Vợ chồng nhà giáo làm 'người đưa đò' xuyên thế kỷ

Vợ chồng nhà giáo làm 'người đưa đò' xuyên thế kỷ

Chủ nhật, 12/05/2013 08:55

Hạnh phúc vỡ òa sau hơn 31 năm lang bạt kiếm tìm nơi yên nghỉ của người anh hi sinh trên chiến trường miền Nam đã khiến ông chọn nhiệm vụ thiêng liêng này.

Hành trình 31 năm tìm mộ phần anh trai

Gặp ông trong những ngày này thật khó, vì ông vẫn đang lao mình trên hành trình kiếm tìm mộ phần những anh hùng liệt sĩ. Tuy nhiên, nói về ông, mọi người dân xã Tân Bình (huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) đều khẳng định: "Ông Hồ trước đây là thầy giáo của trường THPT Tân Uyên, nay đã về hưu và đi tìm mộ liệt sĩ không công".

Thông tin về ông giáo làng, người dân Tân Uyên cho biết: "Ông Nguyễn Sĩ Hồ vốn quê ở xã Hương Trạch, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh (là xã giáp ranh giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình). "Tuổi thơ ông chìm trong bom đạn và gia đình cũng chịu nhiều mất mát từ chiến tranh. Có lẽ vì vậy, ông đã không chọn cách sống nhàn hạ cùng con cháu cho phần đời còn lại mà gánh lấy cái nghiệp kiếm tìm mộ liệt sĩ khó khăn, nặng nhọc này".

Xã hội - Vợ chồng nhà giáo làm 'người đưa đò' xuyên thế kỷ

Vợ chồng thầy giáo Nguyễn Sĩ Hồ tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Bù Đăng

Chia sẻ với chúng tôi, ông cho biết hành trình gian khó đến không tưởng đối với một ông giáo hưu trí chưa biết bao giờ sẽ dừng lại, dù nó đã bắt đầu hơn 31 năm về trước. Theo lời ông, hành trình thiêng liêng, mang nặng trên vai những cam go, khó nhọc này xuất phát từ ngày gia đình ông đi tìm nơi an nghỉ của người anh trai: Liệt sĩ Nguyễn Đăng Khoa.

Được biết, đó là lần đầu tiên ông và gia đình, đặc biệt là người bạn đời của ông tham gia vào hành trình thiêng liêng và khó khăn đến vậy. Ông cho biết, ông và bà xã bắt đầu hành trình tìm kiếm theo kiểu "thủ công", không ngoại cảm, không thầy thợ chỉ với một dòng thông tin vỏn vẹn: "Hi sinh tại mặt trận phía Nam năm 1973". Nhưng hành trình vẫn bắt đầu. Chiếc xe gắn máy cũ kỹ mà ông thân thương gọi là "con ngựa già" vẫn lăn bánh trên mọi nẻo đường Nam Bộ và chỉ dừng lại ở những nghĩa trang liệt sĩ.

Ông đi bằng sự nhiệt tâm, bằng tình yêu thương, trách nhiệm của một người em, thế nhưng hành trình ấy tưởng như vô tận và bế tắc. Và nó ngốn hết 31 năm cuộc đời của ông. Nhưng những chuyến đi vẫn không dừng lại cho đến một ngày, ông vỡ òa trong hạnh phúc, trái tim dường như bị bóp nghẹt lại bởi những cảm xúc thiêng liêng. Hơn 31 năm, ông tìm được nơi an nghỉ của người anh đã ngã xuống tại huyện Đức Huệ (tỉnh Long An).

Ông cho biết, bằng nhiều công sức, cuối cùng ông may mắn tìm được người trực tiếp chôn cất anh Khoa cùng đồng đội khi trên đường đi dự hội nghị Chiến sĩ thi đua về bị lọt vào ổ phục kích của địch. Theo thông tin của người này, đó là bảy chiến sĩ thuộc Trung đoàn 271, Sư đoàn 5, Quân khu 7, hy sinh ngày 16/4/1973 tại Đức Huệ (tỉnh Long An). Sau đó, mộ phần được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ huyện Đức Huệ, được đánh số thứ tự từ 1 đến 7. Qua giám định gene và đối chiếu thông tin, ông đã trả lại tên, tuổi cho bảy người anh hùng hy sinh vì độc lập dân tộc.

Trong niềm vui, hạnh phúc của mình, ông không quên đi nỗi đau mất mát của những gia đình có cùng cảnh ngộ, ông báo tin về gia đình của sáu liệt sĩ còn lại. Đó cũng là ngày ông thấu hiểu hơn nỗi đau mất mát người thân và niềm hạnh phúc khi tìm được nơi an nghỉ của những thành viên trong gia đình bấy lâu thất lạc. Niềm trăn trở, những khát khao đem lại niềm hạnh phúc tìm được mộ người thân hi sinh trong chiến tranh không khi nào vơi trong tâm trí thầy giáo Nguyễn Sĩ Hồ. Cuối cùng, hành trình kiếm tìm mộ liệt sĩ một cách lặng thầm của ông bà giáo bắt đầu.

Xã hội - Vợ chồng nhà giáo làm 'người đưa đò' xuyên thế kỷ (Hình 2).

