhiều bệnh nhân nôn mửa, tiêu chảy và đau bụng kéo dài tới một tuần.
Các trường hợp nặng có kèm theo chảy máu trong tuần đầu tiên như nôn ra máu hoặc đi ngoài ra máu. Một số người chảy máu nướu răng, mũi và cơ quan sinh dục.
Bệnh có thể lan đến hệ thần kinh khiến người mắc trở nên lú lẫn, dễ cáu gắt và hung dữ.
WHO nói thêm các trường hợp tử vong thường đi kèm với mất máu nghiêm trọng và sốc.
Phương pháp điều trị
CDC thông tin hiện chưa có vắc xin và cách điều trị đặc hiệu cho bệnh Marburg. Tuy nhiên, việc chăm sóc hỗ trợ sớm, bù nước và điều trị triệu chứng giúp cải thiện tình trạng, tăng cơ hội sống sót. Ngoài ra, các nhà khoa học đang nghiên cứu vắc xin và một loạt các liệu pháp để điều trị bệnh bằng thuốc, sản phẩm máu, miễn dịch.
Tỷ lệ ca tử vong do căn bệnh trên dao động từ 23% tới 90%. Trong một đợt bùng phát năm 2004 ở Angola, virus Marburg đã giết chết 90% trong số 252 người mắc bệnh. Năm 2022, hai trường hợp tử vong do Marburg được ghi nhận ở Ghana.
Lam Anh (t/h theo VietNamNet, Vnexpress)