Người ta có thể vá đường bằng nhiều loại vật liệu như nhựa đường, đá, sỏi... để lấp kín các ổ gà, ổ voi, góp phần hạn chế tai nạn giao thông dễ xảy ra do đường xấu. Tuy nhiên, mới đây báo chí đã phát hiện ra một loại vật liệu độc đáo mới được sử dụng để vá đường ở nước ta đó chính là ... đất.
Theo báo Dân Trí, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên (QL14) được xem là một trong những con đường huyết mạch của nước ta. Chính vì vậy, những năm trở lại đây, con đường này được nhà nước rất quan tâm đầu tư nâng cấp và làm lại. Tuy nhiên, trên đoạn qua phường Yên Thế (TP Pleiku) những ổ voi được chủ thi công cho thợ vá bằng đá và nhựa chằng chịt, nhưng chẳng hiểu sao những miếng “vá” mới hoàn thành chỉ vài ngày sau lại hư lại!
Sau khi giải pháp vá bằng nhựa không thành công, để lấp những ổ gà này, một số thợ tham gia thi công đường đã đào đất ven đường để vá.
Công nhân lấy đất lấp ổ gà.
Trước đó biện pháp này cũng đã được áp dụng trên Quốc lộ 20, đoạn qua tỉnh Đồng Nai. Theo đó, đường được xây dựng gần 40 năm nay nhưng chưa từng được đầu tư nâng cấp đồng bộ, hiện mặt đường đang bị rạn nứt, xuất hiện nhiều ổ gà, nhiều đoạn bị xuống cấp nghiêm trọng, gây mất an toàn cho người tham gia giao thông.
Chính vì vậy Bộ GTVT đã giao nhiệm vụ cho Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng công trình 79 đảm trách việc duy tu, sửa chữa. Tuy nhiên máy móc được sử dụng rất đơn sơ như: cuốc, xẻng…và nguyên liệu dùng sửa chữa chỉ là đất đỏ cấp phối trộn chung với đá rồi đắp vào những ổ gà trên đường!
Có thể thấy, vá đường bằng đất là một giải pháp độc đáo và vô cùng sáng tạo ở Việt Nam bởi tính cơ động, hiệu quả và tiết kiệm.
Không chỉ có thể lấp hết các ổ voi, ổ gà trên đường một cách nhanh chóng bởi sử dụng sẵn đất ven đường mà vật liệu này còn có giá thành rất rẻ, thậm chí là miễn phí vì vậy mà rất phù hợp với thực trạng thiếu vốn ở nước ta hiện nay.
Nếu nhiều người còn e ngại việc vá đường bằng đất không thấm vào đâu bởi đường rất nhanh hỏng trở lại, sau mỗi trận mưa là chỗ vá lại như ban đầu, đất đá trôi hết, đất chảy ra đường làm đường dơ thêm, lúc đường ướt, xe chạy qua sình lầy văng tứ tung, khi nắng thì bụi mù...thì có lẽ mọi người nên nhớ đến câu 'lợi bất cập hại', cố gắng nhớ đến cái lợi để quên đi cái hại.
Thậm chí, nếu có thể thì Việt Nam cũng nên nhanh chóng đăng ký bản quyền sáng chế quốc tế đối với phương pháp sửa đường độc đáo và đặc biệt này. Việc đăng ký không chỉ giúp quảng bá nét đặc trưng chỉ có ở Việt Nam mà còn góp phần giúp cho nước ta có thêm các bằng sáng chế được quốc tế công nhận, thứ mà chúng ta luôn thiếu và yếu trong thời gian qua.
Hồng Anh