Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2024 của Công ty Cổ phần VNG (UPCoM: VNZ) vừa công bố, đến ngày 31/12/2024, VNG đầu tư vào các công ty liên kết 1.992 tỷ đồng, nhưng lỗ luỹ kế lên đến 875 tỷ đồng.
Trong đó, đáng chú ý là việc công ty không còn đầu tư 510,1 tỷ đồng vào Tiki Global. Phía VNG chịu lỗ đúng bằng số tiền đầu tư vào Tiki Global và phải trích lập dự phòng 510 tỷ đồng cho khoản đầu tư này.
Công ty cho biết, Tiki Global không còn là công ty liên kết của VNG từ ngày 28/10/2024.
Vào ngày 28/10/2024, VNG này đang nắm giữ 14,61% quyền sở hữu Tiki Global. VNG đã miễn nhiệm hai người của tập đoàn trong Ban Giám đốc của Tiki Global và không còn ảnh hưởng đáng kể trong Tiki Global.
Khoản đầu tư vào Tiki Global được ghi nhận vào khoản mục đầu tư tài chính dài hạn. Như vậy, VNG vẫn sẽ là cổ đông lớn tại Tiki Global nhưng sẽ không tham gia vào công việc điều hành cũng như phát triển công ty này.
Tiki Global được thành lập vào ngày 19/5/2021, đăng ký hoạt động tại Singapore với mã số doanh nghiệp 202117645H. Trụ sở chính đặt tại Số 10, Đường Anson, Tòa nhà Quốc tế #21-07. Hoạt động chính của Tiki Global là đầu tư.
Không chỉ chịu lỗ bằng số tiền đầu tư tại Tiki Global, VNG cũng "mất trắng" vốn khi đầu tư vào một số công ty liên kết khác. Cụ thể, VNG lỗ 515 tỷ đồng khi đầu tư vào Telio (trụ sở Singapore); Beijing Youtu ( trụ sở Trung Quốc) 35,3 tỷ đồng; Rocketeer tại đảo Cayman với giá trị đầu tư 33 tỷ đồng; Ecotruck (Tp.HCM) với 131,6 tỷ đồng và lỗ sạch.
Khoản đầu tư 512,5 tỷ đồng vào Funding Asia (trụ sở Singaporek) khá khẩm hơn chút khi ghi nhận lỗ 139,7 tỷ đồng.
Duy chỉ có Dayone (Tp.HCM) công ty đầu tư 138,1 tỷ đồng và ghi nhận lãi 10,9 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/12/2024, tổng tài sản của VNG ghi nhận ở mức 9.460 tỷ đồng, giảm nhẹ so với hồi đầu năm. Tiền mặt và tiền gửi ngân hàng của doanh nghiệp giảm tới hơn 1.000 tỷ đồng xuống 2.700 tỷ đồng.
Về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả của doanh nghiệp tăng 1.400 tỷ đồng so với đầu năm lên lên 8/190 tỷ đồng. Cuối quý IV/2024, vay nợ của VNG ở mức 2.003,6 tỷ đồng, tăng 520 tỷ đồng so với đầu năm.
Trong đó, doanh nghiệp vay Ngân hàng Vietcombank 513,7 tỷ đồng, Ngân hàng MSB 606,6 tỷ đồng, . Các khoản vay này có lãi suất từ 5,5% đến 8,5%/năm. Trong kỳ, công ty phải trả gần 55 tỷ đồng lãi vay, trong khi cùng kỳ không ghi nhận.
Về tình hình kinh doanh, khép lại quý IV/2024, VNG ghi nhận doanh thu thuần 2.613 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán tăng chậm hơn doanh thu, giúp lợi nhuận gộp của công ty tăng 30% lên 982 tỷ đồng.
Trong kỳ, công ty ghi nhận phần lỗ trong công ty liên kết và dự phòng suy giảm giá trị trò chơi trực tuyến tăng mạnh lên hơn 600 tỷ đồng.
Kế quả, VNG lỗ sau thuế hơn 421 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước lỗ 463 tỷ đồng.
Luỹ kế cả năm 2024, VNG ghi nhận 9.505 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 25% so với cùng kỳ. Đóng góp chủ yếu vẫn đến từ mảng trò chơi trực tuyến với gần 6.440 tỷ đồng, dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng viễn thông và internet cũng tăng gần gấp đôi lên 1.835 tỷ đồng, mảng dịch vụ quảng cáo trực tuyến 933 tỷ đồng.
Do chi phí và phần lỗ trong công ty liên kết lớn khiến VNG ty lỗ sau thuế 1.018 tỷ đồng. Đây là năm thứ ba liên tiếp VNG lỗ hàng nghìn tỷ đồng. Trước đó, năm 2023 VNG ghi nhận lỗ 2.317 tỷ đồng và năm 2022 lỗ 1.534 tỷ đồng.