Website "Người đưa đò", nơi ông Hồ đăng tải thông tin liệt sĩ

Những con số đáng khâm phục

Chia sẻ về nguyên nhân của những chuyến rong ruổi kiếm tìm mộ liệt sĩ một cách âm thầm, giản dị, ông Nguyễn Sỹ Hồ cho biết: "Tôi có thời gian 31 năm đi tìm mộ anh trai tưởng chừng như tuyệt vọng. Nhưng đến 8/2008, tôi tìm được mộ anh mình tại huyện Đức Huệ. Niềm hạnh phúc không gì sánh được. Từ kinh nghiệm của bản thân và tư liệu mà tôi có, tôi quyết định lập một kênh thông tin mộ liệt sĩ trên internet".

Ông Nguyễn Sỹ Hồ nghĩ là làm, dù đó là một con đường chất chồng những chông gai. Thế nên, hình ảnh thầy Hồ cùng người vợ rong ruổi trên chiếc xe gắn máy, vượt qua hàng trăm cây số tìm đến với các nghĩa trang liệt sĩ các tỉnh miền Đông Nam Bộ chụp ảnh và tìm kiếm thông tin đã trở nên quen thuộc với nhiều người.

Khẳng định thông tin trên, ông Nguyễn Sĩ Hồ cho biết: "Bà xã nhà tôi luôn sát cánh bên tôi trong hành trình đi tìm mộ anh trai. Vì thế sau này, khi khởi xướng công trình "Người đưa đò", bà ấy hỗ trợ tôi hết mình. Những chuyến đi xa, vợ tôi đều tháp tùng, lo công tác "hậu cần" đến khi kết thúc chuyến đi, thậm chí nhiều chuyến dã ngoại, hai vợ chồng hai máy để chụp ảnh cho mau xong. Khi có các gia đình liệt sĩ ở xa tới tạm trú để đi viếng mộ, vợ tôi lo hậu cần cho họ". Tuy "đồng vợ đồng chồng", nhưng hành trình cao cả, thiêng liêng trên vẫn luôn đối đầu với khó khăn tưởng chừng khó vượt qua.

Chia sẻ một trong những khó khăn của những chuyến kiếm tìm hạnh phúc cho người đời, ông kể: "Ngoài những vấn đề về sức khoẻ, thời gian, tiền bạc, phương tiện,… phải hết sức tằn tiện mới có đủ điều kiện đi thu thập thông tin, đăng tải thông tin và báo tin về gia đình liệt sĩ còn vấp phải những khó khăn khách quan. Khó khăn lớn nhất là các đơn vị quân đội đều coi hồ sơ liệt sĩ là tài liệu tuyệt mật nên khi tôi đến xin thông tin đều bị từ chối. Các sở LĐ-TB&XH từ chối cung cấp danh sách mộ liệt sĩ và cũng coi đó là tài liệu mật. Vì vậy muốn có thông tin, tôi phải đến hàng trăm nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) xa gần để chụp ảnh bia mộ mà hầu hết các NTLS đều cấm chụp ảnh". Thế nên, theo nhiều người biết về ông, nhiều khi ông phải dùng thế "đánh vào tâm lý vì tình đồng chí" và khéo léo trong giao tiếp, xử lý tình huống mới lấy được thông tin và đang hoàn thiện dần. 

Sau khi thu thập những "thông tin mật" từ nhiều đơn quân đội, ông đã tìm ra con đường chuyển thông tin nhanh nhất đến các gia đình liệt sĩ. Ông cho biết: "Ngay từ đầu, tôi đã có một cách làm khác mà chưa ai khai thác. Trên các NTLS, ngoại trừ mộ vô danh thì đang còn khoảng 30% mộ sai thông tin hoặc thiếu thông tin, một con số phải nói là rất lớn. Số này chắc chắn gia đình chưa hề hay biết. Sau khi thu thập được thông tin, việc đầu tiên là chuyển tải lên intrernet, đây là con đường đến với các gia đình có sử dụng internet nhanh nhất, hiệu ứng rất nhanh, mỗi ngày website của tôi có 15-20.000 lượt truy cập. Tiếp theo, tôi sẽ tập hợp những bia mộ sai hoặc khuyết thông tin lại để phân tích, sai mà có thể làm hồ sơ điều chỉnh thì tôi viết thư báo cho gia đình rồi hướng dẫn họ làm hồ sơ điều chỉnh, sai mà không thể điều chỉnh thì làm hồ sơ xin giám định ADN…". 

"Chỉ nhớ những người mình chưa giúp được"

Ông Nguyễn Sĩ Hồ nói: "Tính đến nay, những gia đình tìm được mộ từ công trình "Người đưa đò" của tôi có phản hồi là trên 1.000, không tính những gia đình điện thoại đến cảm ơn mà không có mail, thư hồi âm. Ngoài ra, một con số không nhỏ các gia đình truy cập Internet và tìm thấy mộ trên website của tôi rồi tự đi viếng (vì họ nghĩ rằng website là của "Nhà nước"). Tôi không muốn thống kê số gia đình đã được tôi tìm giúp mộ người thân bởi tôi tâm niệm: "Hãy quên những người mình đã giúp và luôn luôn nhớ những người mình chưa giúp được."

Hà Nguyên

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.