Hai chiếc tàu ngầm Kilo này được đặt tên là Hà Nội và TP.HCM với ký hiệu HQ182 và HQ183. Hãng thông tấn Ria Novosti nói rằng chiếc tàu ngầm mang tên Hà Nội sẽ được bàn giao cho phía Việt Nam trong lễ ký và sau đó sẽ lên đường khoảng giữa tháng 11 để tới Việt Nam.
Tàu ngầm Kilo Việt Nam sẽ làm thay đổi cục diện biển Đông?
Đây là các tàu ngầm Dự án 636 lớp Varshavyanka mà phương Tây gọi là Kilo, được xây dựng tại Nhà máy đóng tàu Admiralty ở St Petersburg. Chiếc thứ nhất đã có hơn 100 ngày thử vận hành trên biển, trong đó hơn 12 ngày là ngầm dưới nước. Tàu cũng đã thực hiện 65 lần lặn sâu 190m.
Chiếc thứ hai hiện đang thử ở biển Baltic. Toàn bộ đơn đặt hàng sẽ được hoàn tất năm 2016.
Tàu ngầm Kilo sử dụng cả diesel và điện, là tàu ngầm thế hệ thứ ba. Đây là loại tàu ngầm hiện đại, trên có hệ thống tên lửa chống hạm siêu thanh Club của Nga.
Tàu ngầm lớp Kilo có lượng giãn nước từ 3.000 đến 3.950 tấn, hoạt động ở độ sâu trung bình là 240 m và có thể lặn sâu tối đa 300 m và có tầm hoạt động 6.000 - 7.500 hải lý, thời gian hoạt động độc lập 45 ngày đêm và thủy thủ đoàn 52 người.
Tàu Kilo còn có động cơ chạy êm nhất thế giới, thích hợp trong việc trinh sát và tuần tra, nên được mệnh danh là "lỗ đen".
Cho đến nay, Nga đã bán hơn 30 chiếc tàu ngầm loại này cho 7 nước, trong đó có Trung Quốc.
Tàu ngầm Kilo được mệnh danh là "lỗ đen" do đặc điểm khó phát hiện của nó
Hải quân Trung Quốc hiện có đến 12 chiếc tàu ngầm Kilo đang hoạt động. Tuy nhiên, theo phân tích của chuyên san quốc phòng Kanwa Defense Review (Canada), loại tàu ngầm Kilo của Việt Nam có thể hiện đại hơn loại đã bán cho Trung Quốc : Kính viễn vọng tốt hơn, vỏ tàu bằng chất liệu không phản xạ tốt hơn, khiến cho việc bị phát hiện khó khăn hơn…
Theo nguồn tin trên, hạm đội tàu ngầm "sẽ tăng cường uy lực của Hải quân Việt Nam", cũng như mang lại lợi thế tốt hơn cho Việt Nam trong bất kỳ cuộc đối đầu nào trong tranh chấp Biển Đông. Với hạm đội tàu ngầm mới này (của Việt Nam), Trung Quốc sẽ bị thêm nhiều áp lực trong việc bảo vệ nguồn cung cấp cho mình bằng đường biển nếu xung đột nẩy sinh.
Còn Giáo sư Carlyle Thayer (Học viện Quốc phòng Úc) trong bài viết “Với sự giúp đỡ của Nga, Việt Nam áp dụng chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập A2/AD” đăng trên tạp chí The Diplomat, nhận định: Cán cân lực lượng hải quân trên Biển Đông sẽ bắt đầu thay đổi từ cuối năm nay, khi Việt Nam tiếp nhận các chiếc tàu ngầm Kilo đầu tiên.
Theo ông Thayer, tàu ngầm của Việt Nam được thiết kế cho các nhiệm vụ trinh sát và tuần tra, chống ngầm và chống hạm. Cộng thêm với phi đội chiến đấu cơ Su-30 mà Việt Nam vừa đặt mua thêm 12 chiếc, lực lượng tàu ngầm này sẽ tăng cường đáng kể khả năng của Việt Nam trong việc triển khai sức mạnh trong vùng lãnh hải của mình trên Biển Đông và nâng cao năng lực chống tiếp cận/chống xâm nhập của quân đội Việt Nam.
Phong Dao