Hơn 10 năm nay, cứ vào đêm khuya thanh vắng, phía thượng nguồn khe Chà Hạ, người dân bản Hào lại nghe vẳng những tiếng hú, gào thét man dại như con thú hoang giữa đại ngàn. Âm thanh rờn rợn đó được phát ra từ những đứa con tội nghiệp bị nuôi nhốt trong cũi gỗ của gia đình ông bà Lô Văn Toán - Lương Thị Châu ở bản Hào (xã Yên Hòa, huyện Tương Dương, Nghệ An).
Lô Văn Xánh sống như người rừng
Bất hạnh bỗng dưng dội xuống
Nước mắt chảy dài trên khuôn mặt nhăn nheo, bà Châu kể: Năm 14 tuổi, bà lấy chồng về bản Hào, sinh được 6 đứa con, 5 trai 1 gái. Năm 1967, người con trai bụ bẫm ra đời trước sự vui mừng của ông bà và họ hàng hai bên, được đặt tên là Lô Văn Kèo. Nhưng đến năm 1984 thì đột nhiên Kèo phát bệnh lạ rồi trốn vào rừng sâu không ai biết. Cả nhà đổ xô đi tìm thì phát hiện Kèo đang trú núp trong khu rừng hoang, trên người không mảnh vải che thân. Thấy người lạ tiến đến mình Kèo liền hoảng sợ và chạy trốn, người nhà phải mất một thời gian khá lâu mới đưa Kèo về với bản. Nhưng lúc đưa về đến bản thì Kèo cầm gậy gộc đánh đập dân bản khiến bà Châu phải nhờ bà con đóng cũi gỗ để nuôi nhốt Kèo trong 3 năm.
Năm 1976, người con thứ 3 là Lô Văn Xánh được ra đời. Xánh khỏe mạnh như bao chàng trai cùng lứa trong bản, lại siêng năng làm việc nên được lòng mọi người. Đến năm 2001, Xánh lập gia đình với cô gái cùng bản. Tưởng chừng hạnh phúc sẽ mỉm cười với đôi trai tài gái sắc nhưng vừa cưới vợ xong được một ngày thì Xánh bỗng dưng “mất tích”. Có người đi săn o¬ng mách thấy Xánh chạy thẳng vào đại ngàn như bị ma đuổi. Dân bản Hào xuyên rừng mất 3 ngày mới tìm thấy Xánh đang trèo trên cây đại thụ cao vút, áo quần chẳng có, mắt long lên sòng sọc chửi bới, hò hét lung tung. Đưa được Xánh vừa về nhà nhưng Xánh vẫn không ngớt miệng chửi bới, rồi xuống bếp cầm lấy con dao phay sắc nhọn đuổi chém bất cứ ai Xánh thấy.
Thấy quá nguy hiểm cho gia đình và những người dân trong bản, bà Châu đành phải nhờ dân bản đuổi bắt và nhốt Xánh vào cũi gỗ. Thời điểm đó, anh Kèo đã đỡ bệnh nên không phải ở cũi gỗ. Bà Châu nhìn đứa con trai tội nghiệp nói: “Thương con lắm, nhưng đành phải nhốt vào cũi gỗ, nếu không sẽ gây tai họa cho bà con làng bản. Nhiều lúc nhìn con nằm ngủ hiền lành cũng định thả nó ra nhưng rồi lại sợ nó mà thoát ra thì chỉ hại người khác nên đành nhắm mắt nhìn con chịu khổ như … súc vật”. Vừa nói bà Châu vừa khóc nức nở với PV.
Hơn 10 năm bà Châu chỉ biết nhìn Lô Văn Kèo nằm trong khung cũi gỗ
Hành trình tìm lại “con người” cho hai đứa con
Từ năm 1988 đến năm 2010, bà Châu liên tục mời thầy cúng từ khắp nơi về để “khài” cúng, “bắt” con ma ám hại những đứa con của bà. Lần lượt có đến 5 thầy cúng ở quanh vùng được mời về ngày đêm lầm rầm “khài” cúng cũng chẳng bắt được con ma. Rồi hàng chục lần “khài” cúng nữa để cứu con nhưng vẫn bất lực. “Nhiều lần, thấy thầy cúng làm đủ trò nào là đánh đập, dội nước lên người con để bắt “con ma” thấy mà thương nhưng giờ mình không biết làm cách nào được đành phải giao hai con cho các thầy làm việc” - bà Châu nghẹn ngào nói.
