Gần 1 tháng nữa mới đến Tết nhưng không khí trong nhà chị Lan, anh Cường đã vô cùng nặng lề chỉ vì chuyện... về ăn Tết ở quê nội hay quê ngoại.
Anh Cường là người Sài Gòn, chị Lan là người Đà Nẵng, nhưng anh chị lại lập nghiệp tại Hà Nội. Vì khoảng cách địa lí và hoàn cảnh kinh tế nên cả năm chỉ có ngày Tết là cả nhà có đủ thời gian để về quê thăm ông bà nội ngoại. Có lẽ chính vì thế mà mâu thuẫn giữa hai vợ chồng chị Lan xảy ra.
Hầu như năm nào cũng vậy, cứ mỗi dịp Tết sắp đến là giữa hai vợ chồng “khẩu chiến” kịch liệt. Anh thì cứ khăng khăng bắt chị phải về nhà chồng ăn Tết, “gái có chồng là phải theo chồng”, nhưng do chị Lan là con một nên cũng muốn về ăn Tết với bố mé đẻ cho ông bà đỡ hịu quạnh.
Dù đã thỏa thuận với nhau rằng sẽ luân phiên mỗi năm ăn Tết ở một nơi, nhưng cứ đến thời điểm then chốt thì anh Cường lại nằng nặc “về nhà nội ăn Tết”
Tết năm nay cũng vậy, trước tết dương lịch, anh Cường đã thề thốt hứa hẹn với vợ con rằng năm nay anh sẽ ưu tiên đón Tết ở nhà vợ trước. Chị Lan đã hăm hở đặt vé máy bay về Đà Nẵng từ tháng trước.
Nhưng lúc cầm tờ vé điện tử trên tay, anh Cường trợn mắt tức giận. Anh hét lên “sao lại là Đà Nẵng?” rồi không tiếc lời la mắng chị Lan là con dâu bất hiếu, làm vợ vụng về không biết tính toán.
Rồi anh vạch luôn kế hoạch là về quê chồng từ 29 tới mồng 4 Tết. Vào quê vợ từ mồng 5 đến mồng 6 rồi sau đó ra Hà Nội.
Thật sự thì kế hoạch của chị Lan cũng như vậy, chỉ khác mỗi địa điểm mà thôi. Chị cứ nghĩ với lời hứa trước đây, đáng lý ra anh phải đưa vợ con về nhà ăn Tết trước như đã hứa rồi mới về nhà chồng.
Vé máy bay đã bị anh Cường hủy ngay lúc đó. Anh nói anh phải có nghĩa vụ trả hiếu cho bố mẹ đẻ. Chị phải có nghĩa vụ về nhà chồng làm dâu dịp Tết và làm đẹp mặt chồng.
Gần 1 tuần nay vợ chồng chị Lan mạnh ai nấy ngủ chỉ vì chuyện sẽ ăn Tết ở nhà ngoại hay nhà nội.
Cả hai vợ chồng đều giận và căng thẳng đến mức gần 1 tuần nay đã không thèm ngủ chung. Mạnh ai nấy ăn, mạnh ai nấy ngủ. Không còn cách nào khác, chị Lan bàn với chồng “ai về nhà nấy”. Giải pháp của chị vô tình làm nổi lên một trận cãi vã khác.
Anh Cường nói vợ làm như thế chẳng khác gì bôi nhọ danh dự của anh với họ hàng. Rồi anh nói có vợ cũng vô dụng như không. Anh còn lớn giọng “tôi chấp nhận cho ba mẹ cô 20 triệu nhưng Tết cô phải về quê chồng”.
