Ngày 14/6, TAND tỉnh Hòa Bình tiếp tục phiên xét xử phúc thẩm đối với các bị cáo Hoàng Công Lương (SN 1986), bác sĩ khoa Hồi sức tích cực, nay là viên chức phòng Công nghệ thông tin, BVĐK tỉnh Hòa Bình; Trần Văn Thắng (SN 1965), nguyên Trưởng phòng Vật tư – Thiết bị y tế; Đỗ Anh Tuấn (SN 1976), Giám đốc công ty CP Dược phẩm Thiên Sơn; Hoàng Đình Khiếu (SN 1962) Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình và Trương Quý Dương (SN 1962), nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình.
Sau 2 ngày xét hỏi, sáng nay VKSND tỉnh Hòa Bình đã đưa ra quan điểm luận tội đối với các bị cáo.
Căn cứ vào diễn biến phiên tòa cùng các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, xin hưởng án treo của bị cáo Hoàng Công Lương, VKS cho rằng khi xảy ra sự cố y khoa làm 8 bệnh nhân chạy thận tử vong, bị cáo Lương đã tích cực tham gia cứu chữa bệnh nhân.
Ngoài một số tình tiết giảm nhẹ như nhân thân tốt đã được ghi nhận ở bản án sơ thẩm, tại phiên tòa phúc thẩm, VKS nhận thấy bị cáo Lương đã ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo, hỗ trợ cho mỗi gia đình nạn nhân 5 triệu đồng, vì vậy có cơ sở để Lương được hưởng các tình tiết giảm nhẹ mới.
Tuy vậy, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng có tới 8 người chết nên VKS không chấp nhận việc xin hưởng án treo của Hoàng Công Lương mà chỉ chấp nhận một phần kháng cáo xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo này cũng như chấp nhận đơn xin giảm nhẹ hình phạt của 9 gia đình bị hại đối với bị cáo Hoàng Công Lương.
Xét kháng cáo của bị cáo Hoàng Đình Khiếu, nguyên Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình và Trương Quý Dương, nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình. VKS nhận định tòa cấp sơ thẩm đã ghi nhận nhiều tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo và ra một bản án đúng người, đúng tội. Do vậy VKS không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của các bị cáo.
Về kháng cáo của bị cáo Trần Văn Thắng, nguyên Trưởng phòng Vật tư – Thiết bị y tế. Tại phiên xử phúc thẩm, bị cáo Thắng không xuất trình được tình tiết giảm nhẹ nào mới nên VKS không chấp nhận kháng cáo của bị cáo này.
Trong vụ án này, còn duy nhất bị cáo Đỗ Anh Tuấn, nguyên Giám đốc công ty CP Dược phẩm Thiên Sơn kháng cáo kêu oan. VKS cho rằng trách nhiệm của công ty CP Dược phẩm Thiên Sơn là thực hiện đầy đủ nội dung hợp đồng đã ký kết. Tuy nhiên việc thiếu trách nhiệm của bị cáo đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Vì vậy, Đỗ Anh Tuấn phải chịu trách nhiệm về hành vi thiếu trách nhiệm do mình gây ra. Bản án sơ thẩm tuyên Đỗ Anh Tuấn 30 tháng tù là không oan, đúng người, đúng tội. Do đó, VKS không chấp nhận kháng cáo kêu oan của bị cáo Đỗ Anh Tuấn.
Về trách nhiệm dân sự, BVĐK tỉnh Hòa Bình phải chịu 70% nghĩa vụ bồi thường, công ty CP Dược phẩm Thiên Sơn phải chịu 30% còn lại. Điều này đồng nghĩa việc bác kháng cáo của bị đơn dân sự công ty CP Thiên Sơn, bản án sơ thẩm buộc Thiên Sơn có trách nhiệm liên đới bồi thường là đúng quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên, VKS đề nghị HĐXX chấp nhận một phần đơn kháng cáo của đại diện người bị hại về xin giảm hình phạt cho Hoàng Công Lương cũng như của bị cáo Lương, giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo, đề nghị tuyên phạt bị cáo Lương từ 36-39 tháng tù.
VKS không chấp nhận đơn kháng cáo của Trần Văn Thắng, Hoàng Đình Khiếu, Đỗ Anh Tuấn, Trương Quý Dương.