Sáng 30/8, VKSND TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai tổ chức buổi xin lỗi công khai ông Nguyễn Văn Túy (SN 1967, ngụ tỉnh Bình Dương) tại Xí nghiệp đầu máy Sài Gòn.
Ông Túy nguyên là lái chính tàu SE2 trong vụ tai nạn đường sắt ở cầu Ghềnh (TP.Biên Hòa) năm 2011 làm 2 người chết, 22 người bị thương.
Buổi xin lỗi có sự tham gia của đại diện VKSND tỉnh Đồng Nai, VKSND TP.Biên Hoà, cùng đại diện Công an TP.Biên Hoà, ban Giám đốc Xí nghiệp đầu máy Sài Gòn và ông Tuý.
Tại buổi xin lỗi công khai, đại diện VKSND TP.Biên Hoà cho biết, để kịp thời phục hồi danh dự cho người oan sai, căn cứ luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và biên bản làm việc giữa ông Tuý, VKSND TP.Biên Hoà tổ chức xin lỗi, cải chính công khai đối với ông Tuý liên quan đến vụ tai nạn đường sắt ở cầu Ghềnh (TP.Biên Hòa) vào năm 2011.
Phó Viện trưởng VKSND TP.Biên Hoà – ông Danh Huệ đại diện VKS thừa nhận những sai sót, thừa nhận khuyết điểm và xin chịu trách nhiệm.
“Chúng tôi biết những thiệt hại vật chất và tinh thần đến hôm nay không ai có thể bù đắp và hiểu được bằng chính bản thân ông và gia đình. Chúng tôi biết rằng, những lời xin lỗi của VKSND TP.Biên Hoà hôm nay chỉ là sự bù đắp vô cùng nhỏ bé...
Chúng tôi rất mong ông và người thân của ông chấp nhận lời xin lỗi của VKSND TP.Biên Hoà. Về phía VKS sẽ nâng cao trách nhiệm và thận trọng trong quá trình công tác, để không gây oan sai cho bất cứ công dân nào”, Phó Viện trưởng VKSND TP.Biên Hoà phát biểu tại buổi xin lỗi.
Ông Huệ cũng cho biết, sau buổi xin lỗi này, VKSND TP.Biên Hoà sẽ chủ động đăng báo Thanh Niên 3 kỳ liên tiếp và chủ đồng bồi thường cho ông Tuý.
Phát biểu ý kiến của mình, ông Túy cho rằng, ông ghi nhận sự thành ý của VKSND TP.Biên Hòa nhưng cách giải quyết của VKS là chưa thấu tình đạt lý.
“Đáng lẽ buổi xin lỗi này phải diễn ra ngay sau đình chỉ bị can chứ không phải mãi đến giờ tôi mới được xin lỗi. Về số tiền 320 triệu đồng mà VKSND TP.Biên Hòa sẽ bồi thường cho gia đình tôi là chưa thỏa đáng, không tương xứng với những tổn thất mà bản thân tôi và gia đình phải gánh chịu trong suốt thời gian qua”, ông Túy bức xúc.
Theo nội dung vụ việc, vào ngày 6/2/2011, ông Túy được phân công lái tàu SE2 đi từ ga Sài Gòn đến ga Mương Mán (tỉnh Bình Thuận) cùng với phụ lái là ông Nguyễn Xuân Phú (SN 1964 ngụ quận 9).
Khi tàu đi đến cách cầu Ghềnh khoảng 1km, thấy tín hiệu đèn xanh (cho phép được đi tiếp), ông Túy tiếp tục cho tàu chạy. Khi tàu còn cách cầu Ghềnh khoảng 100m, ông Túy thấy có ánh đèn ô tô chiếu ngược lại nên đã kéo thắng ở cấp độ khẩn cấp (cấp độ cao nhất - PV) nhưng tai nạn vẫn xảy ra làm 2 người chết và 22 người bị thương.
Sau đó, ông Túy bị bắt giam và truy tố về hành vi Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt.
Sau gần 300 ngày bị bắt tạm giam, ngày 11/11/2011, ông Túy được cho tại ngoại. Ngày 11/3/2016, ông Túy nhận được quyết định đình chỉ bị can của VKSND TP.Biên Hòa. Từ đó, ông Túy làm đơn kiện VKSND TP.Biên Hòa ra TAND thị xã Thuận An (nơi ông Túy cư trú) đòi bồi thường vật chất 2,4 tỷ đồng.
Tháng 2/2017, TAND tỉnh Bình Dương xét xử phúc thẩm buộc VKSND TP.Biên Hòa bồi thường số tiền hơn 322 triệu đồng cho ông Túy. Ngoài ra, VKSND TP.Biên Hòa phải thực hiện xin lỗi công khai tại nơi làm việc của ông Túy và cơ quan truyền thông.
Phụ lái tàu SE2 cũng được bồi thường sau khi bị bắt giam oan cùng ông Túy Liên quan đến vụ việc trên, chiều 29/8, TAND TP.HCM đã tuyên án vụ ông Nguyễn Xuân Phú (SN 1964, phụ lái tàu SE2) kiện bị đơn là VKSND TP.Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) yêu cầu bồi thường 1,78 tỷ đồng. Theo đó, HĐXX TAND TP.HCM căn cứ vào tài liệu của vụ án và các quy định của luật bồi thường Nhà nước, đã tuyên chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của ông Phú bao gồm chi phí đi lại khiếu nại trong quá trình điều tra, truy tố, chi phí gia đình thăm nuôi quá trình ông Phú bị tạm giam đã tuyên buộc VKSND TP.Biên Hòa phải bồi thường cho ông Phú gần 503 triệu đồng, tăng gần 154 triệu đồng so với bản án sơ thẩm của TAND quận 9 vào ngày 31/5/2017 trước đó. |