V.League: Ám ảnh 'bể sô' hay cuộc chiến những 'ông lớn'?

V.League: Ám ảnh 'bể sô' hay cuộc chiến những 'ông lớn'?

Chủ nhật, 03/03/2013 08:56

Trong thời kỳ khủng hoảng và đặc biệt là nhìn vào cách chuẩn bị có thể thấy, cuộc đua vô địch năm nay, nhiều khả năng chỉ là cuộc chiến giữa các ông lớn như B.Bình Dương, Hà Nội T&T, SHB Đà Nẵng và Sài Gòn Xuân Thành.

Những nỗi ám ảnh

Chưa bao giờ, bóng đá Việt Nam rơi vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng như trước mùa giải năm nay. Bởi cái khó về kinh tế, nhiều đội bóng phải giải thể, số ít nữa không đủ điều kiện để tồn tại và ở cái thế không thể khác, VFP phải lùi thời gian khai mạc giải tới tận hôm nay. Và dù rất chiếu cố và tạo mọi điều kiện nhưng sau cùng, cũng chỉ có 12 đội nộp đăng ký tham gia mùa giải.

Kinh tế khủng hoảng kết hợp với thất bại đau đớn của ĐTVN ở AFF Cup 2012 nên mọi thứ càng trở nên tồi tệ. Nhiều vấn đề được đưa ra mổ xẻ nhưng điều quan trọng nhất, bài toán để vực dậy bóng đá Việt Nam vẫn là cái gì đó rất mông lung, chưa có phương án cụ thể nào. Vì những điều đó nên trước ngày khai mạc V.League 2013, những lo lắng về một mùa giải đầy thách thức đang thực sự là nỗi ám ảnh của không ít người nhiệt thành và quan tâm tới bóng đá Việt Nam.

Bóng đá Quốc tế - V.League: Ám ảnh 'bể sô' hay cuộc chiến những 'ông lớn'?

SHB Đà Nẵng vô địch vào năm 2012

Điều đó càng trở nên có cơ sở khi ngay trong trận đấu đầu tiên của mùa giải 2013 (Trận tranh siêu cúp trên sân Chi Lăng giữa SHB. Đà Nẵng và Sài Gòn Xuân Thành), những nghi án tiêu cực đã được đặt ra. Công an lập tức vào cuộc và thực hư không biết thế nào nhưng có một điều, nó làm cho rất nhiều người trở nên hoang mang.

Trước đây, khi các doanh nghiệp còn mạnh nên uy tín và danh dự được họ đặt lên hàng đầu. Nhưng giờ thì kinh tế khủng hoảng, bóng đá cũng không còn được các ông bầu quan tâm hàng đầu, nên thái độ khi tham gia giải đấu cao nhất Việt Nam chắc cũng không còn được nghiêm túc và trách nhiệm như trước. Nhiều người lo sợ rằng, nếu chẳng may, BTC điều hành giải đấu không công tâm hoặc bộ phận trọng tài có vấn đề thì nhiều khả năng sẽ xảy ra những hiệu ứng xấu. Việc một hay nhiều đội bóng vì bất bình mà bỏ giải giữa chừng là rất có thể xảy ra. Khi ấy, những rắc rồi đi kèm là vô cùng phức tạp và khó chữa.

Ngoài ra trong mùa giải mới, đa số cầu thủ, HLV đều bị cắt giảm các khoản chi và chắc chắn không ít trong số đó phải đau đầu với bài toán đầu tiên. Trường hợp này cũng có thể tiềm ẩn những mối lo khi cầu thủ, HLV vì quá túng thiếu có thể làm liều. Nếu bị tiêu cực chế ngự, giải đấu có thể sẽ phải đối mặt với rất nhiều bi kịch.

Những lo lắng là đương nhiên và mặc dù, BTC giải là VPF đã thuê chuyên gia người Nhật Bản, tên là Tanale về trấn an, nhưng để mùa giải đầu xuôi đuôi lọt, thực sự còn cần rất nhiều thứ khác và chắc chắc, nó sẽ còn ám ảnh.

Bóng đá Quốc tế - V.League: Ám ảnh 'bể sô' hay cuộc chiến những 'ông lớn'? (Hình 2).

CLB HN.T&T làm lễ xuất quân mùa giải 2013

Ai thực sự tham vọng?

Không có những cuộc chuyển nhượng đình đám, cũng không có những ông bầu hùng hồn bày tỏ tham vọng như trước. Tuy nhiên, không vì thế mà mọi thứ trở nên quá nhạt nhẽo. Thực tế, một số đội như B.Bình Dương, Hà Nội T&T, SHB Đà Nẵng bởi ít chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế nên cũng có quá trình chuẩn bị rất chu đáo cho mùa giải mới.

Sau 2 mùa liên tiếp về nhì, Hà Nội T&T của bầu Hiển đang quyết tâm để lấy lại những gì đã mất. Mùa này, đội bóng thủ đô có sự tăng cường của Thành Lương cùng dàn cầu thủ nội rất chất lượng đã gắn bó với nhau từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, thứ để Hà Nội T&T đặt niềm tin là đam mê của ông bầu Đỗ Quang Hiển. Dù khủng hoảng kinh tế và chịu nhiều áp lực nhưng không có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy, ông bầu này sẽ xa rời bóng đá. Tất nhiên, còn tình yêu thì còn những hành động và đội bóng thủ đô chắc chắn vẫn là ứng cử viên hàng đầu cho ngôi vô địch.

