“Thương hiệu là cái hiệu được thương”. Khi khách đã thương rồi thì củ ấu cũng tròn, bồ hòn cũng ngọt, sẽ thương luôn cả đường đi lối về của thương hiệu.
Nhưng, để được thương thì phải làm thế nào để khách hàng biết, nhớ và đặc biệt là hiểu.
Nhiều người cho rằng thương rồi khắc hiểu. Nhưng thực tế là để thương phải có trí tuệ, như Hoà thượng Viên Minh đã nói: “Vì khi yêu thương không hẳn có trí tuệ, nhưng khi có trí tuệ thì liền có lòng yêu thương”. Sự hiểu biết sâu sắc, sự thấu cảm là cơ sở của yêu thương vững bền.
Nỗ lực để khách hàng biết - quen - thân - thương cái hiệu của mình là mục tiêu của mọi doanh nghiệp mà trong đó bộ phận marcom đóng vai trò quan trọng. Nhưng đôi khi do quá mải mê với việc “khiến” khách hàng phải chú ý đến mình, quan tâm, tìm hiểu về mình, dùng thử mình, mua mình, trung thành với mình, ủng hộ mình mà lại quên đi việc quan trọng trước tiên: hiểu chính mình.
Chúng ta thường hay đòi hỏi người khác phải hiểu mình nhưng lại quên mất chính mình phải hiểu mình, sống thật với con người mình, tự tin với các giá trị của riêng mình thì tự khắc người khác sẽ nhìn ra và chấp nhận mình, chào đón mình. Không phải là tất cả mà là những người phù hợp. Thương hiệu của doanh nghiệp cũng thế. Chỉ cần phù hợp với đúng khách hàng mục tiêu của mình.
Ngày nay, những người làm marketing đang có quá nhiều nền tảng, công cụ và các loại kênh. Chúng ta cũng có quá nhiều thông tin, dữ liệu, nguyên liệu, nhưng thực tế lại cho thấy, chất lượng sáng tạo, chiều sâu ý nghĩa, tác động của thông điệp, ý tưởng, độ chất của nội dung đang có chiều hướng đi xuống, hoặc là không đủ tốt để vượt lên được sự bão hoà và cơn khủng hoảng thừa kéo dài.
Giờ đây, doanh nghiệp có big data, IoT, AI… và chúng ta nghĩ rằng mình có thể biết hết, hiểu hết. Nhưng chính bản thân mình, chúng ta còn không hiểu, không dành thời gian để hiểu. Vậy thì làm sao thương và được thương?!
Những câu hỏi, những trăn trở như thế đã được Câu lạc bộ Tiếp thị và truyền thông Việt Nam (VMCC) đặt ra để phân tích, thảo luận trong chủ đề “Hiểu để Thương” của sự kiện Táo MarCom 2024 diễn ra vào ngày 11/1/2025 tại Đại học Quốc Gia Hà Nội.
Toàn cảnh VMCC Táo MarCom 2024
Táo MarCom là đại hội thường niên của giới marcom Việt được VMCC tổ chức vào mỗi dịp cuối năm âm lịch. Trải qua 5 mùa tổ chức, Táo MarCom đã quy tụ hơn 100 chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực marketing và truyền thông tại Việt Nam, thu hút gần 3.000 lượt khách tham dự, hơn 100 doanh nghiệp đồng hành và hàng triệu lượt tương tác, thảo luận trên các kênh truyền thông khác nhau.
Táo MarCom 2024 được tổ chức với concept như một buổi trà đàm. Vẫn là những tổng kết, đúc rút và dự báo, gợi ý bao quát toàn cảnh mà sắc lẹm ở mỗi mảng kiến thức như hình thức kinh điển của Táo MarCom qua các mùa, nhưng với ý tưởng “trà đàm”, mỗi Táo đã mang đến cho “thần dân” marcom một ly trà thơm ngon, thú vị với hương vị đặc sắc của riêng mình. Trà đàm marcom bản chất là một ẩn dụ để VMCC gửi tới cộng đồng những người làm marketing, truyền thông và các doanh nghiệp Việt thông điệp về giá trị của sự kết nối: kết nối với khách hàng; kết nối với cộng đồng, xã hội; kết nối với đội ngũ; và kết nối với chính bản thân mình.
