Ngày 7/5, VKSND Cấp cao tại Hà Nội đã đưa ra quan điểm luận tội và mức án đề nghị đối với 2 cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng và đồng phạm có hành vi “tiếp tay” cho Phan Văn Anh Vũ thâu tóm nhà, đất công sản tại Đà Nẵng.
Căn cứ toàn diện tài liệu có trong hồ sơ vụ án cùng diễn biến mở phiên tòa phúc thẩm, VKSND Cấp cao tại Hà Nội có đủ căn cứ kết luận: Vì những động cơ khác nhau, Trần Văn Minh (nguyên Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng) và các đồng phạm đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng, cố ý làm trái các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước; các quy định về quản lý đất đai trong thời gian dài từ năm 2006 đến năm 2014.
Các bị cáo đã giúp cho Phan Văn Anh Vũ (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Xây dựng 79, Công ty CP Bắc Nam 79) thu lợi bất chính đặc biệt lớn thông qua việc nhận nhiều đất dự án, mua nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước. Việc này tạo dư luận rất bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho ngân sách Nhà nước; làm mất lòng tin của nhân dân vào cơ quan quản lý Nhà nước tại thành phố Đà Nẵng.
Từ hành vi trái pháp luật nêu trên của bị cáo Trần Văn Minh và đồng phạm đã tạo điều kiện cho Vũ nhôm trực tiếp được nhận chuyển giao tài sản, quyền quản lý, khai thác đối với 15/22 nhà, đất công sản và 06/7 Dự án đất.
Trên cơ sở đó tạo cơ hội cho Vũ nhôm có quyền quyết định việc chuyển nhượng, khai thác, sử dụng… nhằm trục lợi từ những giá trị tăng thêm của các bất động sản.
Tổng số tiền Nhà nước bị thiệt hại trong vụ án này là trên 22.000 tỷ đồng. Trong đó, riêng tại Dự án 29 ha Khu đô thị Quốc tế Đa Phước số tiền Nhà nước đã bị thiệt hại là trên 11.000 tỷ đồng.
Bị tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt 17 năm tù cho cả hai tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Vi phạm các quy định về quản lý đất đai, cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng – Trần Văn Minh kêu oan cả hai tội.
Tương tự, theo cáo buộc, trong thời gian giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng (giai đoạn 2006-2011), thực hiện chỉ đạo của bị cáo Trần Văn Minh (Chủ tịch), bị cáo Văn Hữu Chiến đã ký ban hành các Quyết định cho phép chuyển nhượng và phê duyệt giá chuyển nhượng các nhà, đất công sản và dự án bất động sản trái quy định của pháp luật. Ông Chiến là đồng phạm giúp sức cho ông Minh thực hiện hành vi phạm tội.
Nếu như trước đó chỉ kêu oan một phần và xin giảm nhẹ hình phạt, quá trình mở phiên tòa phúc thẩm, cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - Văn Hữu Chiến bất ngờ kêu oan cả 2 tội danh.
VKSND Cấp cao tại Hà Nội nhận định hành vi phạm tội của các bị cáo là đúng pháp luật, không oan. Do vậy, cơ quan công tố bác kháng của Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến và bị cáo Phan Văn Anh Vũ; giữ nguyên án sơ thẩm.
Các bị cáo được VKSND Cấp cao đề nghị giảm 6 - 12 tháng tù do có tình tiết giảm nhẹ mới là Nguyễn Ngọc Tuấn (cựu giám đốc sở Xây dựng, cựu phó Chủ tịch UBND Đà Nẵng, án sơ thẩm 5 năm tù), Nguyễn Đình Thống (cựu giám đốc công ty Quản lý và Khai thác đất Đà Nẵng, án sơ thẩm hai năm tù) và Trần Phi (cựu tổng giám đốc Công ty XNK Đà Nẵng, hai năm tù).
Các bị cáo còn lại không được chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, đề nghị giữ nguyên án sơ thẩm. Kháng cáo về dân sự của các cá nhân, công ty có liên quan cũng không được VKSND Cấp cao chấp nhận.
Bên lề phiên tòa, luật sư Lê Minh Công – Trưởng Văn phòng luật sư số 6 (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết: Trong vụ án có nhiều bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt; một số bị cáo đầu vụ đang kêu oan.
Trong đó, cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - Trần Văn Minh cho rằng thực hiện đúng theo chủ trương của thành phố, đã có kết luận là không sai; bán nhà công sản chứ không phải bán nhà theo Nghị định 61. Tất cả các quy trình mà bị cáo làm là có lợi cho Đà Nẵng.
Tham gia ở cả hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm, luật sư Lê Minh Công nhận định: Các bị cáo rất cầu thị, thể hiện qua việc chuẩn bị rất nhiều tài liệu, chứng cứ để tham dự phiên tòa; thành khẩn khai báo, hợp tác với cơ quan tố tụng, họ nhìn nhận thực tế, phân tích rất đầy đủ. Vì dụ như bị cáo Trần Văn Minh chuẩn bị cả bản đồ, sơ đồ dự án.
Bản thân luật sư Công cho rằng trong vụ án có sai phạm, nhưng phải gắn vào tình hình thực tế tại địa phương, thời điểm để đánh giá, xem xét một cách toàn diện, khách quan vụ án.
Đánh giá về cách điều hành phiên tòa, luật sư Công bày tỏ: HĐXX điều hành phiên tòa hết sức khách quan, văn minh. Duy chỉ có một số tài liệu được đóng dấu “Mật” mà bị cáo Trần Văn Minh nộp, HĐXX cho rằng cấp sơ thẩm không xem xét nên tòa phúc thẩm không xem xét.
Luật sư Công nói thêm, luật sư có thể tiếp cận được những tài liệu này, tuy vậy, HĐXX phúc thẩm cũng chấn chỉnh, nếu các luật sư sử dụng trong phiên tòa này cũng phải hết sức cẩn thận.