Sĩ Thanh - cô gái có cái tên chẳng còn xa lạ gì trong cộng đồng teen Việt vài năm trở lại đây, với những vai trò quen thuộc như một MC năng nổ, một VJ hài hước, và hình tượng ca sĩ quyết rũ, ngọt ngào.
Tuy nhiên, chẳng mấy ai biết được, một cô gái "nóng bỏng" tưởng chừng như đang bám sát nút vào con đường nghệ thuật ấy, khi đứng phía sau hậu trường, lại đảm nhận một công việc cực kỳ khô khan và hoàn toàn trái ngược với những hình tượng mà cô đã xây dựng bấy lâu. Đó chính là công việc của một Kiểm soát viên không lưu không nở nụ cười, và hoàn toàn nghiêm túc.
Thoạt đầu khi mới lên kế hoạch cho buổi phỏng vấn, mọi người khá lo lắng vì sợ Sĩ Thanh sẽ bận bịu với lịch làm việc dày đặc này. Nhưng không ngờ, sau cú điện thoại đầu tiên vào buổi tối, cô nàng liền sắp xếp cho tôi lịch hẹn vào ngay sáng sớm hôm sau, do hiếm hoi được trống lịch một ngày. Nó làm tôi có cảm giác cô gái này thật sự rất nhanh nhẹn, quyết định cái gì cũng mau mắn, nó không giống với hình tượng một cô VJ thỉnh thoảng hay làm nũng và dịu dàng trên truyền hình thường ngày.
Chào Thanh, hôm nay bạn được "off" hoàn toàn chứ?
Có lẽ là thế. Nhưng lỡ xui xui mà nhận được lịch quay, hay lịch trực đột xuất thì Thanh cũng phải tranh thủ sắp xếp để đi thôi. Làm mấy công việc thế này đôi khi bản thân mình cũng khó chủ động được thời gian lắm. Thanh chỉ có thể rảnh lúc nào là làm ngay việc đấy, chứ không thích chần chừ.
Cái gì cũng làm quyết đoán vậy, liệu đó có phải là cách mà Thanh rút ngắn thời gian để có thể làm được 3, 4 công việc cùng một lúc?
Đó đã là tính cách của Thanh rồi, nên dù làm gì Thanh cũng luôn tranh thủ giải quyết thật nhanh chóng và gọn gàng. Thanh quan niệm thời gian còn quý hơn vàng, nên trong một ngày mình cứ lên trước lịch trình như: sáng quay ở đâu, chiều dẫn chương trình gì, rồi tối có kế hoạch ra sao thì cứ làm theo đó một cách xuyên suốt. Có kế hoạch rõ ràng, công việc cũng làm thuận lợi, trôi chảy hơn rất nhiều. Đôi khi Thanh còn biết được mình rảnh được bao nhiêu thời gian để mà giải trí, hoặc làm công việc yêu thích.
Với Thanh, VJ và MC chính là hai công việc mà mình yêu thích. Còn Kiểm soát viên không lưu là nghề mà Thanh muốn dành nhiều thời gian hơn để có thể tập trung vào nó. Bởi tính chất công việc này khá là áp lực, một khi đã vào nơi làm việc là Thanh chẳng còn màng, hay nhớ gì đến mọi thứ xung quanh.
Thanh hãy giới thiệu sơ vài điều về một Kiểm soát viên không lưu, công việc này nghe cũng có vẻ khá mới mẻ nhỉ?
Thật ra nó chẳng phải là nghề mới gì đâu, từ khi máy bay bắt đầu trở thành một dạng dịch vụ, thường xuyên bay đi, bay về là đã có Kiểm soát không lưu rồi. Bởi một máy bay trước khi muốn cất cánh hay hạ cánh, hoặc đơn giản chỉ là việc di chuyển vào sân bay, tìm bãi đáp,... cũng phải cần đến những Kiểm soát viên không lưu để được cung cấp các thông tin, dữ liệu về thời tiết, độ cao,... phù hợp. Nhiều người lầm tưởng Kiểm soát không lưu là nghề mới, vì ít được nghe nhắc tới. Thậm chí vài người bạn của Thanh lúc đầu cũng hỏi: "Rốt cuộc là mày làm cái gì trong ngành Hàng không? Bảo vệ chuyên đi kiểm tra ở sân bay hay là mấy cô ngồi bàn check hành lý?".