Phiên Trà đàm MarCom trong VMCC Táo MarCom 2024
Hiểu, biết và tạo giá trị trong thời AI
Cốt lõi của marketing vẫn là tạo giá trị. Nhưng làm sao để tạo nên giá trị mới ở một thế giới vốn dĩ cũ mèm và đầy những giới hạn? Theo diễn giả Hồ Công Hoài Phương, Co-Founder The Partners (Táo Sáng tạo) “Điều quan trọng không nằm ở việc thay đổi bản chất của thực tại mà là thay đổi cách chúng ta nhìn nhận thực tại đó. Marketing không chỉ là về sản phẩm mà còn là hành trình dẫn dắt nhận thức, biến những nhược điểm thành cơ hội để tạo giá trị. Khi hiểu và thấu con người, chúng ta sẽ tạo ra giá trị mới.”
Táo Sáng tạo - Mr. Hồ Công Hoài Phương - Co-Founder The Partners
Ông Phương chia sẻ với khán giả một kỹ thuật gọi là Reframing (thay đổi góc nhìn) mà bản chất của nó là việc tái định nghĩa giá trị của sản phẩm hoặc dịch vụ. Kỹ thuật này không thay đổi thực tế, mà thay đổi cách khách hàng hiểu và cảm nhận nó. Như cách cà phê phin chảy nhỏ giọt được biến thành một trải nghiệm thiền định, kỹ thuật reframing giúp chúng ta nhìn nhận sản phẩm dưới ánh sáng mới mẻ và hấp dẫn hơn. Hay một buổi khám sức khỏe không còn là nỗi lo bệnh tật mà là cơ hội để hiểu rõ hơn về sức khỏe bản thân, để biết mình khỏe mạnh.
Với các công cụ AI, ông Phương cho rằng, sự thấu hiểu (Insight) không tự nhiên mà đến. Người làm marcom cần đặt những câu hỏi đúng để tìm ra giá trị cốt lõi. Một câu hỏi hay không chỉ đơn thuần hỏi về lợi ích, mà phải khám phá những tầng sâu hơn. Theo đó có các kỹ thuật để hỏi ChatGPT như: vay mượn, đảo ngược, chuyển cảnh, đổi vai, tráo người…
Mr. Hồ Công Hoài Phương chia sẻ về kỹ thuật reframing thông qua chiến dịch của cà phê Trung Nguyên
“Hành trình tạo giá trị không chỉ nằm ở việc cung cấp sản phẩm hay dịch vụ, mà là dẫn dắt khách hàng qua những câu chuyện và bối cảnh khác biệt. Reframing không chỉ là kỹ thuật, mà còn là nghệ thuật giúp thương hiệu chạm đến cảm xúc và nhu cầu sâu xa của con người trong thời đại AI.” - ông Phương nói.
Là một nhà phân phối các phần mềm quản lý marketing, bán hàng và quản lý công việc, ông Lại Tuấn Cường, Founder & CEO của Repu Digital (Táo AI) chia sẻ một phát hiện: “Khách hàng đã mua trước khi liên hệ với bạn!”
Hành trình mua hàng vẫn đi qua các giai đoạn quen thuộc: Tìm hiểu → So sánh → Quyết định. Tuy nhiên, thay vì tìm kiếm trên các nền tảng như Agoda, Google… khách hàng giờ đây sử dụng AI như ChatGPT để tra cứu thông tin và đưa ra lựa chọn. Câu hỏi quan trọng dành cho doanh nghiệp: "Thương hiệu của bạn đang ở đâu trong thế giới AI?" Bạn có xuất hiện đủ thường xuyên trước mắt khách hàng không?
