Với dáng người nhỏ bé, gương mặt đôn hậu cùng lời nói nhỏ nhẹ, ông nổi tiếng là người nhân đức trong vùng khi cất cônn Phật tử thập phương đến ăn, ở miễn phí.
Làm người "kẻ chợ" để nhường nhà cho Phật tử
Ông Đỗ Văn Man (58 tuổi, trú tại thôn Đền Thỏng, xã Đại Đình) công việc chính là làm nông. Những tháng đầu năm, vào mùa lễ hội, ông tranh thủ mở cửa hàng buôn bán quanh khu chợ để kiếm thêm thu nhập. Có nghề tay trái là làm mộc nên hàng ngày vào dịp nông nhàn, ông thường mang đồ nghề lên chùa để sửa chữa từ thiện cho nhà chùa. Khi thì cánh cửa chùa lâu ngày bị long chốt, khi thì chiếc bàn, chiếc ghế bị gãy chân... tất thảy ông đều lẳng lặng quan sát, hỏng đâu, chữa đó nên được các bậc cao tăng trên chùa đặc biệt ghi nhận công đức.
Dãy nhà từ thiện được giữ gìn vệ sinh sạch sẽ.
Ông tâm sự, năm ngoái, vợ chồng ông xây cất được ngôi nhà hai tầng trên diện tích hơn 100m2, bằng số tiền chắt chiu gần hết cuộc đời. Nhà vừa xây xong thì tòa đại bảo tháp Tây Thiên được khởi công xây dựng. Rất nhiều các tăng ni Phật tử khắp mọi miền đất nước tìm đến phát tâm, chung tay giúp đỡ nhà chùa. Không chỉ các Phật tử ở khu vực miền Bắc hay các tỉnh lân cận mà nhiều người từ tận phương Nam như Kon Tum, Lâm Đồng, Ninh Thuận... cũng tìm về đây tình nguyện làm việc công quả tại tòa tháp.
Ông Man cho biết, những Phật tử tìm đến đây làm từ thiện phần lớn đều là những người kinh tế không mấy dư dả, nhưng điều đáng quý ở họ là tấm lòng thành kính, tâm luôn hướng Phật nên họ không ngại ngần bất chấp điều kiện ăn, ở vẫn còn nhiều khó khăn. Thời gian đầu, chứng kiến cảnh các Phật tử tìm về làm từ thiện không có điều kiện thuê nhà trọ để ăn nghỉ, không ít người phải chịu cảnh "màn trời chiếu đất", ông không khỏi cảm phục tấm lòng hướng thiện của họ. Ông vui vẻ mời họ về nhà mình, sẵn sàng nhường phòng của mình cho họ, còn bản thân hai vợ chồng lui tạm xuống bếp.
Về sau, do lượng người kéo về ngày càng đông nên đến diện tích nhỏ hẹp nơi căn bếp cũng phải "trưng dụng" cho các Phật tử ở. Ông Man tâm sự, bắt đầu từ tháng 9 năm ngoái, khi khu chợ vừa hoàn thiện, ông liền đóng tiền thuê kios để bán hàng rồi chính thức chuyển ra chợ sinh sống. Hàng ngày, ông mở quán nước, bán thêm một vài thứ đồ chơi rẻ tiền, hộp măng ngâm - thứ măng đặc sản của vùng đất này... Vừa nghe ông tâm sự, tôi vừa tranh thủ quan sát tổ ấm của hai vợ chồng già, thấy vô cùng giản tiện. Buổi tối đến, trên chiếc giường có diện tích khiêm tốn 1,2m2 là chỗ ngủ của hai vợ chồng già. Vài chiếc nồi, bát đũa... để dưới gầm giường. Chiếc bếp ga du lịch cũng được xếp ngay cạnh đó để tiện bề nấu nướng.