“Tôi thực sự ngỡ ngàng trước cách cư xử của chồng, nhà tôi nghèo thì nghèo thật, nhưng anh ấy lấy tiền ra để bằng cả việc về nhà báo hiếu cha mẹ mỗi dịp Tết là không thể chấp nhận được, cái cha mẹ tôi cần là một cái Tết đầm ấm tình thân. Từ khi lấy chồng đến nay đã 4 năm rồi, tôi đều nhường chồng, chấp nhận về quê chồng ăn Tết. Nhưng năm nay, do sức khỏe của bố tôi không tốt nên tôi muốn được về ăn Tết bên nhà ngoại, bởi biết đâu không còn cơ hội nào để được đón giao thừa cùng bố tôi nữa. Nhưng chồng tôi không hiểu...”.
Thấy vợ không bằng lòng “nhận 20 triệu và về quê chồng ăn Tết”, anh Cường sử dụng “chiêu” cuối cùng là: Nếu chị Lan cứ muốn về nhà ngoại ăn Tết thì... kí vào giấy li hôn trước đã.
Nhìn khuôn mặt ngẩng cao ra vẻ đắc thắng của chồng, chị Lan đã không ngần ngại kí cái... roẹt vào tờ đơn li hôn.
Chịu chung cảnh “lục đục” chỉ vì chuyện ăn Tết ở đâu như vợ chồng chị Lan là vợ chồng chị Thanh (Long Biên, Hà Nội), hai vợ chồng đều là “dân tỉnh lẻ” lên làm việc ở Hà Nội. Vợ chồng chị đang phải ở nhà thuê nên năm nào cũng về quê ăn Tết. Quê chồng và quê vợ cách nhau gần 100 km nên vì việc phân chia ngày Tết ở nhà chồng hay nhà vợ mà 2 vợ chồng chị đã giận nhau cả tuần nay.
Chồng chị Thanh lấy lý do là con trai một nên năm nào 2 vợ chồng cũng phải về nhà nội ăn Tết. Đến ngày mùng 4 Tết anh chị mới về bên ngoại. “Mùng 4 ở quê thì đã hết Tết rồi còn đâu. Bố mẹ mình năm nào cũng tủi thân vì thui thủi ăn Tết mà vắng con cháu.
3 năm đi lấy chồng chưa năm nào mình được về nhà mẹ đẻ ăn Tết. Ngày mùng 3, về nhà ngoại chúc Tết ngồi chưa kịp ấm chỗ đã nghe điện thoại mẹ chồng giục về. Bố mẹ đẻ thì lúc nào cũng sợ con cái cãi nhau, mất hòa khí gia đình trong ngày đầu năm mới nên an ủi: “Con gái lấy chồng phải theo chồng…” nhưng mình biết ông bà buồn lắm”, chị Thanh bùi ngùi cho biết.
Theo một chuyên gia tâm lí, nếu tính công thì bố mẹ hai bên đều phải mang nặng đẻ đau, vất vả sớm hôm nuôi con thành người. Vì thế cả hai bên đều xứng đáng nhận được sự quan tâm, chăm sócc. Vợ và chồng đều có trách nhiệm thể hiện điều đó, nếu xác định rõ như vậy thì đôi vợ chồng có cách giải quyết cho hợp lý, hài hòa.
Ví dụ như khi nhà vợ ít người trong khi bên chồng lại đông đúc anh em, con cháu thì chồng nên cùng vợ về bên ngoại để ông bà được hưởng không khí đầm ấm mấy ngày Tết. Các ông chồng không nên quá cứng nhắc, bắt ép vợ dù giá nào cũng phải về nhà mình, sẽ gây tâm lý ức chế, dẫn đến lục đục, mất vui. Còn người vợ cũng nên khéo léo cư xử, đừng tỏ ra chống đối việc về nhà chồng mà trở thành nàng dâu vô trách nhiệm trong mắt chồng và gia đình anh ta.
"Tóm lại cả vợ và chồng không được bên trọng, bên khinh, coi nhà mình là nhất, mà phải cùng nhau chia sẻ, dành sự quan tâm đều đến cả hai bên nội ngoại thì sẽ có một cái Tết vui vẻ, đầm ấm", chuyên gia tâm lí cho biết.
Ngọc Anh