Táo AI - Ông Lại Tuấn Cường, Founder & CEO của Repu Digital
AI giúp cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng 1:1 theo cách mà trước đây không thể làm được. Ví dụ, các cuộc gọi bán hàng bây giờ có thể được tối ưu thông điệp dựa trên sở thích cá nhân của khách hàng. Email marketing cũng vậy, nội dung từng email được cá nhân hóa để phù hợp với mỗi người. Cụ thể:
- AI không chỉ hiểu mà còn giúp thương khách hàng thông qua cá nhân hóa trải nghiệm 1:1
- Cuộc gọi bán hàng: Tối ưu hóa thông điệp dựa trên sở thích cá nhân.
- Email marketing: Tạo nội dung phù hợp từng khách hàng.
- Sáng tạo nội dung: AI hỗ trợ sản xuất ảnh, video nhanh chóng và hiệu quả.
Đánh giá chung ông Cường kết luận: AI đang thay đổi cách khách hàng tiếp cận thông tin và ra quyết định mua sắm.
Ở góc nhìn toàn cảnh của hoạch định chiến lược, ông Đoàn Đức Thuận - Chuyên gia Marketing chiến lược (Táo Chiến lược) cho rằng, thế giới đang bước vào một giai đoạn mới, nơi chuyển đổi số và xu hướng xanh trở thành tâm điểm. Những thay đổi này rất lớn lao, và không ai có thể đứng ngoài cuộc. Chúng ta chỉ có thể chọn "nhanh" hay "chậm", nhưng không thể chọn "không tham gia".
Theo một nghiên cứu gần đây, 55% người Việt tin rằng trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ dần hỗ trợ con người trong hầu hết các công việc. Điều này cho thấy, công nghệ không còn là lựa chọn, mà là bắt buộc. Song song đó, xu hướng xanh cũng đang trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, như trong trò chơi “Squid Game”, mọi người bước vào với một tâm thế hào hứng, nhưng khi thực sự tham gia, họ mới nhận ra rằng luật chơi khắc nghiệt đến mức nào.
Táo Chiến lược - Mr Đoàn Đức Thuận - Chuyên gia Marketing chiến lược
Những năm tới, các quy định về môi trường sẽ càng được siết chặt hơn. Những ai biết cách tận dụng cơ hội này sẽ dẫn đầu, trong khi những người chậm chân sẽ bị bỏ lại phía sau.
Bill Gates: Liệu ChatGPT có thể thay đổi thế giới như máy vi tính và Internet đã từng làm?
Chúng ta đang sống trong thời kỳ mà các hiền triết marketing đã bắt đầu nói về khái niệm "Purpose-driven marketing" - tức là marketing hướng đến mục đích cộng đồng. Đây không còn là việc xây dựng thương hiệu vì lợi nhuận hay sự nổi tiếng, mà là cách thương hiệu tạo ra giá trị và đóng góp cho xã hội.
Một ví dụ điển hình là những thương hiệu đã thay đổi mô hình kinh doanh để bảo vệ môi trường, hỗ trợ cộng đồng, hay góp phần giải quyết các vấn đề xã hội. Những thương hiệu như vậy không chỉ tạo ra lợi nhuận, mà còn nhận được sự yêu mến và trung thành từ khách hàng.
Theo cách truyền thống marketing thường xoay quanh mô hình phễu: Awareness (nhận biết) → Interest (quan tâm) → Consideration (cân nhắc) → Purchase (mua hàng). Nhưng khách hàng hiện nay không đi theo một lộ trình tuyến tính như vậy. Họ bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố trung gian, từ mạng xã hội, đánh giá trực tuyến, cho đến trải nghiệm cá nhân. Vì thế, chúng ta cần chuyển từ tư duy "đường thẳng" sang mô hình tuần hoàn, nơi khách hàng luôn tương tác và quay lại với thương hiệu. Một công cụ hỗ trợ hiệu quả trong việc này là Customer Data Platform (CDP). Đây là nền tảng giúp thu thập và phân tích dữ liệu khách hàng từ nhiều nguồn, từ đó tạo ra những trải nghiệm cá nhân hóa. Tuy nhiên, công nghệ không thể hoạt động độc lập; nó cần được tích hợp vào một chiến lược tổng thể.
