Trao đổi với PV ngày 2/5, TS. Bùi Trọng Tuyên, phó viện trưởng Viện Công nghệ vũ trụ cho biết, vệ tinh viễn thám đầu tiên của Việt Nam - VNREDSat-1 sẽ được phóng vào lúc 23h06 ngày 3/5/2013 (theo giờ Kourou, Pháp) tức 9h06 ngày 4/5/2013 (giờ Hà Nội).
Tên lửa đẩy VEGA mang theo vệ tinh VNREDSat-1
Trước đây, Việt Nam từng phóng hai vệ tinh viễn thông Vinasat 1, Vinasat 2 lên quỹ đạo. Hai vệ tinh này làm việc ở độ cao khoảng 35.800 km trên quỹ đạo địa tĩnh, tức là có vị trí tương đối gần như không thay đổi so với Việt Nam. Còn vệ tinh viễn thám VNREDSat-1 nằm trên quỹ đạo cực đồng bộ mặt trời cho phép vệ tinh chuyển động trên toàn cầu và có khả năng chụp ảnh quang học tất cả các vùng trên bề mặt Trái đất từ độ cao xấp xỉ 663 km.
Do vậy, vệ tinh VNREDSat-1 của Việt Nam sẽ có quỹ đạo làm việc khác rất nhiều so với các vệ tinh viễn thông mà chúng ta đã đưa lên quỹ đạo trước đây.
Tên lửa đẩy VEGA mang theo vệ tinh VNREDSat-1 (có gắn quốc kỳ Việt Nam) tại sân bay vũ trụ Kourou sáng 30/4/2013
Sau khi được đưa vào quỹ đạo, vệ tinh VNRED Sat-1 sẽ giúp Việt Nam chủ động cung cấp ảnh vệ tinh chất lượng và độ phân giải cao cho các bộ, các địa phương cả nước có nhu cầu sử dụng dữ liệu ảnh vệ tinh viễn thám phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Đặc biệt, vệ tinh sẽ góp phần đánh giá và ứng phó với cháy rừng, bão lũ, tràn dầu cũng như nhiều thảm họa thiên nhiên khác, nhất là nước biển dâng và biến đổi khí hậu.
Vệ tinh quan sát Trái đất đầu tiên của Việt Nam sẽ được Công ty Arianespace phóng vào quỹ đạo bằng tên lửa đẩy VEGA từ sân bay vũ trụ Kourou, Guyana, thuộc Pháp. Đây là bãi phóng nằm trong Trung tâm Không gian Guyana, bãi phóng vệ tinh của châu Âu, với lợi thế nằm gần xích đạo thuận lợi cho việc phóng các vệ tinh lên quỹ đạo quay quanh trái đất.
Trung tâm không gian này nằm trong sự quản lý chung của Cơ quan Vũ trụ Pháp và Cơ quan Vũ trụ châu Âu. Nhà thầu duy nhất được phép vận hành các đợt phóng ở đây là Công ty ArianeSpace (Pháp). Đây cũng là đơn vị đã thực hiện thành công hàng trăm lần phóng các tên lửa Ariane, VEGA của châu Âu và tên lửa Soyuz do Nga cung cấp từ bãi phóng này.
Nếu mọi việc đúng như dự kiến thì 2 ngày sau có thể thu nhận được những bức ảnh chụp Trái đất đầu tiên của vệ tinh VNREDSat-1; những bức ảnh chụp khu vực lãnh thổ Việt Nam có thể có sau đó 1 ngày nữa. Tiếp theo là giai đoạn vận hành thử nghiệm để đánh giá và hiệu chỉnh các thiết bị đặt trên vệ tinh kéo dài trong 3 tháng.
Theo Khám phá