Thường các Kiểm soát không lưu sẽ ngồi trên một tòa tháp cao trong sân bay để quan sát. |
Nghe vậy Thanh chỉ biết bật cười, nhưng trong lòng có hơi "xót" nhẹ khi mọi người nói về cái nghề mà mình làm 4, 5 năm nay mà chả ai biết tới. Trái ngang thay, những người làm công việc như Thanh đều được xếp vào dạng quan trọng nhất tại sân bay. Đơn giản với một vài ví dụ thế này cho các bạn dễ hiểu.
Hàng ngày tại sân bay Tân Sơn Nhất có đến hàng nghìn chuyến đi lẫn về, từ nội địa cho đến quốc tế. Nhưng có bạn nào từng thắc mắc tại sao những chiếc máy bay ấy có thể biết chính xác thời gian họ phải cất cánh và hạ cánh, hoặc mấy ông phi công có thể né được các chiếc máy bay khác khi tất cả đều cùng ở một vùng trời? Hay là bạn nghĩ, cứ thấy máy bay nào ở phía trước là chỉ cần quay bánh lái, giống như đang chạy xe bon bon dưới mặt đất thôi? Hoặc tại sao rất hiếm thấy những trường hợp máy bay bị tai nạn, hay đâm nhau trên trời, còn giao thông ở mặt đất mỗi ngày có đến hàng trăm vụ?
Tất cả những câu hỏi ấy, Thanh có thể trả lời đó chính là nhờ vào sự sắp xếp và kiểm soát của những Kiểm soát viên không lưu. Thậm chí việc nắm rõ về thời tiết, nhiệt độ, hướng gió thay đổi từng phút, Thanh cũng phải cập nhật để liên tục thông báo cho các phi công đang thực hiện chuyến bay.
Nghe Thanh kể sơ qua thôi mà đã có cảm giác "đuối" quá. Vậy áp lực và yêu cầu hẳn sẽ rất cao?
Công cụ của một Kiểm soát viên không lưu chủ yếu là một máy bộ đàm để liên lạc với phi công, và bộ máy ra đa hiển thị trên máy tính. Cái mà màu xanh xanh, chớp nháy liên tục giống như trong phim các bạn hay xem đấy. Chúng liên tục quét tìm, rồi định vị vị trí của các máy bay đang ở ngoài vùng trời. Khi máy bay di chuyển tới đâu thì máy sẽ hiển thị thông số, tọa độ khác nhau, và còn khá nhiều thuật ngữ khác trong nghề nữa.
Chính vì vậy khi xin vào làm công việc này, bạn phải học giỏi những môn như Toán, Lý, Hóa, vì các thông số này đều liên quan đến chúng. Ngoài ra tiếng Anh cũng là một môn cực kỳ quan trọng, khi các Kiểm soát không lưu thông báo với phi công, tất cả chỉ được giao tiếp với nhau bằng tiếng Anh chứ không được dùng bất cứ loại ngôn ngữ nào khác. Khoảng thời gian Thanh xin việc, họ yêu cầu điểm tiếng Anh ở mức: TOEIC - 405; IELTS - 4.0; TOEFL CBT - 123; TOEFL IBT.41.
Do áp lực cao, nên phần lớn những người làm công việc này là nam giới. Hiện ở sân bay Tân Sơn Nhất miền Nam, tính riêng trong bộ phận Kiểm soát không lưu chỉ có khoảng 20 nữ trên tổng hơn 500 nhân viên. Đây là nơi làm việc của Sỹ Thanh |
Mỗi ngày Thanh còn phải phải căng mắt ra quan sát trên máy liên tục, nhìn vào lịch trình rồi sắp xếp các chuyến bay làm sao cho chúng cách nhau tối thiểu là 10 phút để đảm bảo không bị đụng vào nhau. Vì chỉ cần Thanh rời mắt đi một chút, hoặc sai 1 con số thì thật sự chẳng dám nghĩ tới chuyện gì sẽ xảy ra nữa.
Tính chất công việc căng thẳng như thế, nên một Kiểm soát viên không lưu chỉ làm việc trong khoảng 4 ngày/tuần. Mỗi ngày, Thanh cũng chỉ làm việc trong vòng 6 tiếng đồng hồ, cứ sau 2 tiếng là lại được nghỉ ngơi 1 tiếng để thư giãn tại phòng. Ở đây, mọi người không được ăn uống hay dư dả thời gian mà tám chuyện với nhau như mọi người hay thấy Thanh trên tivi đâu. Ai cũng nghiêm túc, chỉ nói chuyện với nhau những lúc cần thiết. Hoặc may mắn vào những mùa ít chuyến bay thì không khí tại phòng làm việc có phần bớt căng hơn.