Tiếng lành đồn xa, ngày càng có nhiều Phật tử các nơi tìm về gõ cửa nhà ông xin ở nhờ. Ông bàn bạc với vợ, rồi phát quang khu vườn cạnh nhà, dựng thêm hơn chục phòng bằng số tiền tiết kiệm còn lại của mình. Do kinh phí eo hẹp nên ông đã phải tiết kiệm hết mức, tận dụng từ những viên ngói dở, những cánh cửa đã cũ mòn của các nhà xây dựng trong thôn bỏ đi... dựng lên dãy phòng từ thiện của mình. Ngay sau khi dãy nhà hoàn thiện, các Phật tử đã đến xin ở chật kín.
Ông thật thà kể: "Gọi là phòng cho oai, chứ thực ra mỗi phòng chỉ khoảng 12 - 15m2, chứa được hai chiếc giường đã chật chội lắm rồi, nhưng cũng đủ cho 4 - 5 người/giường". Cũng may là, do tính chất công việc của các Phật tử làm theo ca nên họ thay phiên nhau người làm, người tranh thủ ngả lưng... Phần lớn đàn ông thường đảm nhiệm những công việc nặng nhọc như lái máy ủi, xây dựng, làm mộc..., còn những nữ Phật tử đảm nhiệm công việc quét dọn, sắp xếp lại các cuốn kinh Phật trong khu thư viện của tòa bảo tháp.
Ông Đỗ Văn Man bên đường ống nước sạch mới được đưa về để phục vụ sinh hoạt của các Phật.
Chúng tôi vào thăm khu nhà từ thiện của ông, không khỏi bất ngờ, bởi với lượng người khá đông, có thời gian cao điểm lên tới gần 100 người ở chen chúc trong hơn chục căn phòng nhưng lại vô cùng sạch sẽ. Được chính quyền địa phương tạo điều kiện hoàn thiện giấy phép tạm trú, tạm vắng cho các Phật tử, ông cũng phần nào vơi bớt nỗi lo về công việc mình đang làm ảnh hưởng tới an ninh chung của thôn xóm. Ông kể rằng, có thời điểm nhà chùa làm lễ, người kéo về đông quá không có chỗ ăn nghỉ, ông còn tình nguyện đi gõ cửa từng nhà trong thôn để xin chỗ ngủ nhờ cho họ.
Thời điểm chúng tôi ghé thăm vào buổi chiều, hầu hết mọi người đều ra tòa bảo tháp để giúp việc nên khu nhà khá yên ắng, các phòng đều được bấm khóa cẩn thận. Ông Man cho biết, các Phật tử về làm từ thiện phần lớn đều là những người trung tuổi nên ý thức khá cao. Chỉ một số thanh niên khỏe mạnh tình nguyện thu xếp công việc để về đỡ đần nhà chùa những công việc nặng nhọc nên cũng khá ý tứ và tôn trọng người lớn tuổi.
Phát tâm theo cách của riêng mình
Kể về cuộc sống của các Phật tử đang nương nhờ nhà mình, ông hồ hởi khoe, thay vì nước giếng khoan, ông vừa cất công làm đường ống dẫn nước sạch cách thôn gần 7km về. Từ ngày có nước sạch, ông mới đỡ trăn trở, bởi từ tận đáy lòng, ông luôn mong muốn tạo điều kiện tốt nhất cho các Phật tử về đây phát tâm.
Trong 6 tháng đầu, khu nhà từ thiện của ông đi vào hoạt động, ông không chỉ miễn phí nhà ở mà thi thoảng còn hỗ trợ cả gạo, mắm cho những Phật tử khó khăn, thậm chí ngay cả tiền điện, nước, ông cũng tình nguyện đứng ra chi trả. Trong suốt thời gian dài chứng kiến cảnh người chủ nhà tốt bụng oằn mình cõng đủ thứ chi phí không tên mà không một lời oán thán, nhiều Phật tử bàn nhau xin phép được chịu chi phí điện nước.
