Theo chuyên gia của HSBC, đến năm 2050, Việt Nam sẽ vượt quốc gia cùng khu vực Đông Nam Á Singapore về quy mô GDP và đứng thứ 41 thế giới với quy mô GDP đạt 451 tỷ USD (theo tỷ giá USD của năm 2000) và thu nhập bình quân đầu người là 4.355 USD/năm.
(Ảnh minh họa)
Trong khi HSBC xếp Singapore ở vị trí 42, sau Việt Nam 1 bậc, với quy mô GDP 441 tỷ USD. Nhưng GDP bình quân đầu người của Singapore được dự báo cao hơn nhiều lần so với của Việt Nam và đạt mức 84.405 USD/năm. Vào thời điểm đó, thu nhập quốc nội bình quân của nước này được dự báo sẽ cao thứ nhì thế giới.
Để đi đến dự đoán đó, HSBC đã đánh giá Việt Nam sẽ có sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong vòng 40 năm tới, với tốc độ tăng trưởng GDP dự báo trên 5% mỗi năm.
Điểm đặc biệt là HSBC còn đánh giá và xếp hạng kinh tế Việt Nam trên nhiều các cường quốc kinh tế trong Top 50 nền kinh tế lớn nhất thế giới năm 2050.
Một số cường quốc được cho là ở vị trí thấp hơn Việt Nam như: Bồ Đào Nha (số 50, GDP dự báo 336 tỷ USD); Cộng hòa Czech (số 49, GDP dự báo 342 tỷ USD); Nauy (số 48, GDP dự báo 352 tỷ USD); UAE (số 47, GDP dự báo 360 tỷ USD); Romania (số 46, GDP dự báo 377 tỷ USD); Ireland (số 45, GDP dự báo 386 tỷ USD); Israel (số 44, GDP dự báo 402 tỷ USD); Hy Lạp (số 43, GDP dự báo 424 tỷ USD).
Bên cạnh Việt Nam, một số quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á cũng được đánh giá và xếp hạng cao trong bảng xếp hạng này.
Đáng chú ý là Philippines được dự báo đạt GDP 1,7 nghìn tỷ USD, xếp vị trí 16. Indonesia được cho là sẽ đứng ở vị trí thứ 17 với GDP 1,5 nghìn tỷ USD, trong khi Malaysia được nhận định sẽ đạt quy mô GDP 1,2 nghìn tỷ USD vào năm 2050, đứng thứ 21 trên thế giới.
Trước đó, danh sách 10 nước có nền kinh tế mạnh nhất vào năm 2050 theo dư báo HSBC cũng đã được công bố. Điểm nổi bật trong danh sách Top 10 là sự “lên ngôi” của kinh tế Trung Quốc thay thế vị trí số 1 của nước Mỹ, đồng thời là sự “xuống dốc” của một số cường quốc kinh tế, trong đó có Italy.
Khánh An