“Thế giới đang thay đổi nhanh chóng, và Marketing trong thời đại số và xanh là minh chứng rõ ràng nhất. Đây là thời kỳ của trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, và xu hướng bền vững. Những ai biết cách thích nghi và tận dụng cơ hội sẽ là những người dẫn đầu. Hãy nhớ rằng: Công nghệ là công cụ, nhưng tư duy mới là chìa khóa.” - ông Thuận nhấn mạnh.
Đông quan điểm với ông Cường và ông Thuận, ông Vũ Vũ Trung Hiệp - Phó Chủ tịch điều hành VMCC, Trưởng ban tổ chức Táo MarCom 2024 đưa ra sự liên hệ giữa Ai và marcom: “Tôi tin rằng 2025 sẽ tiếp tục là một năm bùng nổ của Marcom Việt Nam, đặc biệt là nhờ vào việc khai thác các nền tảng công nghệ. Câu chuyện sử dụng AI sẽ tiếp tục là một trong những dòng chảy chủ đạo của Marcom Việt 2025”.
Hiểu khách hàng, Hiểu nền tảng, hiểu xu hướng - Chìa khoá của tăng trưởng
Bên cạnh tâm điểm AI thì thương mại điện tử cũng là dấu ấn bùng nổ của marcom Việt năm 2024 và sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Và theo diễn giả Phạm Công Hoàng - CEO Novaon Commerce (Táo Ecommerce), một trong những điều quan trọng nhất để phát triển bền vững trong TMĐT là hiểu khách hàng. Đây không phải điều nên làm mà là phải làm. Trong 10 năm qua, tần suất mua sắm trực tuyến đã tăng gấp 8 lần, từ 3-4 đơn/năm lên 27-32 đơn/năm. Tuy nhiên, giá trị trung bình mỗi đơn hàng lại giảm từ 18-23 USD xuống còn 13-15 USD. Điều này cho thấy người tiêu dùng đang mua nhiều hơn, nhưng giá trị mỗi đơn lại thấp hơn do cạnh tranh giá gay gắt.
Các doanh nghiệp Việt Nam đang không chỉ phải đối mặt với sự cạnh tranh trong nước mà còn với các nền tảng quốc tế. “Hơn 100.000 nhà bán hàng đã rời bỏ các nền tảng TMĐT trong năm qua. Đây là hồi chuông cảnh báo.” - ông Hoàng cho biết.
Làm sao để biết được khách hàng đến với gian hàng của mình qua những kênh nào, ở lại xem hàng trong bao lâu, lý do họ mua và mua lại là gì… Ông Hoàng khẳng định: “Không thể hiểu khách theo kiểu truyền thống được nữa. Phải hiểu hàng bằng khoa học dữ liệu và phải hiểu rất rõ về cách vận hành của các nền tảng, các sàn TMĐT. Các doanh nghiệp cần ứng dụng công nghệ như chatbot, dashboard dữ liệu, và AI để tối ưu hóa hành trình khách hàng. Từ việc nhắc nhở giỏ hàng chưa thanh toán, gợi ý sản phẩm, cho đến cá nhân hóa khuyến mãi, công nghệ đều giúp cải thiện trải nghiệm khách hàng.”
Táo Ecommerce - Mr Phạm Công Hoàng - CEO Novaon Commerce
Shopee và TikTok đang là hai nền tảng TMĐT chủ lực với mức tăng trưởng doanh thu (nay: GMV Shopee tăng 50%, TikTok Shop tăng 100%) trong năm qua. Tuy nhiên, số lượng nhà bán hàng giảm xuống. Điều này phản ánh các nền tảng đang tập trung vào chất lượng hơn số lượng
Bên cạnh đó, đầu tư vào thương hiệu là yếu tố sống còn. Mô hình BrandCommerce - kết hợp giữa xây dựng thương hiệu và bán hàng - ngày càng quan trọng.