Câu chuyện cởi mở của chúng tôi với ông Man dù chưa đến hồi kết nhưng bỗng bị ngắt quãng bởi lời chào hỏi vồn vã của một Phật tử từng ở nhờ nhà ông mới đây. Bà cho biết, mình là Đỗ Thị Hằng (52 tuổi, ở thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc). Bà Hằng vốn có bệnh ung thư đại tràng, đã phẫu thuật tới 4 lần nên sức khỏe không được tốt. Vốn là một Phật tử có tâm nên bà vẫn không quản bệnh tật tìm đến đây mong góp chút sức mọn cuối đời để phát tâm nơi cửa Phật.
Bà kể rằng, thời gian đầu mới đến, bà được vị sư bác là Thích Minh Nguyệt ở chùa Tây Thiên tận tình chăm sóc cũng như động viên về tinh thần. Nghe theo lời khuyên của vị sư nhân từ này, bà quyết định ở lại đất Phật trong thời gian một thất (21 ngày) vừa để an dưỡng, vừa vui vầy giao lưu với mọi người bằng cách giúp nhà chùa những việc lặt vặt. Quý trọng tấm lòng vị chủ nhà tốt bụng, bà về ở cùng với các Phật tử khác tại khu nhà từ thiện.
Bà Đỗ Thị Hằng (Phúc Yên - Vĩnh Phúc), một Phật tử từng ăn ở miễn phí tại nhà ông Man.
Kể về ông Man, bà không ngớt xuýt xoa khi chia sẻ về thời điểm trước đây, khi dãy chợ chưa hoàn thiện, ông bà sẵn sàng ra đầu ngã ba đường bất chấp mưa nắng để dựng lều ở tạm, nhường nhà cửa, chăn đệm cho các Phật tử khiến ai cũng vô cùng cảm kích. Chia sẻ với chúng tôi, bà Hằng cho biết, hầu hết những Phật tử đều có ý thức nhường nhịn nhau. Bà cũng là người thường xuyên giúp ông Man đôn đốc ý thức sinh hoạt chung tại khu nhà từ thiện.
Bà Hằng kể: "Mới đây, một tốp thợ xây dựng ở bảo tháp làm hỏng bình nóng lạnh. Ông Man về phát hiện ra cũng chỉ cười xòa, tháo xuống để hì hục sửa chữa. Chưa hết, ông còn động viên, trấn an tinh thần để mọi người khỏi áy náy, khiến ai cũng vô cùng cảm phục và trân trọng tấm lòng của ông Man".
Dịp Tết vừa qua, điện thoại cá nhân được ông Man gọi vui là "đường dây nóng", bởi liên tục tiếp nhận những cuộc điện thoại chúc Tết của các Phật tử từ khắp mọi miền đất nước. Ông Man chia sẻ: "Mặc dù tuổi cao sức yếu, không còn trực tiếp giúp việc cho nhà chùa nhưng với ông, tạo điều kiện cho những Phật tử cũng chính là một cách phát tâm của riêng mình".
Món quà nhỏ, niềm vui lớn Có lẽ giá trị nhất trong các món đồ đạc của gia đình ông là chiếc lò vi sóng còn khá mới. Ông vui vẻ kể, đó chính là món quà của một cô giáo cấp 3 ở Hà Nội, vốn là một Phật tử làm từ thiện lâu năm ở chùa Tây Thiên. Cứ vào cuối tuần, cô giáo thường chạy xe từ Hà Nội về đây để dạy văn hóa miễn phí cho các ni cô ở Tịnh Thất - nơi cách chùa chính gần 6km. Trong một lần, khi trời đã sập tối, cô giáo lỡ rơi chìa khóa xe nên phải chờ người nhà đến tận khuya mang chìa khóa phụ lên. Chứng kiến cảnh đó, ông đon đả mời cô giáo ở lại cùng vợ chồng dùng bữa cơm tối đạm bạc và không ngại ngần lựa những tấm áo ấm áp nhất để cô giáo mặc khi trời bất ngờ trở lạnh. Cảm động trước sự nhân đức của cặp vợ chồng già, cô giáo đã tặng chiếc lò vi sóng để tri ân một tấm lòng vàng hiếm có giữa cuộc đời này. |
Tuệ Linh