Mở cửa đầu tuần phiên giao dịch ngày 26/9, VN-Index đã chìm trong sắc đỏ, tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng bởi các tin tức về lãi suất thế giới và NHNN, sắc đỏ đã áp đảo ở nhiều nhóm ngành cổ phiếu và điều này đẩy các chỉ số xuống dưới mốc tham chiếu.
Theo Chứng khoán Bản Việt, tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn của các chỉ số vẫn duy trì ở mức tiêu cực trong tuần mới, lực mua có thể sẽ được thúc đẩy từ các hỗ trợ ở vùng giá thấp và tạo ra sự giằng co cho thị trường sau đó.
Các mã vốn hóa lớn như BID, BCM, CTG, MWG, MBB... mở cửa phiên đã giảm sâu. VN-Index nhanh chóng mất gần 16 điểm sau 15 phút đầu giao dịch.
Từ tuần này, thị trường trong nước sẽ đón nhận các thông tin vĩ mô và báo cáo kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp. MBS cho rằng chỉ số VN-Index nhiều khả năng sẽ dao động xung quanh ngưỡng 1.200 điểm trước khi hồi phục sau loạt dữ liệu công bố.
Áp lực bán dâng cao trong suốt phiên giao dịch sáng và đẩy hàng loạt cổ phiếu lớn lao dốc. Các mã thuộc nhóm ngân hàng và bán lẻ là một trong những tác nhân làm chứng khoán giảm sâu. Một số mã tiêu biểu có thể kể đến như BID và STB giảm hơn 4%, MWG, VCG hay FRT cũng giảm quanh mức 2%-3%... Ngân hàng không tìm thấy động lực tăng mà liên tục mất các ngưỡng kháng cự.
Kết thúc phiên sáng ngày 26/9, VN-Index giảm hơn 29 điểm xuống 1.173,64 điểm, giá trị giao dịch đạt 8.440 tỷ đồng. Hầu hết các nhóm ngành đều ghi nhận giảm điểm mạnh. Số mã giảm áp đảo số mã tăng.
Sang tới phiên giao dịch chiều, diễn biến thị trường cũng không khả quan. Dù áp lực bán đã suy yếu dần và lực cầu dâng cao ở hàng loạt cổ phiếu, nhưng chỉ số thu hẹp chứ không đủ để giúp chứng khoán vượt lên trên tham chiếu.
Trong phiên chiều, nhờ lực cầu bắt đáy hoạt động tích cực mà lực bán có phần giảm bớt. Kết thúc phiên giao dịch ngày 26/9, VN-Index giảm 28,93 điểm xuống 1.174,35 điểm. Toàn sàn chỉ có 42 mã tăng, còn lại 462 mã giảm và 31 mã đứng giá. HNX-Index tăng 8,76 điểm lên 255,68 điểm. Toàn sàn có 41 mã tăng, 164 mã giảm và 32 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 1,91 điểm xuống 86,68 điểm. Riêng rổ VN30 ghi nhận 27 mã giảm, chỉ có 2 mã giữ được sắc xanh và 1 mã tham chiếu.
BID là mã tác động tiêu cực nhất tới thị trường chứng khoán với mức giảm 3,88% xuống 33.400 đồng/cổ phiếu. Hai mã bank khác là CTG và MBB cũng đỏ lửa lúc kết phiên.
BCM là đại diện nhóm bất động sản nằm trong nhóm tác động tiêu cực tới chỉ số với mức giảm 0,95% về 93.800 đồng/cổ phiếu. Nhìn chung, nhóm bất động sản diễn biến xấu suốt cả phiên. Các mã khác là VHM, VIC, VRE, KDH, DIG... cũng đều kết phiên dưới tham chiếu.
Nhóm chứng khoán cũng là một trong những tác nhân kéo lùi chỉ số chính. Ngoài cổ phiếu DSC, không có một mã nào thuộc nhóm chứng khoán ghi nhận tăng điểm lúc kết phiên. Các phiên trước đây dù thị trường giảm song nhóm nay vẫn có sự phân hóa nhưng đến hôm nay đã phủ bóng một màu. Một số mã nằm trong nhóm tác động tiêu cực đến chỉ số là ART, VFS, SSI,…
Nhóm ngành bán lẻ cũng không khả quan hơn khi tất cả các mã thuộc nhóm này đều lùi sâu về tham chiếu. Trong đó, có một số mã giảm sàn như FRT, BMF TDH... Những mã khác tuy không giảm sàn song vẫn giảm biên độ lớn là MWG, VGC, SAS, AST, HAX,…
Cổ phiếu dầu khí và thép cũng góp mặt trong làn sóng bán tháo phiên ngày 26/9 với áp lực xả hàng lớn, đều giảm trên 5%.
Ngược lại, phiên giao dịch hôm nay cũng có một số mã "ngược dòng" thị trường như GAS góp phần kìm hãm thị trường lao dốc, ngoài ra còn VCG, SVC,…
Khối ngoại bán ròng 558 tỷ đồng ở sàn HoSE. Hôm nay khối ngoại chỉ giải ngân 722 tỷ đồng nhưng lại bán ra 1.343 tỷ đồng. NLG là mã bị "xả" mạnh nhất, hơn 169 tỷ đồng, KDH bị xả gần 141 tỷ đồng, SSI bị xả 69 tỷ đồng, VND bị xả 61 tỷ đồng...
Thanh khoản thị trường tăng mạnh so với phiên trước. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 17.956 tỷ đồng, tăng gần 80% so với phiên trước, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE tăng 55% lên mức 17.552 tỷ đồng. Tại nhóm VN30, thanh khoản đạt hơn 5.800 tỷ đồng.
Hồng Nhung