Ngày 13/2, Guinea Xích Đạo (một quốc gia ở bờ biển phía tây của Trung Phi) đã xác nhận đợt bùng phát bệnh đầu tiên do virus Marburg, sau cái chết của ít nhất 9 người ở tỉnh Kie Ntem phía tây đất nước này.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh do virus Marburg - một bệnh có độc lực cao - gây sốt xuất huyết, với tỉ lệ tử vong cao. Hiện chưa có vắc-xin hoặc phương pháp điều trị đặc hiệu đối với bệnh do virus Marburg.
Trao đổi với Dân Trí, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) cho biết virus Marburg lần đầu tiên được phát hiện trên người vào năm 1967. Một nhóm nghiên cứu bắt khỉ về phòng thí nghiệm, virus này đã từ khỉ lây sang người. Vụ việc xảy ra tại phòng thí nghiệm Marburg và Frankfurt, Đức và ở Belgrade, Nam Tư cũ (nay là Serbia), tỉ lệ tử vong khá cao. Khi đó, họ đã khoanh vùng và khống chế được vụ dịch này. Sau đó, tại châu Phi vẫn có những vụ dịch lẻ tẻ lây từ động vật sang người.
Biểu hiện của bệnh do virus Marburg cũng giống như các sốt virus thông thường có sốt, đau đầu, buồn nôn tuy nhiên sau đó tiến triển nặng nhanh chóng, rối loạn đông máu, có thể suy đa phủ tạng, tử vong. Nguy cơ tử vong tương đối nhanh, tương tự như virus Ebola, có thể tử vong sau một vài ngày.
"Đặc điểm của virus Marburg là khi lây bệnh thì tỉ lệ tử vong khá cao, thậm chí đến 70-80%. Chính vì vậy với người mắc bệnh, đây là một bệnh cực kỳ nguy hiểm, nhưng đối với cộng đồng, bệnh do virus Marburg gây ra không có nhóm bệnh triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng, do đó căn bệnh này khó có thể lan rộng như những bệnh có nhóm triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng.
Ngoài ra, khi nhiễm virus Marburg, bệnh nhân thường nặng, nằm bệt một chỗ nên sẽ khó lây hơn, nhất là trên phạm vi vùng, quốc gia. Nhìn chung, tỉ lệ lây vi rút Marburg thấp hơn so với nhóm bệnh có thời gian ủ bệnh dài hoặc bệnh không có triệu chứng", bác sĩ Cấp thông tin với Sức khỏe & Đời sống.
Nhận định về khả năng virus Marburg lây lan ở Việt Nam, PGS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa y tế công cộng, Trường đại học Y Dược Tp.HCM cũng cho rằng, do virus chủ yếu lưu hành ở động vật (các loài khỉ, vượn và dơi) ở vùng dịch lưu hành (vùng nam của sa mạc Sahara) nên khả năng lây lan từ động vật sang người Việt Nam là không có, trừ trường hợp nhập lậu động vật hoang dại.
Với nguồn lây từ con người, PGS Dũng cho hay chủ yếu là do tiếp xúc của da và niêm mạc với dịch tiết như nước bọt, mồ hôi, chất nôn ói, phân, nước tiểu, máu, sữa và tinh dịch của người bệnh (còn sống hay đã chết). Nhưng người bệnh thường có triệu chứng và được cách ly theo quy định. Vì vậy khả năng bị lây của người Việt Nam do tiếp xúc từ người cũng rất thấp.
Tuy nhiên cần lưu ý là nhiều loại virus (trong đó có vi rút Ebola và Marburg) có khả năng tồn tại trong tinh hoàn sau khi người bệnh hết bệnh, nên virus có thể hiện diện trong tinh dịch khoảng 2 tháng sau khi mắc bệnh.
"Việc giáo dục tránh quan hệ tình dục với người có sống ở vùng dịch nếu không rõ tiền sử y khoa của những người này cũng là điều quan trọng để giảm bệnh lây lan", PGS Dũng nhấn mạnh.
Theo Tuổi Trẻ Online, trước tình hình này, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) thông tin bệnh do virus Marburg là bệnh rất hiếm gặp ở người và hiện chưa xuất hiện tại Việt Nam, nhưng người dân cần thường xuyên theo dõi, cập nhật các khuyến cáo của ngành y tế để chủ động phòng chống căn bệnh này.
Minh Hoa (t/h)