Quà về nhà cán bộ
Như các báo Dân trí, Người lao động đã đưa tin, trong nhiều ngày qua, hàng chục hộ dân ở tại thôn 4, xã Thiệu Dương (TP.Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) đang rất bức xúc trước việc chính quyền địa phương trao quà hỗ trợ bà con bị thiệt hại do lũ lụt của các đoàn từ thiện cho người khá giả, có điều kiện. Trong khi đó người thân của cán bộ thôn, trong khi đó người nghèo, người già neo đơn thì không được nhận.
Được biết mới đây nhất, có đoàn của một ngôi chùa trong Bình Dương đến xã này để trao 170 suất quà, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng, trong đó có 1 yến gạo, chăn, quần áo ấm, bát, 300.000 đồng tiền mặt và 1 đoàn tăng ni Phật tử của một ngôi chùa trên địa bàn với 100 phần quà, mỗi phần quà trị giá 500.000 đồng. Thế nhưng, người dân trong thôn bất bình vì hàng chục suất quà không được trao cho người nghèo, khó khăn, già cả neo đơn mà được trao cho toàn người có điều kiện, nhà lãnh đạo thôn.
"Đoàn từ thiện về trao quà nhưng chẳng thấy trao cho người nghèo, người già mà toàn thấy vợ trưởng thôn, bí thư ra nhận quà, trong khi nhiều gia đình có 2 vợ chồng già, neo đơn thì không được mà toàn những nhà 2, 3 tầng được nhận. Các anh không tin, tôi dẫn các anh đi từng nhà. Chúng tôi thấy thiếu công bằng nên đã phản ánh lên xã để đòi lại công bằng chứ không đòi cho chúng tôi", ông Nguyễn Văn Lan phản ánh.
Trong khi đó ông Dương Đình Tạo (72 tuổi) hiện đang nuôi vợ bệnh thần kinh cho biết, sau đợt lũ lụt vừa qua, lúa gạo, gà lợn trôi hết, chẳng còn gì. Cho đến thời điểm này, ông nhận được 1 yến gạo, 1 thùng mì tôm và 1 lần 6 gói mì tôm. Các trường hợp khác được báo Dân trí đưa ra như nhà ông Dương Văn Nguyên (93 tuổi) đang nuôi vợ là Dương Thị An (93 tuổi) bị liệt, nhà bà Dương Thị Cúc (80 tuổi), bà Hà Thị Sánh (78 tuổi), hoàn cảnh khó khăn đều chỉ được nhận ít mì tôm từ những đợt cứu trợ trước đó.
Vợ cán bộ chỉ đứng lên nhận
Liên quan đến vụ việc, ngày 10/11, trao đổi với PV báo Đất Việt, ông Nguyễn Văn Yêng, bí thư Chi bộ thôn 4, xã Thiệu Dương (TP.Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) cho biết, cán bộ thôn chỉ phát quà cho những hộ dân bị thiệt hại do lũ lụt chưa nhận được quà.
"Còn quà cho hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách là bên xã cấp, chúng tôi chỉ làm sổ sách đưa lên. Số quà này là của doanh nghiệp và tư nhân làm từ thiện. Cán bộ thôn chỉ cấp phát quà cho những hộ dân bị thiệt hại do lũ bởi họ cũng là con người trong khi những gia đình chính sách trước đây đã được tặng quà hết rồi", ông Yêng nói.
Ông Yêng cũng cho biết thêm, mặc dù gia đình ông cũng bị thiệt hại do lũ nhưng hôm cấp phát quà vợ ông chỉ đứng lên nhận, sau đó cho lại 1 hộ dân trong thôn không có nhà.
Dê đi nhầm vào nhà cán bộ
Trước đây, tại Thanh Hóa, báo chí cũng lên tiếng về vụ 12 con dê cho hộ nghèo "đi nhầm" vào trang trại Bí thư huyện ủy Thạch Thành.
Theo đó, huyện Thạch Thành và thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa) có ký kết với nhau một chương trình kết nghĩa hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững cho các huyện miền núi. Cụ thể, ngày 3/6/2013, UBND thị xã Bỉm Sơn đã bàn giao cho huyện Thạch Thành 24 con dê giống để cấp cho 6 hộ nghèo ở xã Thành Yên.
Tuy nhiên, chỉ có 12 con dê là đến được với các hộ nghèo, còn 12 con còn lại, được chở thẳng về trang trại nhà ông Đỗ Minh Quý - Bí thư huyện ủy. Điều đáng nói, giá trị của 12 con dê đối với những hộ nghèo là lớn, có thể tạo nên đòn bẩy, điểm tựa để giúp họ thoát nghèo...
Thế nhưng, cách giải thích của vị Bí thư huyện ủy cũng thật lạ. Ông cho rằng, việc cán bộ xã đưa 12 con dê vào trang trại, ông có biết nhưng nghĩ đó là dê được phân bổ từ dự án như bao hộ khác (mỗi hộ hơn 10 con) chứ không biết đó là dê hỗ trợ giảm nghèo của thị xã Bỉm Sơn.
Sau khi có thông tin tố cáo ông Quý "dắt nhầm" dê của các hộ nghèo, mãi đến ngày 13/1/2015, huyện Thạch Thành mới tổ chức lấy dê từ trang trại của vị Bí thư huyện ủy này ra phân phát cho hộ nghèo. Mặc dù, những con dê đã được trả lại cho đúng chủ nhân của chúng nhưng đằng sau sự việc lại là chuyện niềm tin của người dân đã... đi lạc.
Ngân Hà (Tổng hợp)