Bù lại mức lương của nghề này tương đối cao so với các công việc khác. Hiện một Kiểm soát viên không lưu có thể nhận được khoảng 10 triệu/tháng, và còn những đãi ngộ khác nữa.
Ít ai nghĩ một cô gái trẻ, năng động như Sĩ Thanh lại đang làm một công việc "nặng ký" khác. |
Nhưng công việc này có vẻ lại khá an toàn so với phi công hoặc tiếp viên hàng không, Thanh nhỉ?
Nếu bạn đang so với trường hợp bị tai nạn mà gặp nguy hiểm thì đúng là như vậy. Vì Kiểm soát không lưu như Thanh chỉ ngồi một chỗ trên tòa tháp để quan sát chứ chẳng đi đâu. Nhưng nói về mức độ ảnh hưởng chung, Thanh thấy các nhân viên ở bộ phận này mới đáng lo hơn đấy chứ, vì máy móc thường xuyên phát ra từ trường, nó ảnh hưởng đến sinh lý của mọi người rất nhiều.
Ngoài ra, công việc này đòi hỏi áp lực cực kỳ cao, đôi khi sẽ xảy ra những tình huống bất ngờ và nguy hiểm. Bạn cần phải có "tinh thần thép" để giữ được sự bình tĩnh mà xử lý. Từng có không ít bạn than với mình rằng làm thủ tục xin việc cực khó, đặc biệt là phần sức khỏe yêu cầu bạn phải kiểm tra Hệ thần kinh tâm thần, tim, hô hấp và thị giác ở mức gần như là tuyệt đối.
Hơn 4 năm làm việc, chắc là Thanh đã từng gặp phải những tình huống bất ngờ?
Thanh gặp đúng 1 lần và bị ám ảnh, mất ăn mất ngủ trong vòng 1 tháng. Lần đó do phi công của một chuyến bay đột ngột thay đổi giờ cất cánh mà không thông báo trước cho Kiểm soát viên, vào đúng lúc đó đang là giờ trực của mình. Tự nhiên Thanh nhìn vào màn hình hiển thị thì thấy chiếc máy bay này đang ở khoảng cách khá gần với một chiếc máy bay khác. Thanh ngay lập tức kiểm tra thông số rồi đưa lệnh thay đổi độ bay cho 2 phi công. Cũng may mọi thao tác đều đủ thời gian nên không hề có bất cứ tổn tại nào xảy ra. Nhưng nếu Thanh phản ứng chậm một chút, thì hậu quả... chắc mọi người cũng có thể tưởng tượng ra.
Mọi người trong nghề thường bảo nhau thế này, Kiểm soát viên không lưu cũng giống với làm cảnh sát giao thông ở dưới mặt đất vậy. Họ chịu trách nhiệm kiểm tra và kiểm soát lưu lượng phương tiện. Nhưng thay vì ở dưới mặt đất bạn mà bị gặp tai nạn thì đó là lỗi ở bạn. Còn ở trên không, nếu có trường hợp bất trắc gì xảy ra, thì Kiểm soát viên không lưu là người có trách nhiệm và bị điều tra đầu tiên. Khi đi làm, lúc nào Thanh cũng bị đè trên vai áp lực rằng, mình thật sự đang giữ và đảm bảo tính mạng của hàng trăm con người đang ở trên máy bay.
Vậy giữa Kiểm soát viên không lưu và các công việc trong ngành Nghệ thuật, Thanh "mặn mà" với nghề nào nhất?
Gia đình thích mình làm những công việc ổn định như Kiểm soát viên không lưu vậy. Nhưng công việc này áp lực quá cao. Vì thế Thanh phải tìm những thứ khác thư thái hơn, vui vẻ hơn để giúp mình cân bằng lại mực sống. Đó là ca hát và làm VJ truyền hình, như hiện tại Thanh vẫn đang làm.
Cám ơn những điều mà Thanh đã chia sẻ. Chúc Thanh sẽ thật thành công trên con đường tương lai.
Theo Kenh 14/ Tri thức trẻ