Một đội bóng khác được cho là anh em với nhà bầu Hiển là SHB Đà Nẵng cũng không giấu giếm tham vọng. Đội bóng của HLV Lê Huỳnh Đức được đánh giá cao bởi đội hình đồng đều với những cái tên đã góp công lớn làm nên chức vô địch V.League 2012 như Thanh Hưng, Minh Phương, Hoàng Quảng, Nguyên Sa… Ngoài ra, với việc tiếp tục giữ lại công thần Merlo, đội bóng sông Hàn còn có nhiều hơn cơ sở để tin tưởng vào khả năng bảo vệ chức vô địch của đội nhà.

Một cái tên khác cũng rất đáng chú ý là B.Bình Dương. Đại gia phía Nam này tỏ ra lặng lẽ hơn so với những mùa giải trước nhưng nhìn vào những cái tên họ đang sở hữu là Kesley, Santos, Helio, Vincet, Anieken và Sunday, nhiều người đã thấy sợ. Điều đặc biệt là đội bóng đất Thủ có thể cùng lúc tung ra cả 6 cái tên nói trên bởi 3 trong số đó đã nhập tịch. Nhiều năm liền đặt mục tiêu vô địch nhưng kết quả đều không như ý muốn, hơn lúc nào hết, B.Bình Dương đang thực sự khát khao và họ sẽ cháy hết mình.

Không thuộc diện đại gia về tiền bạc nhưng SLNA lại có những sức mạnh khác. Đội bóng xứ Nghệ là điển hình cho cách làm bóng đá từ gốc, mang rất nhiều yếu tố truyền thống, giàu khát khao. Cứ ngỡ khó khăn ngay từ những ngày đầu sẽ giết chết đội bóng nhưng bằng cách làm khôn ngoan của mình, SLNA cuối cùng vẫn giữ được những trụ cột quan trọng, trong đó còn đưa về được Công Vinh vào phút chót. Nội mạnh, kết hợp với dàn ngoại binh được đánh giá chất lượng, SLNA thực sự cũng là một thế lực có thể cạnh tranh sòng phẳng chức vô địch với những đại gia vừa kể trên.

Ngoài SLNA, những CLB khác như Thanh Hóa, V.Ninh Bình, ĐT.LA, HA.GL nhiều khả năng cũng sẽ gây bất ngờ. Đội bóng của bầu Đệ dù thay tướng vào phút chót nhưng được đánh giá là ổn định về tài chính khi hàng chục doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Nghệ An chung lưng. Còn đội bóng của HLV Nguyễn Văn Sỹ dù gặp phải những bất ổn trong quá trình chuẩn bị nhưng thời điểm này, với việc đưa về Văn Quyến và Tymothy, họ cũng mạnh dạn đặt mục tiêu Tốp 5 cho mùa giải mới.

Các cựu vương như ĐT.LA, HA.GL cũng đang có sự hồi sinh mạnh mẽ. Tuy nhiên, đây là những CLB xác định làm bóng đá tử tế, không nóng vội nên cũng không giám đặt mục tiêu cao khi chưa đủ cơ sở. Có chăng là Sài Gòn Xuân Thành hoặc V.Hải Phòng, 2 đội bóng không thiếu về tiền bạc nhưng tư tưởng làm bóng đá cùng những câu chuyện hậu trường đang thực sự là vấn đề.

Với K.Kiêng Giang và tân binh Đồng Nai, mục tiêu không gì khác là trụ lại ở giải đấu cao nhất này. Tuy nhiên, với việc giải năm nay chỉ có 1 đội xuống hạng nên chắc chắn, mức độ cạnh tranh cũng không quá lớn.

Dù kinh tế khủng hoảng kéo theo những hệ lụy xấu nhưng ít nhiều vẫn có những thứ để lạc quan khi các đội đều chuẩn bị nghiêm túc và đặt mục tiêu thứ hạng ở mùa giải mới.       

Cơ hội làm “cách mạng”

Chưa bao giờ, cuộc khủng hoảng bóng đá ở Việt Nam lại trở nên trầm trọng như vậy. Tuy nhiên, nhiều người lạc quan cho rằng, đó là thách thức nhưng cũng là cơ hội để chúng ta làm một cuộc cách mạng. Đã đến lúc cần phải đưa bóng đá về với giá trị thật và không lúc nào tốt hơn lúc này. Khi cái khó bủa vây, tất cả các CLB đều phải nỗ lực để cứu lấy chính mình. Và cũng trong khủng hoảng, người ta mới nhận ra, ông bầu nào muốn làm bóng đá thực sự. Nói thẳng ra, đây cũng là cơ hội để chúng ta thanh lọc, giúp những cuộc chơi ngày càng sạch hơn, giữa những người đam mê và tham vọng làm bóng đá thực sự. Bóng đá khủng hoảng, giá trị cầu thủ cũng giảm đáng kể và đó là điều cần thiết để những nghệ sỹ sân cỏ biết trân trọng hơn khán giả và chính bản thân mình, khi cuộc sống mưu sinh cần ở họ sự nỗ lực để tồn tại. Không có việc sướng quá hóa rồ nữa và chúng ta có quyền đặt niềm tin ở các cầu thủ trong thời buổi khó khăn.

Kim Thoa

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.