Trong bài chia sẻ của mình tại Táo MarCom 2204, ông Hoàng đã nêu ra 4 xu hướng chính tác động đến TMĐT Việt Nam:
1. Socialcommerce, videocommerce, Livecommerce đang trở thành động lực chính thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử.
Videocommerce đang trở thành xu hướng chính. Đây là kỷ nguyên của nội dung video. Các nền tảng TMĐT lớn như Shopee và TikTok đều đang tập trung mạnh vào lĩnh vực này. Shopee vốn mạnh về bán hàng nay lấn sân sang mảng nội dung giải trí, trong khi TikTok từ nền tảng giải trí lại lấn sân mạnh mẽ vào bán hành. Livecommerce vẫn phát triển mạnh, đặc biệt trên Facebook, TikTok, Shopee. Facebook dẫn đầu với 62% người dùng mua sắm qua livestream, theo sau là TikTok và Shopee. Đầu tư nội dung video và livestream là cần thiết, kết hợp phân tích dữ liệu để tối ưu hiệu quả.
2. KOL/ KOC có ảnh hưởng lớn tới quyết định mua hàng, người tiêu dùng Việt dễ bị tác động nhất bởi các gợi ý từ nhà sáng tạo nội dung so với các nước Đông Nam Á khác.
Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ các KOL và KOC. Doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược booking rõ ràng, từ đó thúc đẩy hiệu quả bán hàng.
Xây dựng chiến lược booking KOL/ KOC phù hợp với mục tiêu chiến dịch để tối ưu hóa hiệu quả tác động và thúc đẩy doanh số.
3. Kinh tế biến động, người tiêu dùng có xu hướng chi tiêu dè dặt và thận trọng hơn, nhạy cảm về giá.
Sự chuyển đổi trong hành vi đòi hỏi doanh nghiệp điều chỉnh chiến lược giá, khuyến mãi phù hợp. Lựa chọn kỹ sản phẩm chủ lực, điều chỉnh chiến lược promotion hợp lý cho daily, ngày campaign, và livestream để tối ưu doanh thu.
4. Kỷ nguyên của các “dream teams” - Affiliate Community trên TikTok Shop – xây dựng network các nhà sáng tạo mạnh mẽ để dẫn đầu thị trường ngách.
TikTok cũng đang xây dựng hệ sinh thái cộng đồng sáng tạo nội dung mạnh mẽ qua các chương trình affiliate. Trong năm 2023, trung bình mỗi tháng có 2,5 triệu phiên livestream, với hơn 50.000 nhà bán hàng tham gia.
Để tối ưu hóa livestream, cần phân loại rõ các phiên lớn và nhỏ, đầu tư vào nội dung hấp dẫn và sử dụng KOL/KOC phù hợp với từng mục tiêu chiến dịch. Mỗi giai đoạn trong hành trình khách hàng cần có chiến lược booking riêng, cả về ngân sách lẫn quy mô.
Hiểu khách hàng - Hiểu nền tảng: Chìa khóa vàng để tăng trưởng bền vững trên sàn TMĐT
Cũng nói về xu hướng, nhưng bằng góc quan sát và phân tích của truyền thông tiếp thị tích hợp (Intergrated Marketing Communication), ông Phan Hải - Founder & Managging Director của Xanh & Partners (Táo IMC) cho biết thêm các khía cạnh quan trọng khác của marcom Việt một năm đã qua cũng như tương lai phía trước.
Táo IMC - Ông Phan Hải, Founder & Managing Director của Xanh & Partners
Tiếp thị và truyền thông qua người có tầm ảnh hưởng không mới nhưng sự phát triển của nó cùng những thay đổi của các nền tảng mạng xã hội và vị thế của gen Z trong tiêu dùng là yếu tố thương hiệu cần đặc biệt quan tâm. Năm 2024 ghi nhận sự nổi lên của các kiểu Influencer Marketing như: kid Influencer, group Influencer, couple Influencer.
