Vợ hiền đức chồng được bình an
“Hiền thê, lương mẫu” là cụm từ có hàm nghĩa chỉ một người phụ nữ là vợ hiền của người chồng và là mẹ tốt của các con. Câu thành ngữ này thuộc loại ước định, tức là do con người theo thời gian mà tự định ra. Hiện tại đã không thể tìm được nguồn gốc ra đời của thành ngữ này.
Thời cổ đại, để nhận định một người phụ nữ có phải là “hiền thê, lương mẫu” hay không, người ta sẽ căn cứ vào tiêu chuẩn trọng yếu đó là “Tương phu, giáo tử” tức là “giúp chồng, dạy con”. “Giúp chồng, dạy con” là tiêu chuẩn đánh giá đạo đức của người phụ nữ xưa, và cũng là lời khen ngợi đối với người vợ, người mẹ.
Tuy rằng thời đại ngày nay đã khác xưa, quan niệm, nhận thức cũng có chỗ khác biệt, nếu như đem tiêu chuẩn của người phụ nữ hiền đức xưa như “tam tòng tứ đức”, “giúp chồng dạy con” để giáo huấn nữ giới thời nay thi e rằng sẽ có nhiều người cho là lạc hậu. Nhưng những câu chuyện cổ xưa về đức hạnh, trách nhiệm của người phụ nữ vẫn khiến người hiện đại chúng ta phải suy ngẫm sâu xa.
Nước luôn chảy xuôi
Nước luôn chảy xuôi về nơi có địa thế thấp hơn. Người phụ nữ giống như nước trong mối quan hệ gia đình, luôn khiêm nhường, nhẫn nại để giữ cho nhà cửa bình yên.
Những người phụ nữ mạnh mẽ tự cho mình “quyền sinh quyền sát” sẽ đi ngược lại với bản chất của nước. Nếu suốt ngày làm “căng” với chồng, không cho người đàn ông có không gian của riêng họ thì chắc chắn người phụ nữ ấy sẽ “đánh gục” chồng mình, khiến gia đình mất đi điểm tựa, dễ dẫn tới kết cục ly hôn. Trong trường hợp này, dù có nhiều tiền đi nữa cũng không thể hưởng hạnh phúc trọn vẹn.
Phụ nữ dịu dàng thì chồng không thể tức giận
Đối diện với những lúc người đàn ông giận dữ, người phụ nữ cần dịu dàng, biết đối nhân xử thế, có thể lấy nhu mà thắng cương. Bởi vì chỉ có dịu dàng mới có thể chống lại được sự mạnh bạo.
Cho nên, người phụ nữ hễ dịu dàng làm nũng thì người đàn ông sẽ không thể tức giận được. Người phụ nữ có cá tính mạnh thích đối đầu với đàn ông sẽ khiến gia đình luôn căng thẳng, và bản thân họ sẽ luôn là người phải chịu tổn thương.
Biết nuôi dưỡng tình cảm và tinh thần của chồng
Nước góp phần nuôi dưỡng mọi sinh vật sống nhưng không lưu lại dấu tích, cũng giống như người phụ nữ âm thầm quan tâm, chăm sóc và cổ vũ các thành viên trong gia đình mình, đặc biệt là người chồng.
Người đàn ông nhận được tình yêu thương của vợ, được vợ khen ngợi sẽ cảm thấy mình giống như một anh hùng, từ đó càng có thêm năng lượng và quyết tâm mang lại hạnh phúc cho mái ấm gia đình.
Người phụ nữ không biết nuôi dưỡng tình cảm và tinh thần của chồng, thường xuyên trách móc khuyết điểm của chồng sẽ chỉ khiến người đàn ông ngày càng lạnh lùng, ngày càng mất đi niềm tin vào chính bản thân và cả người bạn đời của mình. Khi người đàn ông cảm thấy mình yếu kém, ngốc nghếch sẽ dễ rơi vào tình trạng trượt dốc.
Chồng là đất, vợ là hoa, người phụ nữ chính là phong thủy của gia đình
Gia đình có thể hạnh phúc, bình an hay không, thế hệ sau có thể thành tài hay không, tất cả đều liên quan tới hành vi xử thế của nữ chủ nhân trong nhà, cũng có liên quan tới việc họ đối xử với chồng với con như thế nào.
Người phụ nữ tốt bụng và tử tế mang lại hạnh phúc và may mắn cho gia đình. Sự đoan trang tề chỉnh, lễ nghi khuôn phép, và tấm lòng thiện lương của người phụ nữ sẽ là tấm gương cho con cháu sau này.
Có câu chuyện kể về một cô gái xinh đẹp kết hôn với đại gia, sống trong biệt thự có nhà lầu xe hơi. Tuy nhiên kết hôn không bao lâu thì cô về nhà mẹ đẻ than vãn rằng chồng mình có người phụ nữ khác bên ngoài.
Lúc đó mẹ cô ấy liền nói: “Mẹ sớm biết hôn nhân của con sẽ không thể hạnh phúc, chồng con sớm muộn cũng đi chệch khỏi quỹ đạo gia đình”.
Khi cô gái còn đang nghi hoặc không tin thì mẹ cô nói tiếp:
“Hãy đặt mình vào vị trí của chồng con để hiểu anh ấy có cảm giác như thế nào…
– Nếu buổi tối con đi làm về, vừa vào cửa đã nhìn thấy giày dép trên kệ để lộn xộn bừa bãi, con có thấy vui không?
– Nếu con muốn ăn chút gì đó, vừa vào tới bếp thì bát đĩa và đồ dùng phủ một lớp bụi dày đặc, con có còn tâm trạng muốn ăn không?
– Nếu con muốn uống nước, mở tủ lạnh ra thấy các loại đồ ăn vặt và các loại nước uống để lộn xộn bừa bãi không quy củ, con có còn muốn uống nước nữa không?
– Vợ con lúc này đầu bù tóc rối, lôi lại kể chuyện hôm nay đánh bài thắng bao nhiêu tiền, mua cái vòng tay hết bao nhiêu tiền, con có còn tâm trạng để lắng nghe những điều vợ mình nói nữa không?
– Con bận tiếp khách tới tận đêm khuya, sáng sớm về tới nhà và muốn uống một chút canh giải rượu. Vừa đẩy cửa vào nhà thấy vợ đang ngái ngủ, cơm canh cũng chưa chuẩn bị gì, chỉ còn chút đồ ăn nhanh lạnh ngắt ở trên bàn, con còn muốn về nhà dùng bữa với vợ không?”.
Cô con gái nghe mẹ nói xong, im lặng không nói được lời nào.
Phong Linh (T/h)