Mỗi lần “khài” tốn kém 3-4 con lợn, chưa kể gà rượu linh đình, theo như một số thầy mo thì cúng to mới dễ “bắt ma”. Được bao nhiêu tiền tích góp, bà Châu đều dành cho việc cúng bắt ma, nhiều lần túng quá bà đành phải đi vay hết bản Hào sang bản Xiềng Nứa để trả nợ. Năm 2010, bà Châu đã phải bán căn nhà gỗ duy nhất để trả nợ, lấy tiền mua thuốc cho con, rồi dựng tạm túp lều tranh bên dòng Chà Hạ làm nơi chui ra chui vào cho gia đình.
Suốt nhiều năm qua, đôi vợ chồng già chỉ biết thay nhau chăm sóc hai con trai trong cũi gỗ như chăm sóc trẻ con. Nhiều hôm, khi bà Châu đưa vắt xôi vào cũi gỗ, Xánh lại ném nắm xôi trở ra, bà Châu nhặt nắm xôi thổi bụi đất rồi lại cất vào giỏ tre. Bà bảo: “Có hôm nó nhịn cả ngày, đưa cơm và thức ăn vào là ném ra. Nhiều bữa trời rét như cắt, đưa áo quần nhưng nó chẳng mặc, thương lắm nhưng chẳng biết làm sao, mùa đông thì vợ chồng tui lợp lá cọ xung quanh cũi chống rét, mùa hè lại mở ra cho thoáng mát”. Không ai cầm được nước mắt khi nhìn cảnh tượng thương tâm này.
Thức ăn hằng ngày của Kèo và Xánh cũng chỉ là những nắm cơm, hay nắm xôi được bà Châu vắt lại và luồn vào trong củi để khi nào đói thì ăn. “Nhiều khi thương con nấu cho nó món cháo hay bát canh để hai con dễ ăn nhưng mỗi khi đưa vào nó lại làm đổ và đạp phá bát nên tôi đành chịu” – bà Châu than thở.
Ông Lô Văn Môn - bí thư chi bộ bản Hào cho biết: Cũi gỗ được bà con dân bản đóng bằng đinh 10 cm, nhưng có khi Xánh vẫn phá được cũi ra rồi lại trốn vào rừng sâu. Bà con dân bản phải mang theo lương thực đi vào đại ngàn tìm Xánh. Bà Châu buồn bã kể: Cả ngày đều phải ở nhà để canh chừng 2 đứa con bệnh tật, sợ nhất là Xánh phá cũi trốn vào rừng, gây náo loạn khắp làng bản. Ban đêm, Xánh thường hay lên cơn phá phách, chửi bới. Ông Lô Văn Môn cho biết thêm: Gia cảnh bà Châu quá khó khăn nên bà con xóm bản thương lắm, hàng ngày có người cho gạo, cho khoai sắn, thức ăn. Mới đây có người ở Thị trấn Hòa Bình đã mua tặng gia đình bà Châu 1 chiếc ti vi và đầu chảo. Nhiều bữa mưa gió, nhà bà Châu chẳng có cái ăn, có khi cả gia đình và 2 đứa con bệnh tật đều phải ăn khoai, sắn.
“Không biết khi nào hai đứa con của tôi mới trở lại thành con người bình thường như bao người khác nữa” - bà Châu cố quay đi dấu những giọt nước mắt khi nói câu đó.
Trao đổi với PV Người đưa tin, các bác sỹ tại Bệnh viện Tâm thần trung ương cho biết, những triệu chứng của hai người con của bà Châu khả năng là biểu hiện của bệnh tâm thần ở mức độ nặng. Theo đó, gia đình nên đưa hai bệnh nhân đi khám sớm để có kết luận chính xác và điều trị. Bác sỹ La Đức Cương, trưởng Ban điều hành Dự án Bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng (Bộ Y tế) cho biết, hiện bệnh nhân tâm thần đang có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng xấu đến xã hội. |
Kim Long