Đi trăng mật cũng trốn ra... quán game
T.N. (27 tuổi, Hà Nội) nghiện game từ khi còn đi học. Đến khi lấy vợ, những lần chơi game thâu đêm, bỏ việc để “cày” game khiến gia đình N. thường xuyên rơi vào cảnh “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. T.N. kể lại: “Mình mê game từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường. Ngày đó, trọ xa nhà, nên mỗi khi rảnh bạn bè lại rủ rê mình chơi game. Mới đầu là những trò đơn giản như đào vàng, đánh tá lả, sau đó chuyển sang game Liên minh huyền thoại, Đế chế rồi Võ lâm truyền kỳ và nghiện luôn từ ngày đó”.
Học xong, do áp lực từ gia đình, nên N. phải cai game. Đã có một vài tháng, N. tưởng mình đã thoát ra khỏi sức hút của những trò chơi trên mạng, thế nhưng N. tái nghiện game ngay sau kết hôn.
“Một buổi chiều tôi trở về nhà, thấy vợ đang cặm cụi bên máy tính. Khi tôi hỏi, cô ấy nói, cô ấy cũng muốn giải trí để đỡ căng thẳng. Từ hôm đó, cô ấy suốt ngày nghiên cứu đủ các thứ game và còn lớn giọng thách thức chồng. Vốn nhanh trí, vợ tôi sớm lên level đẳng cấp cao nhất. Có hôm, hai vợ chồng quên cả ăn, ngồi “huyết chiến” với nhau trên thế giới ảo”, N. kể.
Mọi chuyện chỉ dừng lại khi một ngày vợ N. kiệt sức, ngất xỉu ngay bên bàn phím phải cấp cứu. Kết quả, vợ anh bị động thai. Cũng từ hôm đó, sau khi bị bố mẹ vợ mắng và “đòi” lại con gái, còn bố mẹ đẻ đòi từ mặt, N. mới đoạn tuyệt hẳn với game online.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, chị N.T.T. (25 tuổi, vợ của N.) cho hay: “Thực ra, chơi game không xấu, đó cũng là một cách giải trí. Nhưng mê game quên cả gia đình, vợ con, bỏ bê công việc là không được. Mình nghĩ, đã kết hôn rồi, đàn ông nên lấy gia đình làm trọng. Làm gì cũng nên nghĩ đến vợ con, có như thế mới giữ gìn được hạnh phúc gia đình”.
Thanh Bình