“Ngoài KOLs và KOCs, nhóm KOS (Key Opinion Sales) đang là một kiểu người ảnh hưởng mới. Đây là những người không chỉ có ảnh hưởng mà còn rất giỏi trong việc bán hàng trực tiếp. Các thương hiệu hiện nay cần chú ý nhiều hơn đến nhóm này. Ngoài ra, cộng đồng người hâm mộ (fandom) cũng rất thú vị. Họ không chỉ hỗ trợ nghệ sĩ mà còn tạo ra các nội dung sáng tạo như fancam, video reaction, và phân tích chi tiết. Các thương hiệu hoàn toàn có thể hợp tác với các cộng đồng này để gia tăng sự ảnh hưởng.“ - vị Táo IMC cho hay.
Cũng nói về Livestream nhưng ông Hải chỉ ra sự “tiến hoá” của loại hình marketing và bán hàng này nằm ở chỗ, giờ đây nó giống như là những mini entertainment show: “Livestream giờ không còn là chuyện chỉ để bán hàng, mà đã trở thành những show giải trí mini. Các thương hiệu có thể sử dụng teaser, các chương trình ưu đãi độc quyền hoặc tích hợp truyền thông trên nhiều kênh để tăng độ phủ sóng. Đây là một xu hướng mà tôi nghĩ sẽ tiếp tục bùng nổ trong năm tới”. Và, để đa dạng hoá cách thức tiếp cận khách hàng để được hiểu và thương thì theo ông Hải, các thương hiệu không thể bỏ qua các xu hướng tiếp thị mới như: Short Drama Marketing (Tạo nội dung ngắn, có kịch bản), Tài trợ gameshow và collab (Kết hợp giữa thương hiệu và tổ chức cộng đồng, tạo tác động rõ ràng, không chỉ dừng ở CSR), Multipurpose Experience (Không chỉ dừng ở ưu đãi mà còn xây dựng trải nghiệm cho khách hàng).
Music Gameshow Sponsorship là một trong những Marketing Trend đáng lưu ý năm nay
Cuối cùng, nói về truyền thông tiếp thị tích hợp (IMC), ông Hải nhấn mạnh, đây không chỉ là việc kết hợp nhiều kênh truyền thông mà quan trọng hơn là sự đồng nhất trong thông điệp và cách triển khai. Và ngày nay, các thương hiệu cần ứng dụng công nghệ như AI hay tự động hóa để tối ưu hóa hiệu quả và giảm thiểu rủi ro.
Hiểu để thương
Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của công nghệ, ông Nguyễn Đức Sơn, nhà sáng lập Interloka nhấn mạnh, marketing vẫn là một lĩnh vực cần đến yếu tố con người và cảm xúc.
“Marketing không chỉ đơn giản là việc thu hút khách hàng, mà còn là quá trình tạo ra giá trị thực sự cho họ”, ông Sơn nói.
Táo Thương Hiệu - Mr Nguyễn Đức Sơn - Founder Interloka Brand Strategy Agency
Công nghệ có thể giúp thương hiệu hiểu khách hàng một cách hiệu quả nhưng sự thấu hiểu cảm xúc và nhu cầu sâu xa cũng như nỗi đau của khách hàng thì chỉ có thể đạt được qua sự kết nối chân thành giữa con người với nhau.
“Tìm kiếm bên ngoài là tìm kiếm giấc mơ, tìm bên trong là có sự thức tỉnh đầu tiên cho chính mình”, ông Sơn đồng tình và dẫn lời nhà tâm lý học Carl Jung.
