Sáng 23/11, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử vụ án Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, xảy ra tại ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam - Chi nhánh TP.HCM (Eximbank TP.HCM).
6 bị cáo trong vụ án bị truy tố liên quan đến vụ việc khách hàng mất hàng trăm tỷ đồng tiền tiết kiệm gửi tại Eximbank TP.HCM, gồm: Hồ Ngọc Thủy (SN 1986, quê tỉnh Khánh Hòa), Nguyễn Thị Ngọc Trâm (SN 1984, quê Bình Thuận), Trần Nguyễn Xuân Lan (SN 1981, ngụ TP.HCM), Nguyễn Thị Thi (SN 1978, quê tỉnh Khánh Hòa), Cao Lan Phương (SN 1980, quê tỉnh Ninh Thuận) và Lương Quốc Anh (SN 1986, ngụ TP.HCM).
Đây là nhóm bị cáo đã giúp sức cho Lê Nguyễn Hưng – nguyên Phó giám đốc Eximbank TP.HCM chiếm đoạt 264 tỷ đồng trong 13 sổ tiết kiệm của 3 khách hàng là bà Chu Thị Bình, Phùng Thị Phẩm và Lê Thị Minh Quí.
Trong phiên tòa hôm qua, các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội, nhưng cho rằng chỉ làm theo chỉ đạo chứ không ý thức được hành vi của mình là sai trái.
Bà Chu Thị Bình ra tòa với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã đề nghị Eximbank phải hoàn trả cho mình số tiền trên 300 tỷ đồng mà ngân hàng này đang giữ của bà trong 3 sổ tiết kiệm.
Tại phiên tòa sáng nay (23/11), đại diện VKSND TP.HCM thực hành quyền công tố nhận định, các bị cáo đã thực hiện không đúng quy trình thủ tục, dẫn đến việc Lê Nguyễn Hưng chiếm đoạt tiền của các khách hàng. Hành vi của các bị cáo đã cấu thành tội Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Do đó, VKS đã đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Thủy từ 5 - 6 năm tù; bị cáo Trâm và Thi cùng mức án từ 2 năm 6 tháng đến 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo; bị cáo Lan, Phương, Anh cùng mức án từ 2 năm đến 2 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Về trách nhiệm dân sự, VKS đề nghị Eximbank có trách nhiệm hoàn trả tiền gốc và lãi trong ba sổ tiết kiệm chưa được tất toán cho bà Chu Thị Bình. Với 2 khách hàng Thẩm và Quí, do Eximbank đã tất toán nên không xem xét.
Trình bày quan điểm bảo vệ quyền lợi cho Eximbank, luật sư đại diện của ngân hàng này cho rằng, trong vụ án này Eximbank cũng là bị hại. Eximbank không có một chỉ đạo nào trong việc Hưng thuyết phục khách hàng ký vào giao dịch.
Đồng thời, luật sư phía Eximbank cũng đề nghị HĐXX xem xét một phần trách nhiệm của khách hàng Chu Thị Bình.
“Bà Bình sơ suất ký giấy ủy quyền ông Hưng đưa cho bà khi giấy chưa điền đầy đủ thông tin. Bà Bình không xem kỹ mà vẫn ký. Không có cơ sở pháp lý để lấy lý do bà Bình quá tin tưởng ông Hưng mà mất cảnh giác để lừa đảo, lợi dụng niềm tin để chiếm đoạt tiền. Nếu khách hàng thận trọng thì hành vi ông Hưng đã bị phát giác”, luật sư đại diện của Eximbank lập luận.
Về lập luận trên, luật sư bảo vệ quyền lợi cho bà Chu Thị Bình không đồng tình. Theo luật sư này, bà Bình tin tưởng Hưng bởi Hưng là Phó Giám đốc 1 chi nhánh ngân hàng.
Và mặc dù có chữ ký của bà Bình trên giấy ủy quyền nhưng nếu nhân viên Eximbank thực hiện đúng quy định về trình tự thủ tục lập ủy quyền, lập chứng từ rút tiền và rút quỹ tiền mặt, thì Lê Nguyễn Hưng không thể thực hiện hành vi rút tiền trong tài khoản tiết kiệm của bà Bình.
Trình bày bổ sung, bà Bình cho biết hiện Eximbank mới chỉ trả lại cho bà 59 tỷ đồng. Còn 245 tỷ đồng tiền gốc, Eximbank tạm ứng vào 3 sổ tiết kiệm của bà, nhưng số tiền này bà không thể sử dụng. Bà Bình yêu cầu Eximbank phải tất toán toàn bộ các khoản gửi của bà tại ngân hàng này, đồng thời phải trả thêm lãi phát sinh cho bà, với tổng số tiền cả gốc và lãi là trên 300 tỷ đồng.
Kết thúc phần tranh luận, HĐXX tuyên bố nghỉ nghị án và sẽ tuyên án vào 15h chiều nay.