Hiểu để thương, theo ông Sơn, không chỉ là việc nhận thức về thế giới xung quanh, mà còn là sự thấu hiểu chính mình và những yếu tố vô hình ảnh hưởng đến quyết định của người khác. Nếu Platon từng nói “chiến thắng bản thân là chiến thắng hiển hách nhất” thì theo ông Sơn, hiểu được chính mình là bước đầu tiên để phát triển các mối quan hệ bền vững.
“Nỗi sợ” là một tâm lý thường trực trong con người mà thương hiệu cần thấu hiểu
Những nỗi sợ nhiều khi mang tính tiềm ẩn mà khách hàng cũng chẳng thể xác định được nhưng lại chi phối mạnh mẽ đến hành vi của họ. Nếu không có được sự kết nối sâu sắc giữa người với người, và không phát triển thương hiệu mang tính nhân bản thì thương hiệu sẽ khó có thể tạo giá trị cho khách hàng.
“Đôi khi, những điều bình thường lại mang ý nghĩa rất quan trọng, không phải mọi insight đều là những hiểu biết sâu sắc hay phức tạp”, ông Sơn nhấn mạnh.
Táo Marcom 2024 – Hiểu để Thương đã hội tụ hơn 600 trái tim Marcom, cùng chung tay tạo nên một đại hội ý nghĩa, kết nối và truyền cảm hứng.
Cho rằng Việt Nam đang trong kỷ nguyên vươn mình nhưng ông Vũ Trung Hiệp, Phó Chủ tịch điều hành VMCC, cũng nhấn mạnh vô vàn thách thức từ thế giới đầy biến động (VUCA). Do đó, những người làm marketing, truyền thông và các doanh nghiệp phải giữ được sự bình tâm để lựa chọn phương thức phù hợp, thay vì chỉ chạy theo công nghệ hay xu hướng.
“Điều quan trọng không phải là tốc độ mà là chất lượng. Phương thức phù hợp - tức là cách tiếp cận cân bằng giữa công nghệ, văn hóa, và giá trị nhân văn - mới là chìa khóa để đạt được thành công bền vững trong tương lai”, ông Hiệp nói.
Ông Hiệp cho rằng cốt lõi vẫn nằm ở việc học hỏi, xây dựng một nền tảng kiến thức bài bản về marketing, truyền thông và thương hiệu. Dù công nghệ hay xu hướng có thay đổi liên tục, những nguyên lý cơ bản vẫn luôn giữ vai trò quan trọng.
“Hiểu người dùng, nắm bắt tâm lý, văn hóa, bối cảnh và mối quan hệ giữa các phương thức là điều cốt lõi. Chính sự thấu hiểu này sẽ giúp sáng tạo một cách bền vững, và quan trọng hơn, không bao giờ cạn kiệt nguồn cảm hứng cho những ý tưởng mới”, Trưởng ban Tổ chức Táo MarCom 2024 chia sẻ.
VMCC TÁO MARCOM 2204 - HIỂU để THƯƠNG Đơn vị tổ chức: VMCC - Vietnam Marketing & Communications Club Đối tác học thuật: Trường Khoa học liên ngành & Nghệ thuật - ĐHQG Hà Nội (SIS) Đối tác chiến lược: Vinalink Media, LinkStar Event & Communication, Unique OOH, Repu Digital, interstellar, Peony Edu Travel Đối tác cộng đồng: CSMO, JCI Vietnam, BrandWalkers, Elite PR School, UAN, Tâm Sự Con Sen, DMA Bảo trợ truyền thông: Vietnamnet, Vneconomy, TheLEADER, 24h.com.vn, Theanh28 Nhà tài trợ: Tài trợ Kim cương: SHANAM - Trà Shan Tuyết cổ thụ Việt Nam COMME Asia - Tổ hợp giải pháp cho TMĐT Tài trợ Vàng: SEONGON Nhất Hương Group Nam Dũng Medical Tài trợ Đồng hành: SandboxVN, Repu Digital, Novaon, Cao Minh Gifts, IELTS Mentor, ACCESSTRADE, Nodeverse, NCA Communication Tài trợ hình ảnh: Vietstarmax Unique OOH |